Phông chữ

Không chỉ là một đại thi hào, Johann Wolfgang von Goethe còn là một nhà tư tưởng, một chính khách, một nghệ sĩ, một nhà khoa học có vốn kiến thức uyên thâm về lịch sử, triết học, mỹ học, địa lý, văn học nghệ thuật. Ông là niềm tự hào của dân tộc Đức, được Karl Marx gọi là "người Đức vĩ đại nhất". Nhân kỷ niệm 180 năm ngày mất của Goethe (22/3/1832 - 22/3/2012) xin được ôn lại cùng bạn đọc một số mẩu chuyện xung quanh cuộc đời ly kỳ như thể huyền thoại của ông...

Hai trăm năm vẫn giữ ngôi "đầu bảng"

Như trên đã nói, sinh thời, Karl Marx, lãnh tụ của giai cấp vô sản đã phải suy tôn Goethe là "Người Đức vĩ đại nhất". Đến nay, đánh giá của Marx vẫn luôn được số đông người Đức tán đồng. Theo một cuộc thăm dò ý kiến được Hãng nghiên cứu dư luận Forsa thực hiện cách đây chưa lâu, có tới 16% trong tổng số 2.000 người được hỏi đã công nhận Goethe là nhân vật vĩ đại nhất mà dân tộc Đức từng sinh ra.

Để thấy được sự khe khắt của công chúng Đức trong cuộc bình xét này, cần biết rằng, người về vị trí thứ hai sau Goethe là Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức Konrad Adenauer (1876-1967), và người về vị trí thứ ba là nhà bác học - cha đẻ của thuyết Tương đối Albert Einstein (1879 - 1955).

Là người để lại một di sản đồ sộ, thể hiện tài năng trên nhiều lĩnh vực, Goethe thực sự là một tấm gương lao động. Ông nổi tiếng từ khi còn rất ít tuổi, khởi đầu với việc cho xuất bản cuốn tiểu thuyết "Nỗi đau khổ của chàng Werther" năm 25 tuổi. Và đến khi ở tuổi ngoài 80, sức sáng tạo của ông vẫn sung mãn. Những dòng cuối cùng của cuốn truyện thơ "Faust" (được xem là đỉnh cao thi ca Đức thế kỷ XIX) đã được nhà đại thi hào hoàn tất trong những ngày tháng cuối cùng của đời mình, khi ông đã ở tuổi 83. 

Sinh thời, Goethe từng phát biểu đại ý rằng, muốn có một tác phẩm lớn, mang tầm vóc thời đại cần phải hội tụ ba điều kiện: Một là dân tộc sinh ra tác giả ấy có điều gì đáng nói với nhân loại không. Hai là phải có thiên tài đủ để thể hiện điều ấy. Và ba là thiên tài ấy phải sáng tạo trong thời kỳ sung sức nhất của đời mình. Cả ba điều kiện trên, Goethe đều hội đủ. Tuy nhiên, cần nói thêm, thời gian sung sức của Goethe đã kéo dài hơn so với nhiều tác giả khác, thậm chí nó kéo dài tới… mấy chục năm.

Sức "công phá" của cuốn tiểu thuyết đầu tay

Năm 1770, chàng sinh viên Goethe vừa tốt nghiệp Trường luật Leipzig đã đem lòng yêu say đắm tiểu thư Charlotte Buff. Điều oái oăm là trước đó, Charlotte đã đính hôn với Kestner - người bạn thân thiết của chính Goethe. Là người lịch thiệp, rất trọng tình bạn, Goethe đã cắn răng rút lui khỏi cuộc tình này, để rồi sau đó ít năm, trong nỗi đau khổ, day dứt khôn nguôi, ông đã cầm bút viết nên kiệt tác "Nỗi đau khổ của chàng Werther" (1774), một cuốn tiểu thuyết bằng thơ gây chấn động dư luận.

