Phông chữ

Lẽ đời, đã là nhà văn nổi tiếng, bao giờ họ cũng phải chịu ít nhiều sự quấy rầy của những cây bút bất tài, muốn được "cho mấy lời khuyên" về văn chương, trong khi nhiều người đã biết, đây là lĩnh vực nhọc nhằn, chỉ dành cho những người tâm huyết với nghề và thực sự có tài năng.


Và thế là, để đối phó với cái sự "xin đọc và góp ý" không mấy dễ chịu ấy, nhiều bậc cây đa cây đề trong làng văn thế giới đã thể hiện sự thông minh, dí dỏm của mình qua những câu chuyện vui:

Một lần, nhà lý luận thơ ca có tiếng của nước Pháp là Nicolas Boileau vừa về tới cửa nhà thì đụng phải một cây bút trẻ. Nhận ra Boileau, anh này liền tranh thủ đọc một bài thơ rất dài rồi "Xin ngài cho một vài lời nhận xét về thi phẩm của tôi". Nhìn cây nến gắn ở đầu cây đèn đang cầm trên tay, Boileau buông lời nhận xét:

- Giá trị ư? Vì bài thơ, tôi đã phải đốt mất một cây nến có giá ba xu, trong khi bài thơ của anh thì… một xu cũng không đáng.

Nhà văn lớn của nước Đức là Thomas Mann cũng gặp trường hợp tương tự. Nhưng khác với Boileau, ông chỉ…khuyên:

- Anh nên để thời gian đọc sách nhiều hơn. Như thế, thời gian dành để viết những thứ như thế này sẽ… ít đi.

Nhận được bản thảo nhờ góp ý sửa chữa của một cây bút mới, nhà văn trào phúng Mỹ nổi tiếng Mark Twain đã hài hước soạn thư trả lời, trong đó có đoạn: "Bạn thân mến. Các bác sĩ có danh vị đều khuyên những người làm việc trí óc nên ăn cá vì đó là thứ thức ăn giàu đạm, giúp bồi bổ trí não. Tôi không chuyên sâu vào lĩnh vực này nên không biết bạn cần ăn bao nhiêu cá. Nhưng qua bản thảo bạn gửi, tôi nghĩ, có lẽ hai con… cá voi loại vừa không phải là quá thừa thãi đối với bạn".

Nhà văn Pháp vĩ đại Voltaire được một tác giả bất tài nhờ xem giùm và cho ý kiến về một bản thảo kịch anh ta vừa viết. Đọc xong, Voltaire gặp tác giả và nói với vẻ… băn khoăn:

- Hoàn toàn không khó để viết được một vở kịch như thế này. Cái khó là ở chỗ, phải trả lời tác giả ra sao khi anh ta muốn biết ý kiến của mình về chất lượng vở kịch đó.

Một cây bút trẻ mang theo chiếc cặp to đùng, bên trong đựng đầy bản thảo tìm gặp nhà văn Pháp nổi tiếng Georges Courteline. Rút ra một tập bản thảo trống trơn không có tiêu đề, anh ta ngỏ ý nhờ Courteline đọc và đặt hộ tên cho tác phẩm. Courteline cố kìm cơn bực, hỏi:

- Trong cuốn sách, anh có nói gì đến trống không?.

- Không ạ - Anh nọ đáp.

- Có nói gì đến kèn không?.

- Cũng không ạ.

- Vậy thì tại sao anh không đặt cho nó cái tên "Không kèn không trống" - Đến đây, Couterline mới hạ đòn. Anh nọ chỉ biết gượng cười.

Một lần, có cây bút trẻ thuộc hạng xoàng nhưng mắc bệnh vĩ cuồng tìm gặp nhà thơ kiệt xuất của Ba Lan là Julian Tuwim. Với đôi mắt trũng sâu, tóc tai bờ phờ, anh ta than thở với Tuwim là đã nhiều đêm cảm hứng đến ào ạt trong hồn, khiến các dòng thơ cứ trào ra lai láng. Nhiều đêm anh ta không thể ngủ nổi, phải bật dậy viết gấp một trường ca. Anh ta muốn hỏi nhà thơ đàn anh xem có cách nào chữa được bệnh mất ngủ ấy, bởi anh ta đã bao lần uống thuốc an thần, song mọi sự vẫn không được cải thiện.

Tuwim buông thõng một câu:

- Kinh nghiệm của bản thân tôi: Hễ khi nào mất ngủ vì viết thì cách thức tốt hơn cả là… đọc lại những gì mình vừa viết.

Lại một lần khác, một cây bút trẻ mới tập tễnh vào nghề đã giữ riệt lấy nhà thơ đàn anh Tuwim, buộc ông phải nghe cho hết bản trường ca mới sáng tác của anh ta.

Đọc xong, anh ta xin ý kiến Tuwim, ý chừng muốn chờ nghe một lời khen.

Trầm ngâm hồi lâu rồi Tuwim cũng chậm rãi lên tiếng:

Này anh bạn trẻ. Anh vừa chân ướt chân ráo vào làng văn. Hãy nhớ nằm lòng điều này: Phải cố chờ đến khi thật nổi tiếng mới được cho phép mình viết… dở như vậy

  •   Đỗ Gia Bảo, CAND