Phông chữ

Các cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy ngày 6/6/1944 đánh dấu sự khởi đầu của công cuộc giải phóng khu vực Tây Âu khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức.


Cơ quan tình báo Anh đã có đóng góp vô cùng quan trọng cho sự thành công của cuộc đổ bộ này thông qua điệp viên hai mang Juan Pujol, biệt danh Garbo, người được đánh giá là điệp viên hai mang vĩ đại nhất Thế chiến II.

Kỳ 1: Mạng lưới điệp viên ảo

Năm 1941, phát xít Đức chiếm đóng Tây Ban Nha, Đại sứ quán Anh ở Thủ đô Madrid bị phong tỏa, nước Pháp đã suy sụp. Tuy vậy, khi đó, người Đức không hề biết rằng, Juan Pujol - người thanh niên Tây Ban Nha nhỏ nhắn tình nguyện đến London (Anh) để hoạt động gián điệp cho họ - là một điệp viên của Anh, người đã cho Đức “ăn” một cú lừa ngoạn mục liên quan đến cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên bãi biển Normandy.
 
Người Đức cũng không biết rằng mạng lưới điệp viên mà họ chỉ thị cho anh gây dựng ở Anh gồm 27 thành viên chỉ tồn tại trong tưởng tượng.

Juan Pujol sinh năm 1912 ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và có quan điểm chính trị tự do. Anh tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha nhưng theo như anh tuyên bố thì chưa bao giờ anh bắn một viên đạn vào bất cứ phe nào.

Từ trải nghiệm đó, anh cảm thấy căm ghét chế độ độc tài chuyên chế nói chung và đặc biệt là chủ nghĩa phát xít. Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai bùng nổ thôi thúc anh làm điều gì đó để cống hiến cho nhân loại.

Juan Pujol quyết định liên lạc với Anh với lời đề nghị anh sẽ làm gián điệp cho họ chống lại phát xít Đức. Những tưởng đề nghị này sẽ được chấp thuận nhưng hóa ra lại bị từ chối thẳng thừng. Mặc dù vậy, Juan Pujol vẫn không nản lòng.

Năm 1941, Pujol đã 3 lần bắt liên lạc với cơ quan đại diện ngoại giao của Anh ở Madrid và ở Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha. Cả 3 lần cơ quan ngoại giao Anh đều từ chối gặp mặt anh. Sau những thất bại liên tiếp như vậy, anh vẫn không nản chí. Pujol quyết định tự xoay xở bằng cách xin làm gián điệp cho phát xít Đức và anh đề nghị được làm việc ở Anh.

Trái với những lần trước, Pujol không gặp trở ngại nào trong việc tiếp xúc với bộ phận tình báo của Đức ở Madrid. Anh khai với Đức rằng anh là một quan chức của chính phủ Tây Ban Nha có tư tưởng ủng hộ phát xít, đang trên đường đến London trong một chuyến công cán cho chính phủ và muốn làm việc cho phát xít Đức ở đó. Sau đôi chút lưỡng lự ban đầu, người Đức chấp thuận đề nghị của anh.

Sau đó, Pujol được tham gia một khóa học cấp tốc về nghiệp vụ phản gián, bao gồm cả nghiệp vụ mã hóa tài liệu. Khi đã gây dựng được chỗ đứng ở Anh, nhiệm vụ tiếp theo của anh là thiết lập một mạng lưới gián điệp nhằm thu thập các tin tức về quân đội Anh theo yêu cầu của phát xít Đức.

Thay vì đi đến nước Anh như kế hoạch đã sắp xếp, Pujol đến thẳng Lisbon, vẫn với mục đích cố gắng liên hệ với phía Anh và bắt đầu gây dựng một mạng lưới điệp viên ảo, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của anh. Pujol có trong tay một bản sao tài liệu hướng dẫn những điều cần biết khi đến Anh, vài cuốn sách tham khảo (bao gồm cả một cuốn viết về Hải quân hoàng gia Anh) và vài cuốn tạp chí mà trước đó anh đã tìm thấy trong thư viện. Từ những tài liệu trên, anh đã dựng lên các báo cáo với những thông tin đắt giá như thể chúng được gửi tới từ London.

Bởi chưa từng đến nước Anh nên Pujol đã mắc phải một số lỗi khá cơ bản trong hoạt động tình báo. Một trong số này là nhận xét của anh sau một chuyến đi đến Glasgow, Scotland. Theo đó, Pujol báo cáo với người Đức rằng anh đã tìm thấy những người Glasgow “sẵn lòng làm bất kỳ điều gì chỉ để đổi lấy một lít rượu vang”. Thực sự thì người Glasgow không lấy gì làm thích thú với rượu vang- thứ mà người Pháp vốn rất mê đắm. May mắn cho anh, người Đức dường như cũng không hiểu biết gì về thói quen uống rượu của người Glasgow nên họ không nhận ra sai sót này.

Tháng 4/1942, Pujol bắt liên lạc với Cơ quan tình báo hải ngoại của Anh (MI6) và lần này, đề nghị hợp tác của anh được MI6 để mắt tới. Pujol lập tức được đưa đến London. Tại đây, mọi hoạt động của anh được đặt dưới sự chỉ đạo của Cơ quan tình báo Anh, mà cụ thể là một sĩ quan biết nói tiếng Tây Ban Nha là Tomas (Tommy) Harris trực tiếp quản lý anh. Ngành tình báo Anh gọi đây là một trong những mối quan hệ đối tác hiếm có giữa hai thiên tài xuất chúng trong Thế chiến II.

Tính đến năm 1944, Pujol và Harris đã phối hợp với nhau để tạo ra 27 điệp viên ảo, với những bộ lý lịch hoàn hảo. Trong số này có những nhân vật như: Một người Vênêxuêla sống ở Glasgow, một trung sĩ quân đội Mỹ và một người xứ Wales, Vương quốc Anh, theo đường lối dân tộc chủ nghĩa chỉ huy một nhóm người ủng hộ chủ nghĩa phát xít có tên gọi là “Những người anh em vì một trật tự thế giới của người Arian” ở thành phố Swansea, xứ Wales.
 
Việc liên lạc giữa Pujol với đại diện của Đức ở Madrid được thực hiện thông qua các lá thư viết tay. Những lá thư này trông vẻ ngoài không có gì đặc biệt nhưng chúng lại chứa đựng những nội dung mật đã được mã hóa. Điểm đến của chúng là một địa chỉ ở Lisbon do phía Đức chỉ định.

  • Báo tin tức

Kỳ sau: Điệp viên hai mang vĩ đại nhất Thế Chiến II: Đức bị lừa như thế nào?