Phông chữ

Từ nỗ lực ban đầu là giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, bà Ursula Sladek, một cựu giáo viên không một chút kiến thức gì về kinh doanh, đã trở thành người đứng đầu một công ty cung ứng điện “xanh” có quy mô ở Đức.

Công ty Điện lực Schonau (EWS) được bà Sladek và bạn bè sáng lập năm 1991, chuyên sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh để sản xuất điện và cung cấp cho khoảng 120.000 hộ gia đình trên khắp nước Đức. Nhưng kể từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima (Nhật Bản) và cam kết của chính phủ Đức về việc chấm dứt sự phụ thuộc vào điện hạt nhân trong thập niên tới, EWS bắt đầu “ăn nên làm ra” khi nhu cầu điện sạch tăng đột biến và dự kiến sẽ có 1 triệu khách hàng vào năm 2015. Thành công của EWS có công rất lớn của Sladek.

Câu chuyện của bà Sladek bắt đầu vào năm 1986, sau thảm hoạ hạt nhân Chernobyl ở Ukraina. Mặc dù quê hương Schonau của bà Sladek nằm cách vị trí nhà máy điện hạt nhân bị nổ đến hơn 2.000 km, nhưng các chất phóng xạ vẫn đầu độc đời sống hoang dã nơi đây. “Chúng tôi khi đó bắt đầu suy nghĩ: Trẻ con có thể ăn được thứ gì? Chúng có thể chơi ngoài sân hay không?”, Sladek băn khoăn. Bà mẹ 5 con đã khởi xướng thành lập “Hội Phụ huynh vì một tương lai phi hạt nhân” – một tổ chức cấp vùng hướng tới thúc đẩy các giải pháp thay thế năng lượng nguyên tử. Lúc đó, Sladek tin rằng hội của bà sẽ thuyết phục được KWR, công ty chuyên cung cấp điện cho thành phố Schonau, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái sinh cũng như giúp người dân nơi đây giảm lệ thuộc vào lưới điện hiện hành. Nhưng bà đã thất vọng khi họ trả lời rằng tiết kiệm năng lượng và đầu tư phát triển năng lượng xanh không phải trách nhiệm của họ. “Chúng tôi hiểu rằng cả chính phủ và công ty KWR sẽ không làm bất cứ điều gì”, bà Sladek nhớ lại. Chính động thái của họ đã thôi thúc Sladek và những người sống ở Schonau xúc tiến kế hoạch của riêng mình.

Năm 1991, khi giấy phép điều hành lưới điện của KWR tới lúc phải gia hạn lại, hội của Sladek thành lập công ty điện riêng EWS và nộp đơn kiến nghị để thuyết phục hội đồng địa phương và nhân dân hãy để cho họ hợp tác điều hành lưới điện. Sau nhiều năm đấu tranh, năm 1997, EWS đã quyên đủ số tiền 2 triệu euro để mua hợp đồng cung cấp điện sạch cho Schonau. Công ty thuộc sở hữu 1.000 dân này sản xuất điện từ tất cả các nguồn năng lượng xanh, chủ yếu là thuỷ điện, năng lượng Mặt trời và phong điện. Một số hộ dân thậm chí còn có hệ thống phát điện mini tự sản xuất năng lượng cho gia đình và bán phần điện dôi dư cho EWS.

Khi được hỏi liệu khách hàng có phải mua điện “sạch” với giá cao hơn, bà Sladek khẳng định công ty EWS cung cấp điện với giá thành rẻ hơn so với mức giá của các công ty bán điện nguyên tử hoặc nhiệt điện. Thay vào đó, các cổ đông chỉ nhận một khoản tiền nhỏ từ cổ tức và thu nhập thêm từ việc bán điện do gia đình sản xuất lại cho công ty. Mặc dù vậy, đa số các cổ đông đều dùng số tiền kiếm được tái đầu tư cho các dự án năng lượng tái sinh mới hoặc đào tạo và hỗ trợ các cộng đồng dân cư muốn thành lập công ty năng lượng “xanh” riêng.

Với những gì đã làm được, tháng 4 năm nay, bà Sladek đã giành được Giải thưởng Môi trường Goldman 2011. Giải thưởng thường niên này được ví như giải “Nobel môi trường” ghi nhận đóng góp của những người anh hùng ở cấp cơ sở trên toàn thế giới trong công cuộc bảo vệ thiên nhiên.

  • THANH TRÚC (Theo CNN)