Phông chữ

Với hàng chục trang dành cho kết quả vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống Pháp, từ bình luận, phóng sự, phân tích, cho đến bảng kết quả chi tiết từng vùng, thời sự quốc tế hôm nay chỉ còn một chỗ khá khiêm tốn. Tuy nhiên, báo giới Pháp cũng rất quan tâm đến phản ứng của thế giới trước kết quả bầu cử ngày chủ nhật vừa qua.

Les Echos nhìn thấy là châu Âu lo ngại trước tỷ lệ phiếu dành cho bà Marine Le Pen, vì nó khẳng định xu hướng đang lên của các đảng cựu hữu dân túy ở châu Âu. Trong khi đó, Hoa Kỳ lo ngại cho tương lai của "Merkozy", tức trục hợp tác Pháp-Đức, giữa thủ tướng Merkel và tổng thống Pháp Sarkozy, nếu ông Hollande thắng cử.

Le Monde và La Croix trích dẫn nhận định báo nước ngoài, nhìn chung rất ngạc nhiên trước "thắng lợi" của bà Marine Le Pen.

Nhận định đầu tiên của họ là lá phiếu ngày 22/04 là phiếu "tức giận". Hai tờ báo Đức Financial Times Deutschland và Der Spiegel cho là người Pháp đã bất bình trước tình trạng đất nước, và tức giận đối với vị tổng thống.

Tờ Der Spiegel còn phân tích là sở dĩ bà Marine Le Pen được điểm cao, đó là vì cử tri thuộc những tầng lớp khiêm tốn đang gặp nhiều khó khăn, đã tin vào lời của bà, vốn đã nói những lời lọt vào tai họ khi nêu vấn đề ngưòi nhập cư hay chỉ trích giới ưu tú.

Ngược lại với báo chí Pháp rất thận trọng, Le Monde nêu bật cái nhìn không mấy lạc quan của báo Đức và Anh về khả năng thắng cử vòng hai của ông Sarkozy, như tờ The Times đã chạy hàng tít, « ông Sarkozy đối mặt với thất bại », trong khi mà tờ The Guardian thì cho là ông Sarkozy cần đến "phép lạ" ở vòng hai để giữ chiếc ghế của ông.

Riêng tờ báo Thụy Sĩ Le Temps, tuy đánh giá "kết quả tồi của ông Sarkozy trong tư thế tổng thống mãn nhiệm, nhưng cho là dẫu sao, nó khá tốt trong một châu Âu bị khủng hoảng". Báo Canada The Globe and Mail thì nhìn thấy điểm của ông Hollande là một « ngoại lệ hiếm thấy trong một châu Âu bảo thủ ». Tờ La Croix trích dẫn báo Tây Ban Nha cho rằng ông Hollande chỉ còn "một bước" là vào phủ tổng thống.

Nếu ê kip của thủ tướng Đức nhìn một cách lo ngại khả năng ông Hollande thắng cử, thì Libération trích dẫn báo Anh cho là ông Hollande không còn làm cho Trung tâm tài chính Luân Đôn – City - sợ hãi nữa. Quan hệ Pháp-Anh sẽ không thay đổi nếu ứng viên đảng Xã Hội được bầu.

Tờ báo cũng nhìn sang Hoa Kỳ. Báo giới tại đây có vẻ hơi khắt khe đối với ông Hollande, gọi ông là Mitt Romney của Pháp, không có sức thu hút, tương tự như đối thủ của ông Obama. Các nhà phân tích của Wikistrat, trang blog của nhà báo Fareed Zakaria, nhìn thấy "hai nhân vật chán phèo của sự thay đổi" sẽ đối đầu với "hai người mãn nhiệm đầy tài thuyết phục nhân tâm".

Tờ New York Times, một trong những tờ báo hiếm hoi đăng chân dung của ông Hollande, nhắc lại là ông Hollande cũng như Mitt Romney, không tạo ra hứng khởi nơi người khác.

Điều mà Libération còn nêu bật là Nhà Trắng cũng như bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra rất kín đáo, thận trọng, và có lẽ sẽ giữ thái độ này cho đến kết quả vòng hai. Theo Libération, trích dẫn các chuyên gia, chính quyền Mỹ thiên về người họ quen biết rồi, hơn là một nhân vật mới và lại là người đảng Xã Hội.

