Phông chữ

Hai năm trước, Hiệp ước Lisbon được kỳ vọng để tạo ra một Liên minh châu Âu mạnh mẽ hơn, hướng tới tiến trình “nhất thế hóa”. Nhưng nay, EU chìm trong cơn ác mộng nợ nần chồng chất chưa biết bao giờ chấm dứt.

Viễn cảnh trước mắt của EU khá tăm tối bởi thay vì hợp tác chặt chẽ để khai thác thế mạnh của một thị trường chung nhiều tiềm năng và vô cùng rộng lớn, các quốc gia EU lại đang cho thấy là các mối liên kết kinh tế còn khá lỏng lẻo, ai mạnh người ấy được lợi nhiều hơn.

Một lý do khác là, chính sách đối ngoại của EU chưa thỏa đáng và thiếu hợp lý cũng như đến nay EU vẫn chưa có cơ chế hợp nhất quân đội. Các nhà hoạch định chính sách tối cao của Hội đồng châu Âu đều nhất trí để xây dựng một EU thống nhất về chính trị, tuy nhiên họ lại không thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.

Khu vực đồng euro đứng bên bờ vực tan rã?

Thách thức trước mắt của EU là phải giữ được tính thống nhất mà họ chật vật lắm mới đạt được nhờ Hiệp ước Lisbon. Điều đó đòi hỏi EU phải giang tay cứu Hy Lạp thoát khỏi bờ vực phá sản.

Trước đó, Hy Lạp là quốc gia châu Âu đầu tiên thuộc khu vực đồng euro rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ công. Không dừng lại ở đó, hệ quả tai hại hơn mà Hy Lạp phải đối mặt thời gian qua là những dòng người biểu tình như thác lũ trên khắp đường phố Athens, gây ra tình trạng bất ổn chính trị trong nước. 

Khủng hoảng nợ công trầm trọng khiến người Hy Lạp phẫn nộ. Ảnh minh họa:New York Times.

Trong khi đó, hàng loạt lời đồn đại rằng EU sẽ bỏ mặc quốc gia Địa Trung Hải khi buộc phải loại Athens khỏi khu vực đồng euro bởi không còn khả năng cứu họ khiến tình hình càng trở nên trầm trọng.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là ngày 21/2, sau 13 tiếng thảo luận, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Olli Rehn thông báo các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro đồng ý giải ngân cho Hy Lạp gói giải cứu thứ 2 trị giá tới 130 tỷ euro (>> chi tiết).

Đổi lại, các ngân hàng sở hữu trái phiếu chính phủ Hy Lạp phải giảm tối thiểu 53,5% mệnh giá trái phiếu; Hy Lạp phải cam kết giảm nợ công xuống dưới 120,5% GDP vào năm 2020 (hiện ở mức hơn 160% GDP), đồng thời cho phép các quan sát viên của EU tạm thời giám sát quá trình khôi phục kinh tế tại nước này.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Athens có thể nhờ khoản viện trợ trên mà đứng lên, thoát khỏi nguy cơ tan rã khi trước đó, nước này từng nhận được gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro đầu tháng 5/2010 song khoản tiền này không giúp họ thoát khỏi khủng hoảng. 

Ngoài ra, một vài cam kết cứu trợ khác được châu Âu và các định chế tài chính khác đưa ra nhưng gần như không thể thực hiện được khi Hy Lạp không đáp ứng được các điều kiện cũng như lộ trình giảm nợ.

Một viễn cảnh tồi tệ hơn là, các nỗ lực để kìm chế khủng hoảng châu Âu cho đến nay có vẻ đều thất bại. Ngày 10/2 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody hạ mức xếp hạng 6 nước thuộc khu vực đồng euro, trong đó có Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. 

Đáng chú ý hơn là Moody  trở thành tổ chức đầu tiên cảnh báo xếp hạng tín dụng của Anh có thể chịu nhiều rủi ro bởi nước này chưa áp dụng được các biện pháp hiệu quả để giảm nợ đồng thời điều chỉnh triển vọng tín dụng của Pháp và Anh xuống mức tiêu cực do khủng hoảng châu Âu.

Nhà quan sát Peter R. Fisher làm việc cho Công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới BlackRock cảnh báo viễn cảnh trên có khả năng khiến các nhà đầu tư toàn cầu nghĩ đến chuyện rút vốn khỏi thị trường chứng khoán châu Âu, đẩy các quốc gia khu vực euro rơi vào “vòng xoáy thảm khốc”.