Sau khi được phát hành, chỉ trong một thời gian ngắn, cuốn sách đã tạo nên một cú sốc mạnh với công chúng và khơi nguồn cho "cơn sốt Werther" lan tràn khắp châu Âu. Tác phẩm nhanh chóng được dịch sang nhiều thứ tiếng, được phổ biến rộng rãi ngoài biên giới nước Đức. Ở trong nước, Werther được giới trẻ đón nhận cuồng nhiệt, trong khi nhà thờ và giới chức trách nhìn nhận nó như một "phần tử nguy hại". Thậm chí, có viên cha cố còn kết tội cuốn sách "bênh vực cho sự tự sát, kêu gọi phá vỡ hôn nhân" và "xúi giục giết vua"! Năm 1775, "Nỗi đau khổ của chàng Werther" bị cấm phát hành ở nhiều thành phố của Đức và tiếp đó, ở Thủ đô của Áo và Đan Mạch.

Trong khi cảnh sát ra sức áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với cuốn sách thì khắp nơi các bạn trẻ săn lùng, tìm đọc "Werther". Họ như tìm thấy trong đó hình ảnh, nỗi đau của chính mình. Cô gái nào cũng muốn mình là Charlotte, chàng trai nào cũng ngỡ mình trong vai Werther. Các mốt thời trang bắt chước cách ăn vận của các nhân vật trong tiểu thuyết của Goethe lan rộng khắp châu lục. Con trai mặc áo khoác ngoài màu xanh da trời, áo gilê màu vàng và quần bó ống, con gái cài nơ trước ngực giống chiếc nơ Charlotte đã tặng mừng sinh nhật Werther. Không chỉ dừng ở đó, cuốn sách còn tác động mạnh đến giới sản xuất kinh doanh: Khắp nơi người ta phe phẩy những chiếc quạt có hình Werther, uống trà bằng những chiếc tách có hình Werther.

Tác phẩm không những đã gây ra cơn sốt Werther kéo dài nhiều năm trên châu lục, nó còn là xung lực khơi nguồn cho cả một phong trào sáng tác theo "tinh thần Werther" ở khắp trong và ngoài nước. Werther không những đã trở thành hình mẫu của nhiều tác phẩm văn học mà còn là môtip của rất nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc ở thế kỷ XVIII.

Tình không kể tuổi

Giới văn học sử đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để viết về các cuộc tình liên quan đến bậc kỳ tài này. Với Goethe, dường như "năng lực yêu" luôn đồng nghĩa với năng lực sáng tạo. Với ông, yêu có nghĩa là sống, yêu có nghĩa là viết. Bởi vậy, dấu ấn các cuộc tình đó luôn hằn vết trong sáng tác của ông. Nói một cách khác, qua các sáng tác của Goethe, chúng ta có thể lần ra manh mối một số cuộc tình của ông…

Trong 3 năm, từ 1765 đến 1768, Goethe học luật ở Đại học Leipzig. Thực tâm ông không thích môn luật mà chỉ thích thơ ca. Thời gian này, Goethe đem lòng yêu Kathchen Schonkof. Ông đã tặng cô gái này nhiều bài thơ. Năm 1767, ở tuổi 18, Goethe cho xuất bản tập thơ đầu tiên "Das Buch Annette". Năm 1768, Goethe trở về Frankfurt. Tại đây, ông phải nằm điều trị một thời gian dài tại bệnh viện.

Năm 1806, trong lần dạo chơi tại một công viên ở Weimar, Goethe đã bất ngờ gặp người đẹp gặp Christiane Vulpius. Đây là một cô gái dịu dàng, đoan chính, một người hết sức tinh tế trong xử sự. Nàng chủ động bước về phía Goethe, nhờ ông - bấy giờ đã là một thi sĩ danh tiếng, đọc hộ bản thảo thơ cho anh trai mình. Thơ của anh trai Christiane Vulpius tuy không hay, nhưng vẻ đẹp của cô em gái đã làm xiêu lòng nhà thi sĩ. Có thể nói, Vulpus là một món quà vô cùng quý giá mà thượng đế ban tặng cho nhà thi sĩ đa tình. Chính cuộc hôn nhân của Goethe với Christiane Vulpius là nguồn cảm hứng giúp ông viết nên "Những khúc bi ca La Mã" với nhiều bài thơ tình nổi tiếng. Vulpius hết mực gắn bó, chăm nom cho sự nghiệp của chồng. Bà mất  trước khi Goethe tạ thế 8 năm.

