Phông chữ

Hiểm hoạ tân phát xít - Bài 1: Nỗi hổ thẹn của nước Đức

Hàng loạt vụ đánh bom, giết người xảy ra trên nước Đức mang màu sắc của bọn tân Quốc xã. Nhưng có vẻ như chính quyền nước này vẫn đang bó tay trước hiểm hoạ này.

LTS: Loài người từng chứng kiến và hứng chịu thảm kịch hãi hùng của thứ chủ nghĩa quái thai phát xít. Những tưởng sau năm 1945, những thứ quái thai ấy đã bị lụi tàn trên Trái đất này. Thế nhưng gần đây, những mầm mống ấy lại ngoi ngóp cựa mình khiến không chỉ nước Đức phải giật mình lo ngại.

Ngày 13-11, tên tội phạm thứ tư gây ra vụ nổ bom ngày 4-11-2011 ở Zwickau, TP miền đông nước Đức, đã ra đầu thú. Những hành động khủng bố của những kẻ bị xem là phát xít mới này bị lên án kịch liệt và khiến chính trường của Đức căng thẳng.

Nhắm vào người nhập cư

Ngày 4-11, một vụ nổ xảy ra và lửa bùng lên phá huỷ căn hộ ở TP Zwickau từ bên trong, người ta xác định bọn tội phạm ra sức thủ tiêu dấu vết. Giờ nơi đó chỉ là một hiện trường đổ nát. Một số tờ báo dẫn lời các quan chức chính phủ Đức cho hay: Bọn khủng bố này cũng chính là tác giả gây ra nhiều vụ sát hại các chủ cửa hiệu là người nhập cư và một nhân viên cảnh sát. Nhóm này cũng bị nghi ngờ liên đới đến hơn một chục vụ cướp ngân hàng và một vụ đánh bom ở Köln (Đức).

Nhiều chứng cứ về nhóm tội phạm phát xít mới này được tìm thấy trong đống đổ nát, nơi một số nghi phạm đang cư ngụ. Cảnh sát đã phát hiện được vũ khí giết người của bọn tội phạm cùng với một đoạn video tuyên truyền khủng khiếp dài 15 phút. Tạp chí Der Spiegel công bố các bức ảnh lấy từ video, trong đó có ảnh những thi thể đẫm máu của các nạn nhân trong vụ giết hại những người bán bánh mì thịt nướng Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiểm hoạ tân phát xít - Bài 1: Nỗi hổ thẹn của nước Đức

Cảnh sát kiểm tra hiện trường vụ nổ hôm 4-11 ở Zwickau, Đức. Ảnh: GETTY IMAGES

Hai nghi phạm chính Uwe Mundlos và Uwe Böhnhardt - đã tự sát vào ngày mà chúng cướp ngân hàng, trong một chiếc xe ô tô cỡ lớn ở Eisenach, cách Zwickau 100 dặm về phía tây. Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy mấy khẩu súng ngắn của hai nhân viên cảnh sát bị bắn tại Heilbronn vào năm 2007 (một người chết, một người bị trọng thương).

Nhà chức trách cho rằng nhóm tội phạm này còn gây ra những việc khác nữa. Chúng bị nghi ngờ gây ra ít nhất 14 vụ cướp ngân hàng. Nhóm này cũng bị nghi là thủ phạm của vụ nổ bom trong khu của người nhập cư ở Köln năm 2004, làm bị thương 22 người. Trong cuốn video tuyên truyền, người ta tìm thấy hình ảnh một quả bom giống như quả bom được sử dụng ở Köln. Các nhà điều tra cho biết có thể nhiều vụ khác như vụ đánh bom ở Saarbrücken hồi tháng 3-1999 tại một cuộc triển lãm về quân đội Đức trong Thế chiến II và một vụ nữa tại một nghĩa trang Do Thái ở Berlin vào tháng 3-2002 cũng do bọn này thực hiện.

Trong số chín người đàn ông bị sát hại từ năm 2000 đến 2006, có hai người bán bánh mì thịt nướng, những người còn lại bán hoa, rau quả hoặc báo, một người tậu một tiệm cà phê Internet và một người làm nghề sửa khoá. Các vụ giết người xảy ra khắp nước Đức. Cuốn băng video tuyên truyền cho thấy quan điểm bệnh hoạn của bọn này khi chúng coi giết người là chuyện bình thường. Trong một bức ảnh do tờ Der Spiegel công bố, nhân vật hoạt hình Pink Panther đứng bên cạnh một poster có dòng chữ “Đến nước Đức, tên Thổ thứ 9 bị bắn chết” với hình ảnh một trong những nạn nhân rất rõ ràng.

Quả thật những người nhập cư không thể biết cái chết sẽ “điểm danh” họ lúc nào từ bọn cực hữu quá khích.