Điều này sẽ khiến các cam kết viện trợ tài chính khó khăn lắm mới được EU thông qua cho các quốc gia đứng bên bờ vực phá sản bị đình trệ. Một khả năng khác, nếu EU cố đảm bảo thực thi các gói viện trợ cam kết trước đó, các quốc gia giường cột trong khu vực euro vốn cũng đang lao đao trong nợ nần như Pháp, Đức sẽ phải chịu khó oằn lưng gánh thêm một gánh nặng tài chính nặng nề hơn.

Trong khi đó, việc trông chờ vào một sự cứu trợ từ bên ngoài là điều xa vời đối với EU trong khi cứu tinh được kỳ vọng nhất của họ là Mỹ cũng đang thắt lưng buộc bụng hết cỡ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng của riêng họ. Thêm vào đó, đảng Cộng hòa Mỹ thậm chí còn đang treo khoản đóng góp của nước này vào Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vì lo sợ số tiền này sẽ được sử dụng để cứu giúp cho “một châu Âu hoang phí”.

Không thể trông cậy vào Mỹ, châu Âu hướng tới các nhà đầu tư tư nhân và các quyền lực kinh tế đang tăng trưởng như Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn viễn cảnh ảm đảm của châu Âu, dường như không nhà đầu tư nào dại dội vung tiền mua lại các khoản nợ xấu của họ.
 
Trong khi đó, IMF đóng vai trò nhỏ hơn mong đợi.

Cơn ác mộng của các Eurocrat

Một số Eurocrat lo ngại khu vực đồng euro bị co lại, thậm chí sụp đổ và ý tưởng về một “châu Âu nhất thể hóa” sẽ vì thế không bao giờ trở thành hiện thực. Mối quan ngại của họ hoàn toàn có cơ sở.

Sự hợp tác của châu Âu xuất phát từ việc thiết lập một thị trường chung nhưng con đường dẫn đến sự thống nhất về mặt chính trị lại quá xa xôi. Các nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Âu đi một nước cờ sai lầm khi rõ ràng nhận ra khó khăn và thách thức đến từ một chính sách tiền tệ chung mà thiếu một chính sách ngân sách chung nhưng lại ngờ nghệch tin rằng thiết chế chính trị sẽ theo kịp chính sách kinh tế. 

Khu vực đồng euro được thành lập và nuôi dưỡng trong niềm tin này với 17 thành viên ban đầu, nay, mở rộng ra với 27 thành viên nhưng lại đang điêu đứng. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngậm ngùi: “Châu Âu phải nỗ lực khắc phục các lỗ hổng trong cơ cấu của chính sách tiền tệ và kinh tế chung ở ngay buổi đầu thành lập”.

EU bắt đầu tìm đường cải cách.  Hiệp ước Lisbon - hay còn gọi là  Hiệp ước cải cách – sau nhiều sóng gió cuối cùng cũng được 27 thành vên EU thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2009 với kỳ vọng sẽ mang lại một châu Âu thịnh vượng và mạnh mẽ hơn.

Tiền thân của Hiệp ước Lisbon là bản dự thảo Hiến pháp chung EU ra đời năm 2005, nhưng đã bị "chết yểu" khi cử tri Pháp và Hà Lan nói "không" với văn bản pháp lý này trong các cuộc trưng cầu ý dân vào năm ấy.

Hiệp ước mới này của EU sẽ cho phép mở rộng quyền hạn của Brussel và giảm sự độc lập của mỗi quốc gia thành viên. Tuy nhiên, lúc này, EU lại mắc sai lầm khác khi bầu hai chính trị gia được đánh giá là khá “xoàng” cho ha vị trí mới cao nhất của họ là Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Cao ủy ngoại giao châu Âu. Khi khủng hoảng khu vực đồng euro bùng nổ, điệp khúc của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy vẫn luôn là: “Chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa”.

Tuy nhiên, “làm nhiều hơn nữa” có nghĩa là vay mượn. Liên hiệp châu Âu mở rộng “trên thực tế là một Liên hiệp nợ nần”. Tuy nhiên, một còn sai lầm còn ngớ ngẩn hơn nữa, được rút ra từ phát biểu một thành viên của Nghị viện châu Âu rằng: “Người đứng đầu EU không bị lật đổ dù ông xử lý các khoản nợ nần của EU thành khủng hoảng nợ nần chồng chất hơn”.

Trục Berlin – Paris cũng không thể cứu được EU?

Một điểm quan trọng hơn trong tuyên bố “làm nhiều hơn nữa” của ông Rompuy có nghĩa là Đức phải "làm nhiều hơn nữa”.

Là nền kinh tế lớn nhất và hiệu quả nhất của châu lục, Berlin có khả năng “cưu mang” con nợ châu Âu nhất. Và cả EU kỳ vọng Đức sẽ làm như vậy.