Một người phụ nữ khác cũng thường được nhắc tới trong đời Goethe, nhưng là vào khi ông đã ở tuổi thất thập, đó là nữ bá tước Ulrike Levetzov, người sinh sau Goethe tới… nửa thế kỷ. Ulrike là một trong số những phụ nữ rất hâm mộ văn tài của Goethe. Trong thời gian Goethe dưỡng bệnh ở một khu ngoại ô gần nhà Ulrike, Ulrike thường xuyên qua thăm nom và dẫn nhà thi sĩ đi dạo trên những con đường có nhiều bóng rợp. Cô gái trẻ như bị hút hồn trước những vần thơ nồng nàn, da diết mà lão thi sĩ đọc cho nghe, trong đó có những bài như thể viết… tặng cô. "Tình trong như đã…". Trong lòng Goethe đã dậy lên một cảm xúc khó tả. Dường như đó không phải là tình cảm giữa một nhà thơ và độc giả mà là một thứ tình gì đó rất khó nói… Thế rồi, điều gì phải đến đã đến, ở tuổi 72, Goethe bất ngờ đi tới một quyết định: kết hôn với Ulrike. Ý muốn của ông sục sôi tới độ, đích thân đại công tước xứ Weimar phải đứng ra cầu hôn cho ông và dàn xếp mọi chuyện. Việc không thành. Chuyện loang xa khắp kinh thành Weimar, nơi Goethe giữ một vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền. Mặc lời ra tiếng vào từ cuộc tình không "cân đối" này, Goethe đã để lại cho nước Đức những áng thơ tuyệt tác…

Nước Đức và những cách tưởng nhớ Goethe

Nước Đức vốn có truyền thống bảo tồn. Với một con người được xem là "khổng lồ của thiên niên kỷ" như Goethe thì ngay từ khi ông còn sống, mọi thứ liên quan đến ông đều được nâng niu trân trọng. Tất cả các ý kiến miệng, dù lớn dù nhỏ của ông liên quan đến văn học nghệ thuật đều được ghi lại và sau đó được xuất bản thành sách. Các thư từ, lưu bút được bảo quản chặt chẽ. Nhiều câu nói của ông được xem là chân lý và được truyền tụng.

Sinh ra ở Frankfurt và mặc dù chỉ sống ở thành phố này tới năm 16 tuổi, song đến nay, những vật dụng gắn liền với những kỷ niệm liên quan tới Goethe đều được chính quyền địa phương lưu giữ cẩn thận. Ngôi nhà thuở thiếu thời của Goethe còn đấy. Khách đến tham quan còn được thấy cái bàn cao mà một thời Goethe phải... đứng kiễng chân để viết. Bộ đồ bếp bằng đồng mà mẹ ông từng dùng vẫn được bảo tồn một cách trân trọng. Cạnh ngôi nhà là bảo tàng và thư viện mang tên Goethe.

Tương tự vậy, ở thành phố Leipzig, nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với Goethe, khi đi vào khu vực các tòa nhà cổ, du khách sẽ được thấy hai bức tượng mô tả cảnh sinh hoạt của đôi nhân vật trong truyện thơ "Faust". Nhà hàng được Goethe đưa vào cuốn truyện thơ nói trên hiện cũng có một phòng được đặt tên là phòng Goethe.

Chưa hết, trong năm 2010, một bộ phim màu dài 102 phút với tên gọi "Goethe" do đạo diễn Philipp Stoelzl thực hiện đã được trình chiếu.

Trong phim, đạo diễn đã tái hiện bối cảnh thành phố Wetzlar buồn tẻ, nơi Goethe đến tập sự sau khi tốt nghiệp luật. Bộ phim cho thấy một Goethe hồi trẻ. Đó là giai đoạn xảy ra cuộc tình lãng mạn mà ông đã thể hiện trong cuốn tiểu thuyết trứ danh "Nỗi đau khổ của chàng Werther" (trong phim, diễn viên Alexander Fehling vào vai Goethe và Miriam Stein vào vai Charlotte Buff)

  • Phan Thành Thắng, CAND