Phông chữ

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì Khoa đang về nước tham dự Trại hè Việt Nam dành cho học sinh, sinh viên Việt kiều có thành tích xuất sắc do Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài tổ chức...

Cứ mỗi độ hè về trên nước Đức cũng là dịp mùa thi căng thẳng của các sĩ tử, để có thể nhận được bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (Abitur). Và tấm bằng là kết quả của mười hai năm đèn sách miệt mài mà không mong đợi gì nhiều vào sự may mắn, khi điểm tốt nghiệp là điểm cộng dồn của hai năm cuối phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp với hệ số 4. Mùa tốt nghiệp phổ thông năm nay, trong số ít học sinh đạt điểm xuất sắc, ở thành phố Dresden có một chàng trai người Việt tên là Phạm Đăng Khoa đã tốt nghiệp phổ thông với điểm tối đa 1,0 – điểm mà người Đức vẫn thường gọi là điểm trong mơ.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, bố là tiến sỹ Phạm Văn Bắc, cán bộ khoa học trường Đại học Tổng hợp TU Dresden, mẹ là thạc sỹ Nguyễn Thị Tuấn Anh, Khoa nhận được sự giáo dục rất công phu của bố và mẹ. Cộng với sự thông minh và nỗ lực của bản thân nên từ lớp 4 đến lớp 12 em luôn tham dự các kỳ thi Olympic Toán, Lý, Hoá cả trong nước Đức cũng như quốc tế và đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Đặc biệt là năm 2008, Khoa là một trong sáu thành viên của đội tuyển Đức tham dự giải Olympic quốc tế về Khoa học tự nhiên tại Hàn Quốc và giành Huy chương Bạc. Năm 2010 Khoa lại cùng đội tuyển học sinh giỏi nước Đức tham dự kỳ thi Olympic châu Âu cũng về Khoa học tự nhiên tại Thụy Điển. Lần này Khoa đã đoạt Huy chương Vàng, một huy chương cao quý và đáng tự hào.

Phạm Đăng Khoa trong đội tuyển Đức thi Olympic quốc tế 
về Khoa học tự nhiên (IJSO 2008) tại Hàn Quốc với Huy chương Bạc

Cũng khó khăn tôi mới có được cái hẹn gặp Khoa và gia đình. Phần vì bản tính khiêm tốn không muốn kể về mình, phần vì phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp và các đợt thi tuyển chọn Olympic, nên thời gian của em rất ít. Ngoài việc học em còn chơi đá bóng, học đàn  ghi ta và piano. Là học sinh xuất sắc, với tính tình hiền lành ít nói, Khoa sống rất giản dị và hòa đồng, luôn chia sẻ kiến thức với mọi người nên em được thầy cô và bạn bè rất yêu mến.

Khi tôi hỏi bố mẹ Khoa về bí quyết trong việc dạy con, anh Bắc và chị Tuấn Anh tâm sự: Điều quan trọng là phải dành thời gian cho con, không những chỉ học mà còn chơi với con, gây hứng thú học cho con từ khi còn rất nhỏ chưa đến tuổi tới trường. Tổ chức việc học sao cho nhẹ nhàng thú vị như chơi vậy. Khi con lớn hơn thì cùng làm các thí nghiệm Hóa, Lý hay thu lượm cỏ cây trong môn Sinh v.v. Giúp con trong những bước đầu chập chững khi mới vào học hay vào các cấp, để con có những thành công nho nhỏ, trước tiên là để tạo lòng tự tin, sau dần thành sự hứng thú học.

Phạm Đăng Khoa trong đội tuyển Đức thi Olympic châu Âu 
về Khoa học tự nhiên (EUSO 2010) tại Thụy Điển với Huy chương Vàng

Trò chuyện một lúc, tôi được mẹ em cho xem rất nhiều giải thưởng cùng những huy chương em đã đạt được và đặc biệt là chiếc cặp đựng huy chương của kỳ thi quốc tế. Tôi sững sờ xúc động, khi nhìn thấy lá cờ tổ quốc ViệtNam được Khoa xếp phẳng phiu, ngay ngắn bên trong. Mẹ em cảm động kể rằng: từ bé Khoa đặc biệt rất thích cờ Việt Nam, dù ngày bé em chưa hiểu gì nhiều. Có lần em đã cùng bạn xây một pháo đài bằng gỗ, đặt tên là „Cổ Loa“ và trên đó có cắm một lá cờ Việt Nam. Phải chăng sống xa quê hương đất nước lại được bố mẹ luôn khơi dậy lòng yêu nước, hướng về quê hương mà Khoa đã hiểu được sự thiêng liêng chứa đựng trong lá cờ Tổ Quốc?

Tuy đã từng mang màu cờ sắc áo của nước Đức trong các kỳ thi Olympic, song Khoa vẫn là người mang trong mình dòng máu Việt, tình cảm Việt. Những thành tích của em không chỉ mang lại niềm tự hào cho em, cho gia đình mà còn cho cả cộng đồng người Việt ở đây. Tôi thầm nghĩ, người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu cũng luôn hướng về quê hương. Khi tôi ngồi viết những dòng này thì Khoa đang về nước tham dự Trại hè Việt Nam dành cho học sinh, sinh viên Việt kiều có thành tích xuất sắc do Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài tổ chức. Chúc em thành công trên các bước đường tiếp theo của mình và góp phần làm rạng danh Tiên Tổ Lạc Hồng.

Dresden, tháng 7 năm 2011 
Thiên Nga