Phông chữ

Những ngày này, khi cả thế giới đang háo hức chờ đợi giây phút khai mạc Thế vận hội Olympic diễn ra tại nước Anh, thì có một nhóm người đang chạy đua với thời gian để bảo tồn làng Olympic do Đức Quốc xã xây dựng phục vụ kỳ Thế vận hội năm 1936.

Nằm về phía tây của thành phố Berlin, 76 năm trước, các vận động viên (VĐV) nổi tiếng và tài giỏi nhất thế giới đã tụ họp về đây để tham dự một thế vận hội được coi là đặc biệt nhất, bởi lẽ quốc gia giành được quyền đăng cai tổ chức là nước Đức phát xít của Hitler, để rồi 3 năm sau đó, cũng chính Hitler châm ngòi cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, kéo dài suốt 7 năm khiến Olympic 1940 và 1944 không thể tổ chức được.

Được khởi công xây dựng vào cuối năm 1933, làng Olympic Berlin bao gồm 145 tòa nhà dành cho các môn thi đấu, các phòng tập, sân khấu, phòng ăn. Ngoài ra còn có bể bơi, đường chạy, sân bóng đá, sân phóng lao, nhảy xa, nhảy sào… Tại nhà hàng ăn chính, 5 vòng tròn Olympic khổng lồ làm bằng gỗ và thép đứng sừng sững, còn các vách tường là những bức phù điêu đắp nổi, mô tả sự hùng mạnh của quân đội Đệ tam Đế chế.

Khoảng 4.000 VĐV thuộc đủ mọi quốc tịch, màu da đã tham gia các môn thi đấu trong mùa hè năm 1936 khi châu Âu đang bấp bênh trên bờ vực chiến tranh. Họ bị giám sát chặt chẽ và không hề giấu giếm bởi sĩ quan SS trong bộ quân phục xám, ủi hồ thẳng băng. Khi nước Đức giành được gần 90 huy chương, Adolf Hitler đã rất thỏa mãn với giấc mơ "chủng tộc thượng đẳng". Tuy nhiên, nhà độc tài này đã choáng váng như bị tát vào mặt khi VĐV Mỹ Jesse Owens là người da đen, giành được 4 huy chương vàng.

Trong suốt 3 tuần lễ diễn ra Olympic, các đoàn VĐV đã tiêu thụ 4 tấn bột mì, 100 con bò, 91 con lợn, 650 con cừu, 4.500kg cà phê, gần 6 tấn rau và khoảng 1.500 lít sữa. Và bởi vì Hitler không uống rượu nên các VĐV cũng bị cấm không được uống. Tuy vậy, người Pháp và ngườI Italia đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, rằng rượu vang không thể thiếu trong các bữa ăn, còn người Bỉ và Hà Lan thì cương quyết giữ lại món bia trong thực đơn của mình. Kết quả là chỉ có 4 quốc gia này được phép dùng bia và rượu.

Khi Thế chiến II nổ ra, làng Olympic Berlin biến thành một bệnh viện dã chiến. Chiến tranh kết thúc, phần miền Đông nước Đức nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô, làng Olympic Berlin là nơi giam giữ và tra tấn tù nhân của Cơ quan Mật vụ Đức STASI, cũng như của các cơ quan mật vụ Nga SMERSH và KGB. Hệ thống sưởi ấm dưới nhà hát và hồ bơi được biến thành nơi hỏa thiêu các xác chết và khá nhiều nấm mồ vô danh vẫn còn nằm rải rác xung quanh làng.

Cho đến năm 1992, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nơi này chỉ còn 25 trong số 145 tòa nhà là được sử dụng. Số còn lại xuống cấp theo thời gian. Ông Jens Becker làm việc tại Ngân hàng DKB nói với tờ The Times rằng từ nhiều năm nay, kể từ khi nước Đức thống nhất, ông cùng một số người khác vẫn đấu tranh liên tục để lưu giữ lại các di tích lịch sử. Ông nói: "Đây là làng Olympic lâu đời nhất vẫn tồn tại và đó là lý do tại sao nó  phải được bảo tồn. Nó là một phần của lịch sử nước Đức. Nếu không gìn giữ, nó sẽ biến mất".

Hiện tại, chỉ có phòng ăn, nơi các VĐV Italia đã từng ăn tối với các VĐV Liên Xô là được bảo tồn, còn phòng ăn của đoàn VĐV Anh thì hoang tàn, đổ nát. Đường chạy 400m - nơi Godfrey Brown, Godfrey Rampling, Freddie Wolff và Bill Roberts - là các VĐV người Anh đã giành huy chương vàng trong cuộc chạy tiếp sức 400m cũng chịu chung số phận.

Sven Voege, người hiện đang đàm phán để thuê lại làng Olympic này nhằm biến nó thành nơi triển lãm, cho biết: "Bởi vì nó gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa phát xít nên hầu hết người Đức đều tránh né nó mà quên rằng nó đã từng là nơi các VĐV sống, ăn, ngủ, thi đấu cho dù lúc ấy, bóng ma của chủ nghĩa phát xít đang lơ lửng trên đầu".

Cho đến nay, những người bảo tồn di tích làng Olympic Berlin đã chi tiêu khoảng 1,7 triệu  bảng Anh để nâng cấp và phục hồi một số hạng mục. Tuy nhiên, phần lớn những công trình còn lại vẫn phải để mặc cho thời gian tàn phá vì không có kinh phí

  •   V.C. CAND, (theo Olympic Reports)