Thủ tướng Đức Merkel tỏ ra hào phóng khi chấp thuận tất cả các gói cứu trợ cho EU. Tuy nhiên, bà mạnh mẽ và kiên quyết chống lại đề nghị phát hành trái phiếu chung châu Âu bởi lo ngại nó sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế Đức. Đồng thời bà cũng phản đối việc cho phép Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hành động như là người cho vay cuối cùng đối với cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone.

EU bắt đầu chia rẽ. Đức bị chỉ trích là “ích kỷ” và gây “mất đoàn kết” hay Đức đã “đánh mất tầm nhìn sâu rộng hơn về sự thịnh vượng chung của châu Âu” bởi đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Tuy nhiên, Đức vẫn sẵn sàng “ném tiền” để cứu khu vực đồng euro nhưng họ muốn kiểm soát chặt chẽ hơn ngân sách của các quốc gia thành viên EU mà họ “bảo trợ”. Hiệp ước Lisbon cho phép Brussels có quyền hạn chế tác động và ảnh hưởng đối với các quyết định tài khóa của các thành viên, song đáng tiếc, nó không có quyền hạn để kiểm soát các quyết định về ngân sách của họ.

Do đó, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang thúc đẩy cho một sự thay đổi: "Chúng ta có đồng tiền chung nhưng lại thiếu một thiết chế kinh tế và chính trị chung. Và đây chính xác là những gì chúng ta cần thay đổi. Đạt được điều này đồng nghĩa với việc mang lại một cơ hội để thoát khỏi cuộc khủng hoảng", bà Merkel nhấn mạnh.

Thủ tướng Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang kêu gọi cho một sự thay đổi trong khu vực đồng euro. Ảnh minh họa: FP.

Tuy nhiên, bà Merkel và ông Sarkozy lại bất đồng về các biện pháp cải cách khi Thủ tướng Đức ủng hộ một hiệp ước toàn EU còn Tổng thống Pháp lại có ý tưởng thực thi quyền lực trung tâm trong khu vực đồng euro. Cuối cùng, Tổng thống Pháp đành nhượng bộ. Song các điều khoản cụ thể để cải cách EU vẫn còn đang được thảo luận.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ ý tưởng thu nhỏ khu vực đồng euro. Cựu Cao ủy EU người Hà Lan Frits Bolkestein nhấn mạnh việc thu hẹp quy mô là “không thể tránh được”. Ông Bolkestein cũng ủng hộ loại Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro khi cho rằng đều này sẽ giúp Hy Lạp tăng khả năng cạnh tranh bởi “nỗi đau” bị “ruồng bỏ”. 

Tuy nhiên, việc loại bỏ bất cứ  thành viên yếu ớt nào đó khỏi khu vực euro cũng sẽ có nguy cơ tạo ra sự hỗn loạn và khiến EU dễ bị tổn thương hơn. Nỗi sợ hãi lớn nhất chính là sự sụp đổ của EU.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: “Nếu khu vực euro tan rã, đây không chỉ là sự thất bại của đồng tiền chung mà là sự sụp đổ của EU và ý tưởng nhất thể hóa châu Âu”.
 
Tuy nhiên, hiện nay khát vọng nhất thể hóa châu Âu dường như đang ngày càng trở nên xa vời. Theo các cuộc thăm dò ý kiến mới đây, quá nửa các thành viên EU tuyên bố họ sẽ phản đối Hiệp ước Lisbon nếu được bỏ phiếu lại một lần nữa.

Trong khi đó, Charles Kupchan thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nhấn mạnh: “Thay vì mang lại sự thịnh vượng chung, EU hiện nay đang quằn quại trong sự túng quẫn”. 

Đồng sự của ông Kupchan, ông Mark Leonard lập luận dù các nhà lãnh đạo châu Âu đang lợi dụng cuộc khủng hoảng để thiết lập thêm các thiết chế mới cho EU song “chúng chỉ càng khiến EU bị chia ra thành từng phần trên phương diện kinh tế, văn hóa và chính trị”. Trong khi đó, cũng theo ông Leonard, người dân châu Âu không phải ai cũng tán thưởng ý tưởng nhất thể hóa châu Âu của các nhà lãnh đạo của họ.

Châu Âu sẽ tồn tại bất kể sự sống còn của khu vực đồng euro. Tuy nhiên, mục tiêu trở thành một cực bên cạnh Mỹ và Trung Quốc để thống trị toàn cầu của châu Âu sẽ tiêu tan.

  • Theo Bạch Dương (theo National Interest), DatViet