Phông chữ

Hơn 100 công ty luật đã đóng góp hơn 45.000 giờ để tham gia dự án đền bù tổn hại cho những nạn nhân sống sót từ cuộc thảm sát người Do Thái hơn sáu thập niên qua.

 

Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc cách đây 66 năm. Đầu năm 2011, những người còn sống sót sau nạn diệt chủng run rẩy điền vào hồ sơ đề nghị đền bù thiệt hại.

Những chữ cái bí hiểm

Victor Stern là nhân viên của Tập đoàn Công nghệ Hoa Kỳ (UTC) đã về hưu, hiện là nhà tư vấn. Khi còn là một cậu bé ở khu Brooklyn, New York, Stern từng hỏi bố hai chữ “KL” trên hình xăm nơi cổ tay trái của bố có nghĩa là gì. “Kiss Libby”, bố cậu cười và trả lời, nói đó là tên của mẹ cậu.

Nhiều năm sau, Stern tìm ra ý nghĩa thực sự đằng sau các chữ cái nung vào da thịt cha mình trong một kỳ trại hè của người Do Thái ở vùng ven phía Bắc New York khi bố ông lần đầu tiên công khai sự thật về nạn thiêu người hàng loạt dưới thời Đức quốc xã. Hóa ra, “KL” là các chữ cái viết tắt của “Konzentrationslager” - trại tập trung.

Khi trưởng thành, Stern hiểu được “món quà” mà cha mẹ tặng cho ông khi ông còn là một đứa trẻ. “Với những người còn sống sót sau nạn thiêu người hàng loạt hoặc bất cứ người nào đã trải qua cơn chấn động tinh thần, bạn sẽ không kể với con cái của mình về thảm trạng đó vì bạn không muốn chúng cảm thấy nỗi đau đớn mà bạn đã nếm trải” - Stern nói. Và đó chính là thời kỳ lịch sử mà gần đây Stern phải thuật lại một cách tường tận khi ông tìm cách giúp đỡ mẹ mình đòi Chính phủ Đức bồi thường thiệt hại cho những năm tháng bà và chồng mình đã phải lao động khổ sai cho Đức quốc xã trong các khu Do Thái.

Luật sư Andrew Zeitlin (trái) đang giúp khách hàng làm đơn gửi chính phủ Đức. Ảnh: CTLAWTRIBUNE.COM

Mẹ ông Stern là một người Do Thái Rumani, bị trục xuất khi chưa tới 20 tuổi, trôi dạt đến Transnistria, vùng biên giới giáp Ukraina. Bà sống cùng với cha mẹ mình trong một khu Do Thái ở thị trấn Shargorod do Đức kiểm soát. Ba năm sau đó, bà chứng kiến cha mẹ mình (tức ông bà ngoại của Stern) chết thảm vì bệnh sốt, thân thể nổi đầy những đốm đỏ tím.

Trong khi đó, bố của Stern mới 16 tuổi đầu đã phải quán xuyến gia đình khi ông nội Stern phải đào thoát khỏi Ba Lan, qua Nga vì bọn Đức lùng bắt những người đàn ông khỏe mạnh. Bố Stern đưa mẹ, chị gái đến ở với bà tại Krakow, rồi sau đó cùng vào khu Do Thái ở Gorlice. Nơi đây, bố Stern bị xếp vào nhóm thợ làm đường và xây dựng trại lính. Sau đó, ông bị chuyển đến trại tập trung Mielec ở miền Nam Ba Lan, rồi lại bị đẩy lên xe lửa đến trại tử thần Auschwitz (cũng ở miền Nam Ba Lan, nay là bảo tàng chứng tích chiến tranh). Nhờ học về sản xuất máy bay tại Mielec, cha Stern không bị đến trại Auschwitz mà được chuyển đến trại tập trung Flossenbürg gần biên giới Czech. Ở đó, ông và các tù nhân đang thoi thóp phải lao động khổ sở cho đến khi họ được quân đội Mỹ giải thoát. Bố mẹ Stern gặp nhau ở Ý sau chiến tranh và đưa nhau đến định cư ở Brooklyn, New York.

Theo bố của Stern, sự chết chóc do nạn thiêu người gây ra nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Mẹ và em gái ông đã bị Đức quốc xã giết; anh trai của ông may mắn sống sót vì ông này lặn lội đến vùng đất mà sau Chiến tranh thế giới thứ hai được người ta biết tới với tên gọi là Israel. Nhiều năm về sau, Stern phát hiện ra rằng hai người cô và một người chú của bố ông được ngài Oskar Schindler cứu. Nhà công nghiệp này đã có công cứu 1.200 người Do Thái khỏi các trại tập trung bằng cách thuyết phục bọn Đức rằng ông cần họ vào làm việc trong nhà máy sản xuất vũ khí của ông ở Krakow.

Chính phủ Đức chấp thuận đền bù

Cuối năm 2007, chính phủ Đức thiết lập một chương trình nhằm bồi thường cho những người Do Thái sống sót từng lao động “tự nguyện” trong các khu tập trung do Đức kiểm soát trong thế chiến II. Theo chương trình này, các nạn nhân nộp đơn đề nghị được thanh toán một lần với mức tiền 2.000 euro. Những người thuộc diện này hầu hết đã già yếu, sống buồn tủi.

