Phông chữ

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đang thực hiện một chuyến công du 3 nước châu Âu. Khác với chuyến đi hồi tháng 5 của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chuyến đi này của ông ôn gia Bảo với tư thế đường bệ của một "nhà giàu mới" mang đến cho châu Âu những "cọng rơm" trong cơn "đại hồng thủy" nợ nần.

Theo Tân Hoa xã, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đến Berlin vào tối 27/6 để bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Đức - điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 3 nước châu Âu của ông. Theo lịch trình, Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Christian Wulff trong ngày 28/6 về các vấn đề hợp tác giữa 2 nước, các vấn đề trong khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Chắc chắn, những hợp tác về thương mại vẫn sẽ là trọng tâm của các cuộc làm việc tại Berlin.

Trước khi đến Đức, ông Ôn Gia Bảo đã có chuyến làm khách Hungary và Anh. "Khủng hoảng nợ của châu Âu đang lan rộng. Niềm tin là thứ quan trọng hơn tiền và vàng. Bây giờ, trong cơn khủng hoảng nợ, chúng tôi mang đến niềm tin cho châu Âu" - ông Ôn Gia Bảo phát biểu ngay khi vừa đến Hungary. Ngôn ngữ chính thức cho chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo là "củng cố và phát triển các mối quan hệ nhiều mặt" với các quốc gia châu Âu. Sự "củng cố và phát triển" các mối quan hệ đó hẳn là không thể dựa trên thứ gì khác hơn những bản thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD. Trong tình hình châu Âu đang vùng vẫy trong cơn "đại hồng thủy" nợ công, những chữ ký của ông Ôn Gia Bảo cho dù là có giá trị vài tỉ hay vài chục tỉ USD cũng đều mang ý nghĩa như những "cọng rơm" hoặc "phao cứu sinh" cho kẻ chết đuối.

Đó là điều đã diễn ra tại Budapest, Hungary hôm 25/6. Ông Ôn Gia Bảo đã khiến cho thị trường chứng khoán Hungary sôi động khi tuyên bố sẽ "mua" lại khoản nợ quốc gia của nước này. Người ta không rõ chi tiết số tiền mua nợ là bao nhiêu, nhưng chắc chắn cũng đủ để giúp Hungary giải tỏa phần nào cơn khủng hoảng hiện tại.

Tại London, Anh, hôm 26 và 27/6, ông Ôn Gia Bảo đã có cuộc tiếp xúc và hội đàm "hết sức bổ ích" với người đồng nhiệm Anh David Cameron. Nước Anh chưa đến nỗi phải "đi vay để trả nợ" như Hungary, nhưng cũng đang rất cần một đối tác kinh tế ngày càng hùng mạnh như Trung Quốc để tìm thêm nguồn tiền đổ vào nền kinh tế đang ì ạch của mình. Trung Quốc là công xưởng và cũng là thị trường khổng lồ cho cả thế giới. Sức hấp dẫn của thị trường cùng với dòng tiền từ giới kinh doanh, đầu tư Trung Quốc hiện đang rất mạnh.

Phát biểu trên BBC News, Thủ tướng Cameron đã không ngần ngại tuyên bố: "Sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc là tin vui cho nước Anh, vì sẽ có thêm nhiều tiền chảy vào nền kinh tế Anh và sẽ tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm và cơ hội đầu tư không chỉ ở Anh mà quan trọng hơn là ở Trung Quốc". Đó là lý do khiến cho cả nền kinh tế nước Anh vui mừng khi Thủ tướng Cameron đặt bút ký kết các thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD hôm 27/6.

Phát biểu trên BBC News, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, sau khi đạt được thỏa thuận "mua nợ" của Chính phủ Hungary, Trung Quốc sẽ tiếp tục làm điều tương tự với các quốc gia châu Âu khác. Đương nhiên, nợ không bao giờ mất đi, mượn của người này để trả cho người kia, rốt cuộc nợ vẫn hoàn nợ. Nhưng các quốc gia châu Âu đang trong cơn khủng hoảng nợ, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Iceland, Italia,… rất cần được giúp đỡ, cho nên sẽ rất vui mừng khi nghe Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố như thế.

Khi chìa bàn tay giúp đỡ ra, Trung Quốc đương nhiên thòng theo một "sợi dây" điều kiện cho mối quan hệ theo ý mình. Đối với châu Âu, điều cần nhất hiện nay là giải quyết khủng hoảng nợ, sau đó có thể nghĩ đến việc phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc đang triển khai chiến lược bành trướng ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới, cho nên xem việc châu Âu nồng nhiệt chào đón ông "chủ nợ mới" như một biểu hiện thành công của "đồng tiền khôn".

Nói như một số nhà bình luận châu Âu, đến một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ sẵn sàng "mua đứt" cả châu Âu. Khi đó, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ bao trùm khu vực, và ảnh hưởng của Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng. Nhưng không chỉ có châu Âu đang bị đồng tiền của Trung Quốc "mua", mà chính nước Mỹ cũng đang là con nợ nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc bằng hình thức trái phiếu chính phủ trị giá với hàng nghìn tỉ USD. Nhiều công ty, nhãn hiệu hàng hóa công nghiệp hàng đầu của nước Mỹ, sau thời gian làm ăn thua lỗ nay cũng đang dần dần sang tay cho các ông chủ mới đến từ Trung Quốc. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi tờ Newsweek trong một kỳ tạp chí ra trong tháng 5/2011 đã phải lên tiếng báo động về sự bành trướng của Trung Quốc tại Mỹ.

Như vậy là sau châu Phi, Nam Mỹ, nay đến lượt châu Âu đang dần dần trôi vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Cho dù ảnh hưởng đó vẫn chưa đủ mạnh để qua mặt Mỹ trên phạm vi toàn cầu, nhưng với cái đà lớn mạnh và sự "khỏe khoắn" lạ thường của kinh tế Trung Quốc trong khi kinh tế thế giới đang có nhiều khó khăn, trục trặc, thì chẳng chóng thì chầy, Mỹ sẽ bị Trung Quốc vượt mặt

  • Văn Trương, CAND (tổng hợp)