Phông chữ

Tuy rời khỏi Việt Nam rất sớm nên Philipp Rösler chưa tiếp cận được văn hóa Việt, nhưng đối với nhiều người Việt ở nước ngoài, ông là một niềm hãnh diện lớn, nhất là đối với nhiều người sống tại CHLB Đức.

Sự thất bại trong các cuộc bầu cử vào quốc hội tại ba tiểu bang Baden-Wüttemberg, Rheinland-Pfalz và Sachsen-Anhalt đã đưa đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) đến một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Westerwelle, chủ tịch đảng FDP, hiện là bộ trưởng Ngoại giao và là phó thủ tướng Ðức, tuyên bố sẽ rút lui trong kỳ đại hội đảng FDP vào tháng 5 tới đây. Sau nhiều lần do dự, Philipp Rösler, bộ trưởng Y tế, tuyên bố sẽ ứng cử chức chủ tịch đảng FDP để “nhận thêm trách nhiệm trong thời gian đảng FDP gặp nhiều khó khăn” và “sẽ dồn tất cả sức và nhiệt tình mà tôi có cho nhiệm vụ này”. Quyết định của ông được các thành viên của ban lãnh đạo đồng nhất ủng hộ trong cuộc họp tại Berlin vào ngày 5-4 vừa qua. Nếu trúng cử, điều mà các nhà quan sát xem như chắc chắn, Rösler sẽ là người thay thế Westerwelle làm chủ tịch đảng FDP và theo truyền thống sẽ là phó thủ tướng trong liên minh chính phủ cầm quyền. Như vậy ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong các quyết định chính trị tại CHLB Ðức. Báo chí Ðức cho rằng, Philipp Rösler là một chính khách có đầu óc rất thực tiễn, hòa nhã và khéo léo trong đối xử.

Philipp Rösler là ai?

Rösler là một chính trị gia Ðức gốc Việt. Ông sinh vào tháng 2-1973 tại Khánh Hưng (Sóc Trăng). Khi mới 9 tháng ông được gia đình người Ðức tên Rösler, sống tại bang Niedersachsen nhận làm con nuôi và đặt tên là Philipp Rösler. Ông bà Rösler ly dị lúc ông được 4 tuổi. Rösler theo cha sống và trưởng thành tại Hannover. Từ lúc nhỏ được giáo dục như một người Ðức. Cha ông từng khuyên nhủ: “Tuy có hình dạng của người châu Á, nhưng con thuộc vào cộng đồng người Ðức”. Ý thức cộng đồng của ông xuất hiện từ lúc còn ở trung học. Nơi đây ông từng là đại diện học sinh cho cả trường. Khi chưa đầy 20 tuổi, Rösler đã gia nhập vào đảng FDP, vì theo ông đây là đảng hợp với ý tưởng xã hội của ông nhất. Sau khi xong tú tài ông làm nghĩa vụ quân sự và theo học y khoa trong quân đội Ðức, rồi sau đó tiếp tục tại trường Cao đẳng Y khoa Hannover và lấy bằng tiến sĩ Y khoa vào năm 2002.

Cuộc đời chính trị của Rösler phát triển cực kỳ nhanh chóng: Năm 2000 được bầu làm thư ký FDP thuộc bang Niedersachsen, một chức vụ quan trọng trong đảng, trưởng nhóm dân biểu FDP trong nghị viện của tiểu bang. Năm 2006, chỉ mới 33 tuổi, Rösler được bầu làm chủ tịch FDP tại Niedersachsen, thay thế ông Walter Hirche, sau 12 năm không ứng cử nữa. Walter Hirche cũng là “người cha chính trị” của ông. Hirche cho rằng, Rösler không thuộc nhóm chính trị gia chỉ muốn tranh giành quyền lực mà là một loại chính khách mới, dễ hòa hợp. Trước khi chuyển về liên bang, ông là bộ trưởng Kinh tế của bang Niedersachsen dưới quyền của thủ hiến Wulff, mà hiện nay là tổng thống của CHLB Ðức. Tháng 10-2009 Rösler lãnh trách nhiệm làm bộ trưởng Y tế trong nội các của bà Angela Merkel. Ông là vị bộ trưởng liên bang trẻ nhất nước Đức vào thời điểm nhậm chức đồng thời là người gốc Việt đầu tiên làm bộ trưởng tại một quốc gia châu Âu.

