Phông chữ

Ở Mỹ, một chính khách hiếm khi tiến xa trong sự nghiệp chính trị mà không giới thiệu gia đình của mình trước mặt mọi người. Lấy ví dụ như những cô con gái của Tổng thống Bush và John Kerry không ngần ngại nói chuyện trước công chúng. Cả đến những bà vợ của chính khách cao cấp cũng thường xuyên xuất hiện bên cạnh chồng. Nhưng ở nước Đức có sự khác biệt.

Đó là trường hợp của Joachim Sauer, 62 tuổi, nhà hóa học lượng tử, giảng dạy tại Đại học Humboldt ở Berlin và là chồng của Thủ tướng Angela Merkel. Có lẽ chúng ta ít nghe nói đến Sauer, một phần do ông luôn tránh né sự dòm ngó của công chúng.

Trong khi Merkel có mặt trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội Đức, tháng 11/2005 để trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức thì Sauer… ngồi ở nhà xem buổi lễ trên tivi rồi sau đó chúc mừng vợ qua điện thoại! "Merkel - chồng của bà ở đâu?" - tờ báo lá cải hàng đầu nước Đức "Bild" đặt tiêu đề như thế ngay trên trang nhất. Còn khi Merkel xăng xái hoạt động chính trị thì Sauer từ chối mọi cuộc phỏng vấn của giới truyền thông trừ phi có dính líu đến công việc của ông trong khoa học.

Trong một lần hiếm hoi, Sauer bộc bạch với tờ Berliner Zeitung: "Tôi quyết định không tham gia mọi cuộc phỏng vấn và không trò chuyện với những phóng viên báo chí chỉ muốn bàn đến hoạt động chính trị của vợ tôi hơn là về công việc của một giáo sư đại học và nhà nghiên cứu của tôi".

Cũng do thái độ lảng tránh công chúng quá đáng của Sauer (trong tiếng Đức có nghĩa là "khó gần" hay "cáu giận") mà giới truyền thông Đức gán cho ông biệt hiệu là "Bóng ma trong nhà hát"! Biệt hiệu xuất hiện sau khi Sauer tham dự Lễ hội opera Bayreuth tổ chức hàng năm cùng với vợ song hầu như không ai thấy được mặt ông. Nước Đức, cũng như nhiều quốc gia khác, không có bề dày lịch sử về sự lãnh đạo của phụ nữ cho nên cũng không có nghi thức quy định "đệ nhất phu quân" phải cư xử như thế nào cho đúng đắn.

Một ví dụ điển hình nhất là Denis Thatcher, một doanh nhân thành đạt và là chồng của "Bà Đầm thép" cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. "Đệ nhất phu quân" Thatcher gọi vợ là "the boss" (bà chủ hay thủ trưởng) và luôn theo sát gót bà trong những lần xuất hiện trước công chúng. Nhưng sự vụng về lúng túng của Denis Thatcher bắt đầu lộ ra rõ nhất khi trả lời những câu hỏi của phóng viên báo chí.

Joachim Sauer dường như không quan tâm đến chuyện giới tính trên chính trường. Nhưng Angela Merkel khó tránh được những vấn đề phiền phức liên quan đến giới tính. Merkel có câu nói dí dỏm là "những ai có chuyện để nói thì không cần phải trang điểm" cho nên - cũng giống như Margaret Thatcher - bà thường bị phê bình là thiếu nữ tính. Sauer không muốn đề cập đến vấn đề như thế nên có lẽ ông thấy tốt nhất là nên tránh tiếp xúc với mọi người. Còn ở Anh và Mỹ người ta khó thể tưởng tượng một "Đệ nhất phu quân" lại tảng lờ báo chí và công chúng và chỉ biết đến công việc làm ăn của riêng mình cứ như là người vợ không điều hành đất nước.

Vợ chồng Merkel - Sauer và vợ chồng Tổng thống Obama tại Nhà Trắng.
Vợ chồng Joachim Sauer - Angela Merkel và Tổng thống Mỹ G.Bush.

Nhưng Thủ tướng Merkel có vẻ coi quyết định tránh ra mặt trước công chúng của chồng không là vấn đề gì cả. Bà nói: "Chồng tôi thích theo đuổi công việc khoa học hơn".

Năm 1977, Angela Merkel kết hôn với sinh viên khoa vật lý Ulrich Merkel nhưng cuộc hôn nhân không kéo dài và kết thúc bằng cuộc ly hôn năm 1982. Joachim Sauer là người chồng thứ hai của Merkel. Hai người gặp nhau lần đầu từ năm 1981. Mãi 17 năm sau họ mới tổ chức đám cưới vào ngày 30/12/1998. Merkel không có con nhưng Sauer có riêng hai người con trai đã lớn - Daniel Sauer và Adrian Sauer - trong cuộc hôn nhân trước đó. Joachim Sauer có lẽ có nhiều thời gian gắn bó với nước Mỹ. Khi Bức tường Berlin sụp đổ, Sauer có nhiều thời gian để du lịch và một trong những điểm đến đầu tiên của ông tại nước Mỹ là California - nơi ông có thời gian làm việc cho Công ty phần mềm BIOSYM Technologies (BIOSYM) ở San Diego và bắt đầu gặp gỡ Merkel.

Joachim Sauer sinh ngày 19/4/1949 ở Hosena (Đông Đức), được coi là 1 trong 30 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới làm việc trong lĩnh vực hóa học lượng tử. Gerd Langguth, nhà viết tiểu sử Merkel,  nói: "Giáo sư  Sauer sắp đặt lịch làm việc rất chặt chẽ - 14 giờ một ngày". Sauer theo học môn hóa học từ năm 1967 đến 1972 ở Đại học Humboldt, nhận học vị tiến sĩ hóa học năm 1974. Sau đó, Sauer tiếp tục công việc nghiên cứu ở Đại học Humboldt cho đến năm 1977 thì gia nhập Viện Trung ương hóa lý ở Berlin, một trong những viện hàng đầu của Nhà nước Đông Đức cũ.

  •   Diên San (CAND tổng hợp)