Ảnh cưới cha mẹ Stern. (Ảnh: Gia đình cung cấp cho Ctlawtribune.com)

Theo Zeitlin, luật sư tại Công ty Luật Shipman & Goodwin, cái gọi là tiền đền bù thiệt hại này có ý nghĩa về mặt tinh thần, một sự tưởng nhớ, thương cảm. “Không thể nào bù đắp nổi cho những gì mà những người bất hạnh kia đã trải qua. Tại sao họ không nhận được lợi ích mà họ đáng được nhận? Họ đáng được giúp đỡ” - ông nói.

Cho đến đầu năm 2011, đã có trên 100 công ty luật lớn nhỏ với hàng ngàn luật gia, luật sư, chuyên gia pháp lý tham gia dự án, đóng góp trên 45.000 giờ phục vụ nạn nhân sống sót từ cuộc thảm sát Do Thái hơn sáu thập niên trước. Để giúp khách hàng hiệu quả, các luật sư - tình nguyện viên được tham gia các lớp tập huấn chuyên đề để giúp nạn nhân làm rõ hai yếu tố: địa chỉ khu Do Thái mà họ từng ở và lao động, tính chất của công việc.

Về cơ bản, chính phủ Đức đã chấp thuận, phê duyệt các tờ đơn đề nghị đền bù, trong đó họ ưu tiên cấp cho những người có thu nhập thấp trước. Mới đây, một tờ báo của Mỹ đưa tin: Những khách hàng từng bị bác đơn theo tiêu chuẩn khắt khe trước đây có thể được nhận đền bù vào năm nay và một khoản bù tính từ ngày nộp đơn lần đầu. Họ có thể nhận 3.000 USD một lần hoặc nhận trợ cấp theo tháng.

Những mất mát không thể đền bù

Đối với Stern và gia đình, xin trợ cấp không phải là phương cách duy nhất hoặc chủ yếu để giáp mặt với lịch sử. Bố mẹ của Stern rốt cuộc cũng viết sách kể lại những trải nghiệm kinh hoàng của mình. Cuốn sách này được xuất bản ngay tại Đức. Một trong những người con gái của Stern hiện là nhà làm phim ở Đức, cô này sản xuất một bộ phim tài liệu đoạt giải thưởng vào năm 2003 có nhan đề “Terezín, 1944”. Bộ phim mô tả thân phận những đứa trẻ trong các trại tập trung dưới thời Đức quốc xã.

Thấm thoát cái ngày trại tập trung Flossenbürg được giải phóng đã vèo trôi hơn nửa thế kỷ. Chính tại nơi đó, Stern và anh trai dìu cha già tham dự một buổi lễ tưởng niệm đầy xúc động do chính phủ Đức tổ chức. Những người may mắn vượt qua cái chết giờ có dịp gặp nhau để cùng nâng cốc bia Bavaria trong niềm thổn thức.

“Bố tôi không ghét người Đức. Ông đã dạy tôi không ghét người Đức. Tuy nhiên, nỗi buồn đau vẫn còn đó, rất thật”, Stern nói về bố mình: “Ông ấy bị dày vò đến tàn kiệt bởi không thể nào tha thứ cho mình vì đã để mẹ và em gái chết thảm. Chúng tôi đã nói rằng đó đâu phải là lỗi của bố. Nhưng không gì có thể làm bố tôi nguôi ngoai, bởi chính ông đã nhìn thấy bà tôi và cô tôi ở trên tàu lửa, trên ôtô chở súc vật trong cuộc hành trình khổ nạn đến trại tập trung. Nhiều năm sau, dường như cha tôi không ngừng đi tìm em gái của mình, khổ nỗi người mà ông đi tìm là một cô gái 19 tuổi cách đây trên 60 năm, nếu còn sống thì giờ đã là một bà lão hơn 70 tuổi rồi còn gì”.

Tại Flossenbürg, một đài tưởng niệm của người Do Thái được dựng lên, trên đó có một chữ khắc vào tim của những người sống sót: Zachor (tiếng Do Thái, có nghĩa là nhớ).

Victor Stern (giữa) đang được các luật sư tư vấn làm đơn đòi bồi thường cho mẹ. Ảnh: CTLAWTRIBUNE.COM

Một dự án quốc gia vì cộng đồng được xúc tiến vào năm 2008 vì các luật sư muốn giúp đỡ những người sống sót. Trong nỗ lực đó, Công ty Dịch vụ pháp lý Bet Tzedek (có trụ sở tại Los Angeles) tích cực, đi đầu triển khai hoạt động trợ giúp ở 30 thành phố của Mỹ, những người Do Thái ở Canada và Úc nếu liên hệ cũng được giúp đỡ tận tình. Ngoài Bet Tzedek là các công ty luật như Shipman & Goodwin, Cohen và Wolf, PC của Trường ĐH Bridgeport, bang Connecticut, Day Pitney và cả Công ty Bảo hiểm Aetna. Năm 2009, tổ chức tìm kiếm công lý cho những người sống sót từ nạn thiêu người giành giải thưởng Vì cộng đồng, một trong những giải thưởng có uy tín nhất do Hiệp hội Luật sư Mỹ (ABA) trao tặng.

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Theo Ctlawtribune.com, Bettzedek.org)