Phông chữ

Cùng với việc đưa Việt Nam đến nước Đức, Trần Đương cũng là một nhà báo Việt Nam đưa nền văn hóa Đức về Việt Nam qua việc dịch thành công nhiều tác phẩm của các danh nhân Đức để giới thiệu với các độc giả nước ta. Đó là tập thơ "Tình yêu và bão táp" của Karl Marx, tập thơ trữ tình của Goethe, Schiller, Brecht và nhiều tác giả khác.

Cách nay vừa đúng 35 năm, tôi đã biết đến Trần Đương qua tập thơ "Việt Nam - Tổ quốc tôi" của nhà thơ Tố Hữu mà anh là người dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức. Hồi ấy, đất nước vừa trải qua 30 năm chiến tranh gian khổ, việc giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt - Đức còn rất hạn chế. Do vậy việc xuất hiện một tập thơ như thế thực sự là một hiện tượng và là cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông - Tây; giúp các độc giả Đức hiểu về đất nước và con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập - tự do cho Tổ quốc.

Sau này gặp lại Trần Đương, cùng anh song hành trong những chuyến đi tác nghiệp, tôi mới biết, với anh, nước Đức từ rất lâu rồi đã thực sự là quê hương thứ hai của đời mình. Điều đó xem ra chẳng có gì là lạ, bởi ngay từ lúc 12 tuổi (1955), Trần Đương cùng 148 thiếu nhi nước ta, vốn là con em các cán bộ Nhà nước và sỹ quan Quân đội đã được Nhà nước ta gửi sang Cộng hòa Dân chủ Đức học tập với mục đích tạo nguồn nhân lực lâu dài cho đất nước.

Vinh dự cho Trần Đương và các bạn trẻ ngày ấy là trước ngày lên tàu để sang Đức học, họ đã được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ và được nghe Bác dặn dò, lại được nghe Bác nói về tính cách, con người Đức, đất nước và nền văn hóa Đức. Mang theo lời dạy bảo của Bác, Trần Đương đến nước Đức với ý chí và niềm tin của một chàng trai đất Việt vào tương lai tươi sáng của đất nước mình.

Yêu văn học từ thuở nhỏ nhưng khi đặt chân đến đất Đức, theo phân công, Trần Đương vừa học tiếng Đức, vừa theo học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Đức lại vừa học các môn văn, sử, địa bằng tiếng Việt. Dẫu vậy, anh vẫn coi đây là thời cơ để nghiên cứu và khám phá những thành quả trong kho tàng của nền văn hóa và văn học Đức - quê hương của biết bao danh nhân nổi tiếng thế giới.

Sau 7 năm sống trên đất Đức, năm 1962 trở về Việt Nam, Trần Đương về nhận công tác tại Viện Hóa học. Ngỡ tưởng cuộc đời anh sẽ gắn bó với một ngành khoa học tự nhiên. Nhưng không, chỉ sau 2 năm công tác tại đây, niềm đam mê văn học đã đưa anh đến với Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, Hà Nội. Đây là dịp để Trần Đương được nạp các kiến thức về văn học Việt Nam và thế giới.

Năm 1968, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, Hà Nội, Trần Đương được nhận về làm phóng viên chính trị và đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam, sau đó được cử đi làm phóng viên thường trú tại tuyến lửa Quảng Bình. Nghề phóng viên thời chiến nay đây, mai đó càng làm cho Trần Đương thấu hiểu và tiếp cận những tàn khốc của cuộc chiến tranh cũng như phẩm chất anh hùng của quân và dân ta.

Năm 1972, do yêu cầu của công tác tuyên truyền đối ngoại để tranh thủ sự ủng hộ của các nước bạn bè trong phe XHCN cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhà báo Trần Đương được cơ quan cử đi làm phóng viên thường trú tại Berlin - Thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Đức.

Nhà báo Trần Đương trong cuộc tiếp xúc với bà Thủ tướng Đức A. Merkel tối 10/10/2011 tại Hà Nội.

10 năm làm phóng viên thường trú tại đất Đức, ngoài nhiệm vụ chính trị của người phóng viên thường trú và Trưởng phân xã của Thông tấn xã Việt Nam ở nước ngoài là thường xuyên viết tin, bài về chính trị, kinh tế - xã hội, đặc biệt là các phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đây là đoạn trường để Trần Đương học thêm tiếng Đức và trở thành cầu nối giữa hai nền văn hóa Việt - Đức.

Trở lại việc dịch tập thơ của nhà thơ Tố Hữu "Việt Nam - Tổ quốc tôi" do Trần Đương dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức, Trần Đương bảo: Đương thời nhà thơ Tố Hữu đã có hai lần sang công tác tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Lần đầu tiên vào cuối năm 1973, khi ấy ông được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Đức.

May mắn cho Trần Đương là trong dịp ấy, anh được đi tháp tùng, vừa là phiên dịch, vừa trong vai trò là nhà báo đưa tin về hoạt động của đoàn đại biểu Đảng ta, cũng như của nhà thơ Tố Hữu trên đất Đức. Dịp ấy, do uy tín của nhà thơ cũng như thiện chí của phía bạn, tập thơ "Việt Nam - Tổ quốc tôi" bao gồm những bài thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết từ năm 1938 đến 1974 được tuyển chọn và dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức.