Do rời khỏi Việt Nam rất sớm nên Rösler chưa tiếp cận được văn hóa Việt, nhưng đối với nhiều người Việt ở nước ngoài, ông là một niềm hãnh diện lớn, nhất là đối với nhiều người sống tại CHLB Đức. Trong chừng mực, Rösler còn là một bằng chứng xác nhận, nước Đức ngày nay đã vượt qua sự kỳ thị những người không gốc Đức.

Các khó khăn đang chờ

FDP có tiếng là đảng thân doanh nghiệp, vì vậy các chính sách của FDP nhằm vào việc bảo vệ quyền lợi của giới này: giảm thuế cho doanh nhân và đòi gia hạn sử dụng các nhà máy phát điện dùng năng lượng nguyên tử. Với mục tiêu này FDP đã đạt được tỷ số cử tri đáng kể trong cuộc bầu cử vào năm 2009 và cùng với CDU thành lập liên minh cầm quyền. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính đã làm mất khả năng giảm thuế của chính phủ, và sau thảm họa tại nhà máy sản xuất điện hạt nhân ở Fukushima, Nhật, số người Đức chống đối dùng loại năng lượng này tăng lên rõ rệt. Ngoài ra việc bộ trưởng Ngoại giao Đức Westerwelle bỏ phiếu trắng trong nghị quyết can thiệp quân sự vào Libya của Liên hiệp quốc cũng đã gây thêm bất mãn của dân chúng Ðức đối với FDP. Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, số phiếu cử tri ủng hộ FDP đã giảm từ con số gần 15% trong cuộc bầu cử liên bang xuống còn 3%. Theo luật CHLB Ðức, đảng nào có tỷ số cử tri ủng hộ dưới 5% sẽ không được đại diện trong Quốc hội và như vậy sẽ bị đào thải ra khỏi chính trường CHLB Ðức. Ðể vực FDP trở lên và gây lại lòng tin của dân chúng Ðức là một việc làm cực kỳ khó khăn.

Nhiều tờ báo tại Ðức cho rằng, Rösler còn quá trẻ, e rằng chưa đủ kinh nghiệm để lèo lái con thuyền FDP trước sóng gió. Trái lại có nhiều chuyên gia tin tưởng, Rösler là loại chính khách mới có nhiều năng lực và có kinh nghiệm tại tiểu bang. Tuy nhiên sự kiện Rösler chưa đẩy ông Rainer Brüderle ra khỏi ghế bộ trưởng Kinh tế mà vẫn giữ bộ Y tế, một bộ được xem là khó khăn, ít có ảnh hưởng chính trị, khiến nhiều người lo ngại. Riêng Rösler rất tự tin “Tôi vào đảng FDP từ 19 năm nay, luôn đấu tranh cho mục tiêu tự do của FDP. Tôi giữ bộ Y tế, vì bộ này mang đến cho tôi nhiều thích thú”.

Tờ báo Spiegel-Online cho rằng, chủ tịch tương lai của FDP muốn chứng tỏ, việc thay đổi lãnh đạo đảng FDP được diễn ra trong không khí ôn hòa, nhưng thật sự đây là một cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai thế hệ, một bên gồm bộ trưởng Ngoại giao Westerwelle và bộ trưởng Kinh tế Brüderle với nhóm trẻ “bộ ba” gồm Rösler, 38 tuổi, Christian Lindner, 32 tuổi, thư ký FDP và Daniel Bahr, 36 tuổi, chủ tịch FDP bang Nordrhein. Trong cuộc phỏng vấn mới đây của tờ F. Rundschau, Gerhard Baum, cựu bộ trưởng Nội vụ Ðức, một nhân vật kỳ cựu của FDP cho rằng, FDP cần làm việc tập thể, mô hình “cá nhân” như trước đây đã không còn thích hợp. Theo ông, Westerwelle nên giao lại bộ Ngoại giao cho tân chủ tịch, có như vậy thì “bộ ba” mới có hy vọng và đủ quyền lực để đưa con thuyền FDP ra khỏi cuộc bão táp.

Hiện nay chưa ai có thể xác định là Philipp Rösler có vượt qua được các khó khăn này hay không, nhưng trễ lắm là vào mùa thu 2013, năm bầu cử Quốc hội Ðức sắp tới, chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác.

Trang Quan Sen, CHLB Ðức, SGTT