Phông chữ

Ngày 2/9, Ngoại trưởng của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cuộc họp không chính thức kéo dài 2 ngày tại thành phố Sopot của Ba Lan nhằm thảo luận tình hình Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có vấn đề tái thiết Libya.

Trước đó (1/9), vấn đề tái thiết Libya đã được đề cập tại hội nghị "Những người bạn của Libya" diễn ra ở Paris, Pháp. Được biết, hoạt động khai thác dầu ở nhiều khu vực sản xuất của Libya đã được nối lại. Ngày 1/9, ôtô xếp hàng dài tại các trạm bơm xăng ở thủ đô Tripoli để mua xăng và đây là tín hiệu cho thấy tình hình an ninh đang được cải thiện. Hoạt động sản xuất nhiên liệu của Libya có thể nối lại như cũ trong vài ngày tới.

Có công, được trọng thưởng

Chiều 1/9, tại Paris, Pháp, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đã đồng chủ trì hội nghị "Những người bạn của Libya" với sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và 63 nguyên thủ, Bộ trưởng và đại diện của các tổ chức quốc tế, bàn về các kế hoạch chuyển đổi chế độ ở Libya sang nền dân chủ mới, trong đó có tái thiết đất nước cùng những vấn đề liên quan đến đào tạo, tăng cường lực lượng cảnh sát…

Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên về Libya kể từ khi chính quyền Gaddafi sụp đổ và đây được coi là phép thử đối với Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) về khả năng điều hành đất nước sau khi nền kinh tế bị gián đoạn bởi hơn 6 tháng bạo loạn. Phát biểu tại Hội nghị "Những người bạn của Libya", Tổng thống Nicolas Sarkozy cho biết, các nước bạn bè đã bãi bỏ phong toả nhiều tài sản của chính quyền Muammar Gaddafi với tổng số tiền lên tới 15 tỷ USD.


Tuy nhiên, Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng hối thúc NTC bắt đầu tiến trình hoà giải và tha thứ. Tính đến nay nhiều nước châu Âu đã dỡ bỏ lệnh phong toả tài sản của Libya. Pháp đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ cho phép dỡ bỏ phong toả 1,5 tỷ euro (hơn 2 tỷ USD) trong tổng số khoảng 10 tỷ USD tài sản của nhà lãnh đạo Gaddafi gửi tại Pháp. Italia cũng quyết định dỡ bỏ phong toả hơn 700 triệu USD, Tây Ban Nha là 22 triệu USD, còn Mỹ khoảng 1,5 tỷ USD. Hiện tại số tiền đã cam kết giải ngân cho NTC lên hơn 5 tỷ USD: Mỹ 1,5 tỷ, Anh 1,5 tỷ và Pháp 2,16 tỷ USD. Số tài sản của chính phủ Libya đang bị đóng băng còn có ở Canada (2,4 tỷ USD), Đức (7 tỷ USD), Italia (8 tỷ USD)… Nếu số tài sản kể trên được giải ngân thì đây sẽ là khoản ngân sách không nhỏ để tái thiết Libya.

Tại hội nghị này, NTC đã kêu gọi thế giới dỡ bỏ lệnh phong toả tài sản của Libya ở nước ngoài. Ông Faisa Jerap, quan chức NTC nhấn mạnh, sự ổn định tại Libya không những quan trọng đối với người dân nước này, mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế và NTC hi vọng Libya sẽ là một hình mẫu tốt về đất nước có thể ổn định với sự trợ giúp của bạn bè quốc tế. Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil đã yêu cầu cộng đồng quốc tế trợ giúp về an ninh, dân chủ và kinh tế trong công cuộc tái thiết Libya.

NTC cũng yêu cầu NATO tăng cường hỗ trợ nhằm tiêu diệt các căn cứ cuối cùng của ông Gaddafi. Để đảm bảo trật tự, an ninh cho Libya thời hậu chiến, Liên Hợp Quốc từng dự định cử đến nước này 200 quan sát viên quân sự và 190 cảnh sát, nhưng NTC từ chối vì cho rằng họ đủ sức đảm bảo an ninh trong nước mà không cần đến sự can thiệp của nước ngoài.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo, sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào cuộc nội chiến tại Libya có thể khiến xung đột leo thang và nếu việc can thiệp tiếp tục diễn ra thì thế giới sẽ đứng trước một nguy cơ hỗn loạn thật sự...