Chính trường căng như dây đàn

Vụ việc trên đã làm xã hội Đức - vốn hàng bao thập niên qua không ngừng ra sức làm mọi việc để bỏ lại sau lưng mình cái kỷ nguyên Đức Quốc xã - phải rùng mình. Người ta quy trách nhiệm vụ này cho bọn phát xít mới, được so sánh như những kẻ khủng bố cánh tả của Tổ chức Quân đội đỏ (được biết đến với cái tên nhóm Baader Meinhof).

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin hôm 13-11, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich nói các vụ giết người trên là những dấu hiệu của “một dạng chủ nghĩa khủng bố cánh hữu cực đoan”. Cùng ngày, trả lời báo chí, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng những tội phạm kiểu này phát lộ “những cấu trúc mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng nổi”.

Hiểm hoạ tân phát xít - Bài 1: Nỗi hổ thẹn của nước Đức

Camera ghi lại cảnh một vụ cướp ngân hàng ở Arnstadt (bang Thüringen, Đức) ngày 7-9 bị nghi do tổ chức ngầm xã hội quốc gia cực hữu gây ra. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, chính quyền đang cố gắng xác định các thành viên của nhóm này có quan hệ gì với những tên tội phạm khác chưa bị phát hiện không. Nhiều chính trị gia muốn biết làm thế nào nhóm tội phạm này có thể hoạt động trong một thời gian dài mà không bị phát hiện.

“Đây là một thất bại nặng nề” - ông Hajo Funke, chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan hữu khuynh Trường ĐH Free ở Berlin, nói. Theo ông này, nước Đức còn thiếu người truy lùng các nhóm xã hội chủ nghĩa quốc gia đang tập hợp nhau lại bằng một cách thức nào đó. Chủ nghĩa cực đoan của những người cánh hữu đầy bạo lực được phục hồi ở châu Âu sau vụ giết người hàng loạt ở Na Uy hồi tháng 7-2011 (tên này có quan hệ với các nhóm cực đoan). Chính phủ Đức đã nỗ lực trong việc ngăn chặn sự hồi dậy của chủ nghĩa cực đoan kiểu này. “Nhưng hiện các nhóm chính trị cực hữu như đảng Dân chủ quốc gia tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn, đặc biệt là ở các bang thuộc Đông Đức cũ” - ông Hajo Funke cho hay.

Ông Joachim Herrmann, Cục trưởng Nội vụ bang Bayern, kêu gọi nước Đức nên cấm hoạt động đối với đảng Dân chủ quốc gia (NPD). Năm 2003, nước Đức đã thất bại trong việc cấm cửa NPD sau khi biết được một số lãnh đạo cấp cao của NPD là những người cung cấp thông tin cho cơ quan tình báo Đức.

Những gì diễn ra khiến các chính trị gia và chuyên gia về an ninh đặt vấn đề về hiệu quả hoạt động của cơ quan tình báo nước này. “Thật đáng lo ngại trước việc không ai chỉ ra mối liên đới giữa những vụ giết người hàng loạt xảy ra khắp nước Đức với những kẻ cực đoạn cánh hữu ở Thüringen” (bang miền đông nơi nhóm khủng bố đặt “đại bản doanh”) - Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói tại cuộc họp của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (đảng của bà) ở Leipzig: “Sự khủng bố của những người cánh hữu là một nỗi hổ thẹn của nước Đức. Chúng ta phải làm tất cả trong khả năng của mình để triệt bỏ nó”.

Mầm mống mới của Hitler

Tân Quốc xã là một phong trào xã hội-chính trị ra đời sau Thế chiến II trên cơ sở học thuyết của đảng Quốc xã ở Đức trước chiến tranh, chủ yếu là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự bài ngoại, kỳ thị người đồng tính, chống Do Thái và sùng bái Adolf Hitler. Tân Quốc xã không chỉ có ở Đức mà có xu hướng trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Đảng Dân chủ quốc gia (NPD) mang tính tân Quốc xã được phép thành lập ở Tây Đức vào năm 1964 và thu được một số lợi ích chính trị trong thập niên đó dù nó chưa bao giờ “đặt được chân” vào chính phủ. Đảng này tìm thấy sự hậu thuẫn ở Đông Đức sau sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989 và kể từ đó đã giành được ghế trong hội đồng bang.

Năm 2001, chính phủ Đức nỗ lực cấm cửa NPD nhưng năm 2003 toà án hiến pháp đã bác bỏ việc làm này. NPD hợp nhất với một đảng cực hữu khác là Liên minh dân tộc Đức (DVU) vào năm ngoái. Người ta ước tính có 6.600 thành viên và 25.000 người ủng hộ, nhiều người trong số họ thuộc các nhóm phát xít mới.

  • ĐẶNG NGỌC HÙNG dịch, Phapluat