Người dịch tập thơ ấy đã được cả ta và bạn thống nhất là Trần Đương. Nhận nhiệm vụ sau gần 2 năm, vừa công tác vừa tranh thủ dịch thuật, Trần Đương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngay sau đó, tập thơ "Việt Nam - Tổ quốc tôi" đã được xuất bản rộng rãi vào đúng dịp miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Trong niềm hân hoan chào đón sự kiện lịch sử ấy, trên đất Đức, tập thơ "Việt Nam - Tổ quốc tôi" của nhà thơ Tố Hữu do Trần Đương dịch đã đến tay bạn đọc.

Các cơ quan truyền thông Đức như Đài phát thanh, truyền hình và nhiều tờ báo lớn ở Đức đã có nhiều bài viết đánh giá cao tài năng và những cống hiến của nhà thơ Tố Hữu đối với cách mạng Việt Nam, cũng như những cố gắng và nỗ lực của dịch giả Trần Đương. Ít năm sau, tức là vào năm 1979, nhà thơ Tố Hữu với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta tham dự Hội nghị các Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và đối ngoại ở Thủ đô Berlin.

Cũng như lần trước, lần này Trần Đương lại được giao nhiệm vụ tháp tùng nhà thơ Tố Hữu. Khác với lần trước, lần này vừa đặt chân đến Berlin, nhà thơ Tố Hữu đã được Đảng bạn trao tặng 50 tập thơ "Việt Nam - Tổ quốc tôi" để tác giả ký tặng bạn bè và những người anh em thân thiết trên đất Đức. 18 năm sống, học tập và làm việc tại đất Đức là một đoạn trường để Trần Đương trở thành một người bạn chân chính, người hiểu biết sâu sắc về đất nước và con người nơi đây; một con người "độc nhất, vô nhị" khi trở thành hội viên chính thức Hội Nhà văn Cộng hòa Dân chủ Đức.

Hỏi ra mới biết, trong thời gian công tác ở Đức, ngoài tập thơ "Việt Nam - Tổ quốc tôi" của nhà thơ Tố Hữu do Trần Đương dịch, được ông Werner Lamberz thời ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức phụ trách công tác tư tưởng của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức động viên, khích lệ, trong thời gian công tác ở Đức, anh còn lựa chọn nhiều tác phẩm văn học có giá trị ở Việt Nam để dịch và giới thiệu với độc giả Đức.

Đó là các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng v.v… Nhiều tác phẩm văn học như "Rừng xà nu", "Vợ chồng A Phủ"… do Trần Đương dịch và giới thiệu với các bạn bè Đức hồi ấy đã nhiều lần xuất hiện trên đài truyền hình, phát thanh và nhiều tờ báo với các bài giới thiệu của nhà báo Trần Đương, qua đó giúp bạn bè và người dân Đức hiểu về đất nước và con người Việt Nam.

Cùng với việc đưa Việt Nam đến nước Đức, Trần Đương cũng là một nhà báo Việt Nam đưa nền văn hóa Đức về Việt Nam qua việc dịch thành công nhiều tác phẩm của các danh nhân Đức để giới thiệu với các độc giả nước ta. Đó là tập thơ "Tình yêu và bão táp" của Karl Marx, tập thơ trữ tình của Goethe, Schiller, Brecht và nhiều tác giả khác.

Đó thực sự là một kho báu dành cho những người nghiên cứu về văn hóa châu Âu nói chung và nền văn hóa, văn học Đức nói riêng. Đến thời điểm này Trần Đương đã dịch, viết và biên soạn trên 50 đầu sách với nội dung về nền văn hóa, văn học Đức giới thiệu cho độc giả Việt Nam. Do những đóng góp lớn lao ấy, năm 1979, anh đã được Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức trao tặng "Huy chương vàng vì tình hữu nghị giữa các dân tộc".

Sau đó ít lâu, Trần Đương lại được Trường Đại học Tổng hợp Humboldt - một trường đại học danh giá (nơi mà Karl Marx đã từng theo học) trao bằng tiến sĩ danh dự vì sự hoạt động nghiên cứu khoa học và kết quả phổ cập nền văn hóa Đức tại Việt Nam. Tiếp đó là tấm Huy chương "Chiến sĩ lao động XHCN" của ngành Xuất bản Cộng hòa Dân chủ Đức trao tặng.

Trở về Việt Nam vào đầu những năm tám mươi thế kỷ XX, ngoài các công việc ở cơ quan thông tấn, với vốn tiếng Đức và sự hiểu biết của mình, anh còn tham gia giảng dạy văn học Đức cho các sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; sáng lập viên Hội hữu nghị Việt - Đức, nguyên Ủy viên Thường trực rồi Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt - Đức. Đây cũng là thời kỳ để Trần Đương thai nghén và cho ra đời nhiều bài viết về nền văn hóa Đức đăng trên nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam.