Giới truyền thông đưa tin, Pháp vừa đạt được thoả thuận với NTC trong việc khai thác 1/3 trữ lượng dầu của Libya. Nhật báo Liberation ngày 1/9 đưa tin, trong lá thư của NTC gửi Quốc vương Hamad ibn Khalifa al-Thani của Qatar đề ngày 3/4/2011 (17 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 1973, mở đường cho phép can thiệp quân sự) đã tiết lộ, sẽ cho Pháp quyền khai thác 35% trữ lượng dầu thô của Libya để nhận được sự ủng hộ lâu dài của Paris. Thông tin này được tiết lộ trước khi Pháp chuẩn bị chủ trì hội nghị kể trên.

Bộ Ngoại giao Pháp đã phủ nhận và không hề biết gì về thoả thuận như vậy. Ngày 1/9, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe tuyên bố, Paris sẽ nhanh chóng giải phóng hơn 2 tỷ USD cho NTC để thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực, tái thiết đất nước và viện trợ nhân đạo. Ngày 29/8, tập đoàn dầu lửa ENI của Italia đã ký thoả thuận với NTC để nối lại hoạt động sản xuất ở Libya và vận hành trở lại đường ống dẫn khí chạy từ các giếng dầu Libya qua Địa Trung Hải đến Italia.

Các công ty dầu hoả của Mỹ vốn đã kiếm được nhiều hợp đồng dưới thời ông Gaddafi cũng đang ra sức tranh đấu không để bị mất phần. Về trữ lượng dầu mỏ, Libya tuy xếp thứ bảy thế giới, nhưng chất lượng dầu của quốc gia này thuộc loại tốt nhất.

Ngày 1/9, đại diện của NTC tại Anh, ông Guma al-Gamaty khẳng định, các hợp đồng tương lai trong lĩnh vực dầu mỏ sẽ được trao cho người xứng đáng chứ không thiên vị chính trị. Ngày 1/9, Tổng thống Rumani Traian Basescu tuyên bố quyết định công nhận NTC khi ông trên đường tới dự hội nghị tại Paris.

Nhiều tuyên bố gây sốc

Xuất hiện trên kênh truyền hình tiếng Arab tối 1/9, ông Gaddafi kêu gọi "Hãy chiến đấu dài lâu và hãy để cho Libya ngập trong biển lửa". Đây là thông điệp thứ hai trong một ngày của ông Gaddafi cùng những khẳng định, các bộ lạc ở Bani Walid và Sirte được trang bị vũ khí và không thể bị đánh bại. Giới quân sự đang bình luận về quyết định kéo dài thời hạn hạ vũ khí thêm một tuần (từ 3/9 lên 10/9) do NTC đưa ra đối với những tay súng trung thành với ông Gaddafi ở Sirte.

Cũng tại hội nghị "Những người bạn của Libya", Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, NATO sẽ tiếp tục chiến dịch tại Libya chừng nào người dân nước này còn bị đe doạ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại thận trọng hối thúc NTC cảnh giác với chủ nghĩa cực đoan trong hàng ngũ của họ và không để vũ khí rơi vào tay "kẻ xấu".Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đề nghị, tiền cần được sử dụng để phục vụ người dân Libya. Nhiều chính trị gia tuyên bố, không muốn để sai lầm ở Iraq lặp lại ở Libya.

Mặc dù liên tục khẳng định, số phận của ông Gaddafi phụ thuộc vào người dân Libya, nhưng Anh vừa phản đối việc tử hình đối với Tổng thống Libya...

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế sẽ làm việc với NTC để xúc tiến việc chuyển giao chính trị tại Libya, đồng thời cảnh báo tình hình nhân đạo là thử thách cấp bách nhất tại nước này. Trung Quốc là nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc  duy nhất chưa công nhận NTC, nhưng vẫn coi NTC là đối tác đối thoại quan trọng và duy trì các cuộc tiếp xúc chặt chẽ với NTC nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Hiện có khoảng 45 quốc gia đã công nhận NTC là chính phủ hợp pháp của Libya.

  • Lê Trí Thiện (tổng hợp, CAND)