Phông chữ

Horst Faas, nhà báo huyền thoại với gần nửa thế kỷ gắn bó cùng AP, từng được trao giải Pulitzer, có nhiều hình ảnh quý giá về chiến tranh Việt Nam, đã qua đời ngày 10-5 tại Munich ở tuổi 79.

Thông tin trên đã được con gái ông, Clare Faas, cho biết.

Là trưởng bộ phận hình ảnh của Hãng tin AP ở Sài Gòn trong một thập kỷ bắt đầu từ 1962, Horst Faas không chỉ đưa tin về cuộc chiến, ông còn tuyển mộ và huấn luyện các tay nhiếp ảnh trẻ người nước ngoài và người Việt Nam.

Kết quả là “một đội quân của Horst” gồm những nhiếp ảnh gia trẻ đi khắp nơi săn lùng hình ảnh và những thước phim giá trị về cuộc chiến.

Bức hình của Horst Faas đoạt giải Pulitzer năm 1965. Một người cha ôm xác đứa con ngước lên hỏi các binh sĩ Nam Việt Nam trên xe: “Tại sao?” - Ảnh: nppa.org

Faas là người gốc Đức và gia nhập hãng tin Mỹ từ năm 1956, ông từng đưa tin chiến tranh, các cuộc cách mạng, các kỳ thế vận hội và nhiều sự kiện lớn khác.

Nhưng Faas nổi tiếng nhất bởi chiến tranh Việt Nam, nơi ông đã bị thương nặng vào năm 1967 và giành bốn giải thưởng lớn cho hạng mục hình ảnh, bao gồm giải đầu tiên trong hai giải Pulitzer của ông.

“Horst là một trong những tài năng lớn nhất thời đại chúng ta, một nhiếp ảnh gia can đảm và biên tập viên xuất sắc đã ghi lại những hình ảnh rúng động ở thế kỷ của ông - thư ký tòa soạn AP Kathleen Carroll nói - Ông là một đồng nghiệp tuyệt vời và một người bạn nồng hậu, rộng rãi”.

Trong số những học trò của Horst có Huynh Thanh My, một diễn viên chuyển nghề nhiếp ảnh gia và năm 1965 trở thành một trong bốn phóng viên AP và một trong hai nhiếp ảnh gia Nam Việt Nam trong số hơn 70 phóng viên đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài 15 năm. My chính là anh trai của Nick Ut (Huynh Cong Ut), người có bức ảnh em gái napalm nổi tiếng thế giới.

“Horst Faas là một người khổng lồ trong giới nhiếp ảnh báo chí với sự cam kết phi thường kể lại những câu chuyện khó khăn, độc nhất vô nhị và ấn tượng - Santiago Lyon, phó chủ tịch và giám đốc phụ trách mảng nhiếp ảnh của AP, ca ngợi - Ông ấy là một tài năng khác thường cả đằng sau ống kính và trong việc biên tập tác phẩm của những người khác… Ông ấy sẽ được các đồng nghiệp tưởng nhớ sâu sắc, đặc biệt là với nhóm mà ông đã cùng khám phá cuộc xung đột, thế hệ Việt Nam”.

Trong thời kỳ này, ông thường xuyên ở chung nhóm với phóng viên AP Peter Arnett (tác giả kịch bản phim tài liệu Việt Nam, cuộc chiến 10.000 ngày) cho ra đời những phóng sự phản ánh tình hình chiến cuộc.

Faas sinh ở Berlin ngày 28-3-1933, lớn lên trong Thế chiến thứ hai và từng được yêu cầu gia nhập đoàn thanh niên Hitler. Sau chiến tranh, gia đình ông sơ tán lên miền bắc, rồi hai năm sau định cư ở Munich.

Năm 1960, ở tuổi 27 và đã làm phóng viên AP được bốn năm, Faas bắt đầu những chuyến đi ra tiền tuyến ở Congo, rồi Algeria.

Năm 1962, ông đăng ký đi Việt Nam và đến cùng ngày với Arnett. Faas rời Sài Gòn năm 1970 để làm phóng viên ảnh châu Á của AP, trụ sở tại Singapore.

Ông cũng tham dự Olympic Munich 1972 và tại đây Faas đã chụp được tấm ảnh trứ danh một khủng bố người Palestine đeo mặt nạ trong khu nhà ở của các vận động viên Israel bị bắt làm con tin, vài giờ trước khi họ bị sát hại ở phi trường.

Năm 1976, Faas chuyển sang London làm biên tập viên ảnh cao cấp của AP ở châu Âu cho tới khi ông nghỉ hưu vào năm 2004. Ông ra đi để lại vợ, Ursula, và con gái.

Những bức ảnh của Horst Faas về chiến tranh Việt Nam

Tháng 5- 1965, một lính Mỹ trên một cánh đồng nước nổi ở Việt Nam - ảnh: AP

Bức ảnh chụp tháng 4- 1967, những lính Mỹ bị thương đang được xử lý vết thương tại một cánh đồng ở Việt Nam - ảnh: AP

Bức ảnh được chụp vào tháng 12- 1965, những trẻ em đến trường và phụ nữ trở về nhà ở Bến Cát - ảnh: AP

Bức ảnh chụp tháng 6- 1965 1965 ở Đồng Xoài, những người sống sót sau trận giao chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam  - ảnh: AP

  • HẢI MINH, Tuoitre