Phông chữ

Đạo diễn Vương Toàn An đã đoạt Gấu Vàng, giải thưởng cao quý nhất liên hoan Berlin vào năm 2007, nhờ bộ phim mang tựa đề Đám cưới của Đồ Nhã. Lần này, ông trở lại Berlin với tác phẩm Đoàn Viên nói về sự ngăn cách vợ chồng, thân phận con người trong thời chiến.

 

 

Liên hoan phim Berlin sắp sửa kết thúc ngày 20 tây tháng 2. Trong những ngày vừa qua, khán giả đã từng được dịp xem các bộ phim thuộc nhiều thể loại khác nhau với chất lượng không đồng đều. Liên hoan Berlin đã từng trao giải Gấu vàng cho 3 đạo diễn Trung Quốc, đó là Trương Nghệ Mưu, Tạ Phi và Vương Toàn An. Để mừng sinh nhật lần thứ 60, ban tổ chức đã mời một số gương mặt đã từng có mặt trên bảng vàng đến tham gia liên hoan năm nay. Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ thủ đô nước Đức.        


‘‘Tại Berlin, giới yêu chuộng xinê có thể khám phá tác phẩm mới của hai đạo diễn Trung Quốc là Vương Toàn An và Trương Nghệ Mưu. Chính bộ phim Đoàn Viên cuả đạo diễn Vương Toàn An đã được chọn để trình chiếu trong buổi lễ khai mạc liên hoan Berlin. Quyết định này của ban tổ chức đã gây tranh luận, bởi vì theo thông lệ, liên hoan Berlin thường chọn mở đầu với một bộ phim có thành phần diễn viên quốc tế nổi tiếng. Một cách để thu hút các ống kính nhiếp ảnh truyền hình khi các ngôi sao điện ảnh bước lên bục trải thảm đỏ.

Đạo diễn Vương Toàn An đã đoạt Gấu Vàng, giải thưởng cao quý nhất liên hoan Berlin vào năm 2007, nhờ bộ phim mang tựa đề Đám cưới của Đồ Nhã. Trước Vương Toàn An, liên hoan Berlin đã từng trao giải này cho đạo diễn Trương Nghệ Mưu vào năm 1988. Trương Nghệ Mưu giành được Gấu vàng nhờ bộ phim Cao lương đỏ. Giới phê bình điện ảnh đều công nhận rằng liên hoan Berlin đã phát hiện sức bật của điện ảnh châu Á nói chung, điện ảnh Trung Quốc nói riêng với tác phẩm đầu tay của Trương Nghệ Mưu và truớc đó nữa là bộ phim Hoàng Thổ của đạo diễn Trần Khải Ca.

Do liên hoan Berlin năm nay ăn mừng sinh nhật năm chẳn, cho nên ban tổ chức đã muốn mời lại một số gương mặt đã từng đánh dấu liên hoan. Về phần mình, đạo diễn Nhật Bản Yoji Yamada là người có vinh dự bế mạc liên hoan. Sau khi hoàn tất hơn 80 bộ phim, tác phẩm mới cuả ông với tựa đề Otouto được chọn để trình chiếu trong buổi lễ bế mạc liên hoan Berlin lần thứ 60’’.  

Nữ diễn viên Dư Nam và đạo diễn Vương Toàn An nhận giải Gấu Vàng  2007 (DR)

Nữ diễn viên Dư Nam và đạo diễn Vương Toàn An nhận giải Gấu Vàng 2007 (DR)

 

Trong số các liên hoan quốc tế hàng đầu, Berlin được xem là nơi đầu tiên phát hiện ra sức bật của nền điện ảnh châu Á, không kể đến Nhật Bản. Nếu như liên hoan Cannes trao giải Cành cọ vàng vào năm 1993 cho bộ phim Hạng Võ biệt Ngu cơ thì ít nhất là vài năm trước đó, Berlin đã bắt đầu chú ý đến các đạo diễn Hoa Lục thuộc thế hệ thứ 5, họ sẽ mở đường sau đó cho các đạo diễn Đài Loan Hàn Quốc và Thái Lan. Ông Dieter Koslick, giám đốc liên hoan Berlin nói về điện ảnh châu Á và  ý nghĩa của ngày sinh nhật lần thứ 60.  