Vòng hai bầu cử tổng thống Pháp tùy thuộc vào cử tri của những người bị thua

Đối với Le Figaro thì sau vòng đầu bất ngờ "cánh hữu tin tưởng trở lại". Bất ngờ ở đây vừa là điểm cao của ứng viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia FN, bà Marine Le Pen, (17,90%), vừa là khoảng cách có thể xem là xít xao giữa hai ứng viên về đầu, ( 28,63, và 27,18), khiến ông Sarkozy rất hài lòng và "tin tưởng có thể chiến thắng", tựa trang trong. Dưới hàng tít lớn : «Chiến lược của họ cho vòng hai », La Croix nhắc lại là kết quả vòng hai sẽ tùy thuộc vào lá phiếu cử tri của các ứng viên về phiá sau, đóng vai trò "trọng tài", dẫn đầu là bà Marine Le Pen với điểm cao bất ngờ, ông Mélenchon, (11,11%) ông Bayrou. (9,13%).

Đối với La Croix, con đường của hai ứng viên lọt vào vòng hai sẽ rất gay go, người nào dám hô hào chiến thắng vào lúc này thì quả là tự phụ.

Nhìn chung, chiến lược hai ứng viên Hollande và Sarkozy, trước tiên là chiêu dụ số 6,4 triệu cử tri của bà Marine Le Pen. Le Monde cũng trên trang nhất nói đến « Cái bóng của Le Pen bao trùm lên vòng hai ».

Báo L’Humanité ghi nhận qua hàng tựa : "Sarkozy chọn cánh cửa phiá cực hữu", còn Libération trích thành tít trang nhất lời của ông Hollande : « Chính tôi phải thuyết phục cử tri của Mặt Trận Quốc Gia ». Việc dồn phiếu cho đảng cực hữu ở vòng một đươc ứng viên đảng Xã Hội xem như hành động thể hiện sự phẫn nộ. Theo Libération, trong số cử tri bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen cũng có người trước đây trong cánh tả.

Báo kinh tế Les Echos phân tích trong chiều hướng này, trong một tựa trang nhất : « Thất nghiệp, phi công nghiệp hóa : đất màu mỡ của Mặt trận Quốc Gia ». Tờ báo ghi nhận tỷ lệ bầu cho bà Marine Le Pen cao rõ rệt ở vùng Đông Bắc, nơi nhiều nhà máy đóng cửa, vùng chung quanh Điạ Trung Hải nơi mà thất nghiệp rất cao...  Les Echos nêu một hệ quả khác của kết quả bầu cử trong hàng tít lớn : « Tình hình chính trị bấp bênh tại châu Âu khiến thị trường (chứng khoán) châu Âu tuột dốc ». Hai nguyên nhân gây căng thẳng là bầu cử Pháp và khủng hoảng ở Hà Lan do chính sách thắc lưng buộc bụng.

Trung Quốc giành vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Đức từ tay Pháp

Chuyến công du Đức của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo rất được báo Les Echos chú ý. Tờ báo đưa tin với nhân định không mấy vui : Trung Quốc muốn qua mặt Pháp trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức.

Tờ báo mô tả một cách hóm hỉnh cảnh thủ tướng Đức, tối Chủ nhật vừa qua, mắt thì dán vào kết quả bầu cử ở Pháp, nhưng tai thì mở rộng nghe vị khách, thủ tướng Ôn Gia Bảo, đã cùng với bà Merkel khai mạc Hội chợ Công nghiệp Hanovre, mà Trung Quốc là khách mời.

Thủ tướng Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu đầy cao vọng : Tăng kim ngạch trao đổi hai bên lên 280 tỷ đô la trong 3 năm tới đây. Năm 2011, kim ngạch này chỉ là 190 tỷ đô la. Như thế, Trung Quốc sẽ là đối tác thương mại hàng đầu của Đức, bỏ xa Pháp, đang ở vị trí thứ nhất.

Đối với Đức, thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng, nhất là khi mà các nước châu Âu thu hút đến 40% xuất khẩu Đức, đang lâm vào khủng hoảng. Các tập đoàn của Đức, nhất là ngành xe hơi đang chen chân chiếm ưu thế sản xuất ở Trung Quốc.

Nhưng dĩ nhiên là có qua có lại : Trước sự phàn nàn của Đức về việc sản phẩm công nghệ cao cấp của họ bị sao chép, ông Ôn Gia Bảo hứa là Trung Quốc sẽ tôn trọng tốt hơn quy tắc quyền sở hữu trí tuệ, nhưng ngược lại thì ông muốn châu Âu tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc xuất khẩu công nghệ học mũi nhọn.