Một trong số những tác phẩm văn học lớn ở nước ta được Trần Đương tham gia hiệu đính và giới thiệu các dịch giả với độc giả là tập thơ "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ. Đề cập về vấn đề này, Trần Đương bảo rằng, đề tài về mối quan hệ giữa Bác Hồ với các nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Đức, anh là người có cơ hội được chứng kiến các chuyến thăm của Bác đến Cộng hòa Dân chủ Đức.

Cơ hội ấy đã giúp anh viết nên cuốn "Hai chuyến đi lịch sử của Bác Hồ" ở Cộng hòa Dân chủ Đức với nhiều nguồn tư liệu quý. Theo nhà báo Trần Đương thì trong cuộc đời làm báo, anh đã viết và biên soạn trên 40 đầu sách về Bác Hồ dưới nhiều chủ đề khác nhau. Có thể liệt kê ra đây một loạt cuốn sách mà Trần Đương đã bỏ công sưu tầm tư liệu, viết về đề tài Bác Hồ để giới thiệu cho độc giả của 2 nước: Đức và Việt Nam.

Trong số các tác phẩm ấy phải kể đến các tác phẩm: "Bác Hồ như chúng tôi đã biết" xuất bản năm 1985 và tiếp tục tái bản vào các năm 1998, 2001, 2005, 2008 và 2009; tiếp đến là các cuốn sách "Bảy ngày Bác Hồ thăm Cộng hòa Dân chủ Đức" xuất bản năm 1998, tái bản năm 2001, 2004 và 2009; "Hồ Chí Minh với quê hương Các Mác" xuất bản năm 2004; "Konnad Buettnen, một chiến sĩ Công an Đức bảo vệ Bác Hồ kể chuyện" xuất bản năm 2009; tiếp đó là cuốn "Bác về Moritzburg" xuất bản năm 2010.

Để hoàn thành các tác phẩm ấy, anh đã bỏ nhiều thời gian và công sức để sưu tầm các tư liệu trên báo chí, trong sách và các kho tư liệu lưu trữ, gặp gỡ các nhân chứng… nhằm phác họa chân dung của một lãnh tụ trong những mối quan hệ chan hòa, ấm áp; nếp sống giản dị, khiêm tốn nhưng thật vĩ đại trong con mắt của các đồng chí, bạn bè quốc tế.

Cùng với các tác phẩm dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Đức, từ tiếng Đức sang tiếng Việt, trong cuộc đời làm báo, anh đã viết hàng trăm bài thơ. Cho đến nay, Trần Đương đã cho xuất  bản 4 tập thơ: "Trái đất trong vòng tay", "Đâu cũng quê hương", "Gió từ Ban tích" và "Lặng lẽ đời, lặng lẽ thơ". Thơ anh dung dị, trong sáng và mang hồn dân tộc, đất nước. Đó cũng là những cảm nhận về đất nước và con người mà anh đã từng tiếp xúc. Một số bài thơ đã được Trần Đương dịch và đăng trên một số tờ báo Đức.

Giờ đây khi cuộc đời đã ngót nghét tuổi 70, song dường như nghề viết của anh vẫn chưa dừng lại. Nhiều đề tài, nhiều tác phẩm vẫn là những vấn đề mà anh đang ấp ủ, trong số các đề tài mà Trần Đương tiếp tục dành tâm lực để nghiên cứu, biên soạn và sáng tác vẫn là nền văn hóa Đức. Dường như nước Đức và nền văn hóa Đức đã là một phần trong cơ thể của anh. Cách đây ít lâu, anh đã cho ra mắt bạn đọc cuốn "Văn hóa Đức - tiếp xúc và cảm nhận".

Cuốn sách dày ngót nghét 600 trang khổ lớn, đánh dấu một chặng đường làm việc không biết mệt mỏi trong suốt 45 năm của Trần Đương đối với nước Đức và nền văn hóa Đức. Cùng với ấn phẩm trên, Trần Đương cũng chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc tập bút ký "Berlin, nhịp sống Đông và Tây", "Thơ trữ tình Eva Strittmatter" và cuốn sách về các danh nhân Schiller, Heine và Brecht.

Với những đóng góp lớn lao ấy, dịch giả Trần Đương là một trong số hơn 20 người Việt Nam từng học tập và có nhiều đóng góp vào việc xây đắp tình hữu nghị Đức - Việt được Đại sứ quán Đức tại Hà Nội mời tham dự buổi giao lưu, dù là ngắn ngủi với bà Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây.

Trần Đương bảo: "Tại cuộc giao lưu ấy, những điều bà Thủ tướng Đức đem đến cho chúng tôi - những người hằng nhiều năm gắn bó với nước Đức, học tập và nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ Đức - niềm lạc quan sâu sắc". Càng phấn khởi, tin tưởng khi bà Angela Merkel nói: "Quá khứ của chúng ta là tốt đẹp, việc ký kết các văn kiện lần này càng mở ra cho chúng ta cả một tương lai tốt đẹp".

  • Lưu Vinh, CAND