Phông chữ

Cơ quan tình báo Đông Đức (Stasi) đã hoạt động tốt nhất thế giới. Cho tới hôm nay, hơn một thập niên sau khi bức tường Berlin sụp đổ và nước CHDC Đức không còn tồn tại nữa, tuyệt đại đa số các điệp viên Stasi vẫn không bị lộ diện, bất chấp mọi nỗ lực phá hoại các kiểu từ phía phương Tây.


Mặc dù Stasi đã bị xóa sổ từ hơn 20 năm trước nhưng, hổ mất để lại da, trình độ chuyên môn cao cùng như những cán bộ kiệt xuất của họ vẫn khiến nhiều người phải trầm trồ.

Theo lời người phụ trách việc xử lý kho tư liệu còn lại của Bộ An ninh CHDC Đức, Roland Jahn, từ năm 1949 tới năm 1989 đã có 12 nghìn người ở Tây Đức từng làm việc cho Stasi.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Neue Osnabrucker Zeitung ngày 6/8/2011, ông Jahn cho biết, đại đa số này cho tới hôm nay vẫn không bị lộ diện, bất chấp việc chính quyền CHLB Đức  trong giai đoạn từ năm 1990 tới năm 1999 (sau khi hai miền thống nhất) đã khởi tố tới 3 nghìn vụ án hình sự nhằm "bới lông tìm vết" những người Tây Đức bị nghi là đã từng cộng tác với Stasi. 500 người đã bị đưa ra tòa mà chỉ có khoảng 360 cựu điệp viên Stasi phải nhận án tù. Thế mới biết, Stasi đã có những phương thức bảo vệ cán bộ của mình tốt đến nhường nào.

Một lực lượng huyền thoại

Bộ An ninh CHDC Đức (Stasi) được thành lập theo mô hình và với sự trợ giúp trực tiếp của Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô (MGB) vào ngày 8/4/1950, không lâu sau khi vùng lãnh thổ phía đông nước Đức trở thành một quốc gia độc lập với phía tây (CHLB Đức).

Thoạt đầu, đây chỉ là một cơ quan có nhiệm vụ chống gián điệp nhưng từ năm 1952 đã nhận thêm nhiệm vụ hoạt động tình báo. Slogan của Stasi là "Lá chắn và thanh kiếm của Đảng" (tiếng Đức: Schild und Schewert der Partei). Chính đảng lãnh đạo CHDC Đức khi đó là Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED).

Stasi cũng kiểm soát cả một lực lượng an ninh khác ở quốc gia này: đó là Cơ quan Tình báo Quân sự của Quân đội nhân dân CHDC Đức.

Trong thời chiến tranh lạnh, Stasi được đánh giá như là một trong ba lực lượng an ninh hoạt động mạnh mẽ nhất thế giới, cùng với KGB và CIA. Cho tới cuối năm 1989, Stasi đã hoạt động rất sát cánh bên cạnh KGB. KGB từng mời các cán bộ Stasi thiết lập các cơ sở chiến thuật tại Moskva và Leningrad (St. Peterburg hiện nay) để theo dõi khách du lịch người Đức tới Liên Xô.

Bộ trưởng Bộ An ninh CHDC Đức trong giai đoạn từ cuối thập niên 50  Erich Mielke từng coi các sĩ quan thuộc quyền như "các chiến sĩ CHEKA của Liên bang Xôviết". Năm 1978, tướng Mielke thậm chí còn cho phép các điệp viên KGB, hoạt động trên lãnh thổ Đông Đức, những quyền hạn và quyền lực như những gì họ có trên lãnh thổ Liên Xô.

Stasi có rất nhiều cộng tác viên. Năm 1989, quân số Stasi được ghi nhận ở mức 91.015 trong biên chế. Lực lượng "cộng tác viên" không chính thức là gần 200 nghìn người. Điều đó có nghĩa là một phần năm mươi dân số Đông Đức đã cộng tác với Stasi, một tỉ lệ cao vào hàng kỷ lục trong lịch sử thế giới.

Stasi rất đắc dụng trong việc kiểm soát xã hội và phòng ngừa bất cứ một biểu hiện nào của tâm lý chống đối. Stasi rất giỏi trong việc cài điệp viên vào hàng ngũ đối phương và rất ít cán bộ của họ bị lộ.

Khi xảy ra những sự biến động năm 1989, các cán bộ Stasi trong vòng vây đã nhận được lệnh phải tiêu hủy hồ sơ.

Theo đó, việc đầu tiên là phải tiêu hủy những tài liệu về các điệp viên hàng đầu đã được cài trong hàng ngũ đối phương, tài liệu về những chiến dịch trọng yếu từng được tiến hành ở CHDC Đức và CHLB Đức. Tài liệu được hủy bằng máy  nghiền giấy (shredder).

Vì khối lượng tài liệu phải hủy quá lớn nên máy cán giấy đã bị nóng đến mức không thể sử dụng được nữa. Những mảnh giấy còn sót lại đã được đưa vào các bao tải khác nhau. Sau khi nước Đức thống nhất, chính quyền CHLB Đức đã cho tiến hành công việc khôi phục lại kho hồ sơ của Stasi từ những mảnh giấy còn sót lại đó.

Quyết định ngày 17/11/1989 của Quốc hội CHDC Đức đã thay Stasi bằng Cơ quan An ninh Quốc gia do Wolfgang Schwanitz đứng đầu. Ngày 8/12/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng CHDC Đức lúc đó là Hans Modrow đã tuyên bố giải thể Stasi, còn tới ngày 14 cùng tháng, chính phủ CHDC Đức đã thông qua quyết định xóa bỏ cơ quan này.

Theo đạo luật về tài liệu của Stasi, được thông qua năm 1991, tất cả các công dân CHDC Đức đều có quyền tiếp cận với các hồ sơ cá nhân của họ do "các nhân viên không chính thức" của Stasi thu thập.

  •   Hoàng Thương, CAND