Châu Á thu hút giới sản xuất trực thăng châu Âu

Nhưng không phải chỉ có Đức và Trung Quốc, công nghiệp xe hơi, Les Echos hôm nay còn nhìn thấy châu Á đang là nam châm thu hút giới sản xuất máy bay châu Âu, đặc biệt là trực thăng.

Tập đoàn châu Âu Eurocopter đã thấy triển vọng rất sáng sủa, trước tiên là ở Nhật, hiện đã mua đến 320 chiếc. Theo tập đoàn này, Nhật là thị trường lớn nhất châu Á và đứng hàng thứ năm thế giới. Trực thăng được sử dụng trong nhiều điạ hạt do điạ hình của Nhật : Từ lính cứu hoả cho đến truyền thông báo chí, không kể đến các cá nhân.

Trong tình hình các nước châu Á đang nỗ lực hiện đại hóa quân lực của mình, thị trường quân sự rất béo bở. Eurocopter đang tìm cách thúc đẩy Nhật mở rộng thị trường quân sự của họ. Có điều, theo giám đốc thương mại của Eurocopter, Norbert Ducrot, không phải dễ do các hiệp định quân sự ký kết trong vùng. Mỹ hiển nhiên là có ưu tiên ở Nhật hay Thái Lan, và Nga có ưu thế ở Ấn Độ.

Theo ông Ducrot, Eurocopter sẽ bám trụ, vì châu Á sẽ là thị trường trực thăng hàng đầu thế giới từ 2015 đến 2020, những nước mua nhiều nhất là Ấn Độ, Malaysia hay Indonesia.

Hàn Quốc bối rối với sự cố tại nhà máy điện hạt nhân

Về châu Á, Le Figaro đã nhìn sang Hàn Quốc, đang rất bối rối với sự cố tại một nhà máy điện hạt nhân mà họ giấu nhẹm suốt một tháng, và giờ đây tổ chức bảo vệ môi sinh Greenpeace đến nơi, vận động phong trào chống hạt nhân.
Le Figaro nhìn lá cờ màu cầu vồng của tàu Esperanza, bay phất phới ở cảng Incheon, như một thách thức đối với Seoul. Tờ báo cũng xem việc chiếc tàu đến đây cho thấy là ngành hạt nhân Hàn Quốc đi chinh phục thế giới sẽ không còn yên ổn vô tư như trước đây.

Hàn Quốc đã trở thành đối tượng của tổ chức Greenpeace sau vụ tai nạn nhà máy điện Fukushima. Chính quyền Hàn Quốc cũng đã không cho thành viên Greenpeace vào Seoul "phá quấy" nhân hội nghị hạt nhân tổ chức cuối tháng 3. Tờ báo nhắc lại kế hoạch đầy cao vọng của chủ nhân Hyundai trước đây, xem hạt nhân là động lực tăng trưởng : Xuất khẩu 80 nhà máy điện hạt nhân từ đây đến năm 2030, chiếm 20% thị trường thế giới. Những mục tiêu được đề ra vào năm 2010, về mặt chính thức, vẫn đươc giữ nguyên bất kể sự cố ở Nhật, và cho dù ở hậu trường, các chuyên gia đều cho là khó thể thực hiện.

Có điều, người dân bắt đầu tỏ nghi ngờ về tính an toàn của số 21 trung tâm điện nguyên tử của họ, sự đồng thuận từ khi chương trình hạt nhân đươc tung ra vào năm 1970, đã bắt đầu rạn nứt.

Vào tháng 3, lò phản ứng lâu đời nhất Guri 1đã bị hư. Sự cố kỹ thuật này đã được giấu nhẹm trong suốt một tháng và mới đươc tiết lộ vừa qua. Hiện nay, 55% người Hàn Quốc phản đối việc chính quyền muốn tăng phần điện hạt nhân lên đến 60% từ đây đến năm 2030. Đảng đối lập còn chủ trương "thoát ra khỏi" hạt nhân vào 2040.

Le Figaro nhận thấy ngọn gió mất tin tưởng hiện nay không hay chút nào đối với mặt hàng xuất khẩu này của Hàn Quốc, đang có lợi thế với khả năng xây nhanh, có thể xây mỗi năm một nhà máy điện hạt nhân, giá lại rẻ cho nên đã qua mặt Pháp giành được hợp đồng ở Abu Dhabi năm 2009. Giờ đây theo Le Figaro, Seoul đã thấy rằng con đường đến vinh quang trong lãnh vực hạt nhân này nhiều chông gai hơn dự kiến, và Hàn Quốc đang xoay hy vọng sang vùng Trung Đông, Ấn Độ và Đông Nam Á.

  • Mai Vân, RFI