‘‘Liên hoan Berlin đã khám phá ra điện ảnh châu Á vào cuối những năm 1980 và đã giới thiệu với khán giả Tây phương, nền điện ảnh Trung Hoa , hiểu theo nghĩa rộng nhất, tức là gồm cả Trung Hoa L ục Điạ, Hồng Kông và Đài Loan. Sự kiện Berlin trao giải Gấu vàng cho bộ phim Cao lương đỏ Trương Nghệ Mưu đã thu hút sự chú ý cuả giới truyền thông đến nền điện ảnh châu Á.

Trước thời điểm này, các bộ phim châu Á đoạt giải liên hoan phim quốc tế toàn là phim Nhật Bản. Kể từ cuối những năm 1980 trở đi, người ta mới băt đầu thấy xuất hiện trên bảng vàng các liên hoan quốc tế, phim đến từ các nước châu Á khác. Năm nay, đạo diễn Trương Nghệ Mưu trở lại Berlin với một bộ phim hài. Ông đã nhận lời ngay khi được biết là liên hoan năm nay tổ chức  sinh nhật năm chẳn. Chúng tôi cũng đã mời một đạo diễn Trung Quốc khác là Vương Toàn An đến Berlin lần này. Vào năm 2007, bộ phim của Vương Toàn An đã gây nhiều ấn tượng cho giới phê bình lẫn khán giả. Kỳ này, tác phẩm mới của Vương Toàn An cũng được đón nhận nồng nhiệt.  

Riêng về cuộc tranh luận xung quanh vấn đề vì sao phim này được chọn để trình chiếu trong lễ khai mạc, thì theo tôi nghĩ bộ phim Đoàn Viên cuả Vương Toàn An rất hợp với thời sự. Cũng cần biết rằng thủ đô nước Đức vào cuối tháng 11 vừa qua đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ. Trong phim Đoàn Viên, đạo diễn Vương Toàn An cũng nói về sự ngăn cách chia ly giữa một cựu quân nhân định cư ở Đài Loan và người yêu cuả nhân vật này còn sống ở Hoa Lục. Ngăn cách để rồi đoàn tụ, để rồi nối lại đối thoại sau bao nhiêu năm liên lạc bị cắt đứt.

Tôi nhận thấy ý nghĩa của bộ phim này rất hợp với tinh thần cuả liên hoan Berlin, bắt nhịp cầu và mở đối thoại. Cũng như đạo diễn Roberto Begnini đã từng tuyên bố : ở nơi khác, ngưòi ta nhắc đến sự chia cắt giữa hai miền Nam-Bắc, chỉ có ở thành phố Berlin thì người ta mới nói về sự ngăn cách Đông-Tây. Nhìn lại khoảng thời gian đã qua, liên hoan Berlin lúc nào cũng muốn mở đối thoại giữa hai khối. Trong chiều hướng đó, bộ phim Đoàn Viên cuả đạo diễn Vương Toàn An hoàn toàn xứng đáng được chọn để khai mạc liên hoan’’.  

Trong những ngày đầu trinh chiếu các tác phẩm tranh giải Gấu Vàng, bộ phim Đoàn Viên của Vương Toàn An đã gây khá nhiều ấn tượng nơi khán giả. Nội dung bộ phim này là như thế nào ? Thông tín viên Sophie Torlotin tường trình từ Berlin.   

"Bộ phim Trung Quốc Đoàn Viên tựa tiếng Anh là Apart Together mở đầu chương trình tranh giải Gấu vàng năm nay. Đây là một bộ phim tâm lý xã hội, lồng vào bối cảnh lịch sử Trung Hoa. Bộ phim kể lại câu chuyện của Lưu Nghiêm Sinh, một cựu quân nhân và cũng là thành viên Quốc Dân Đảng. Vào năm 1949, vào lúc quân đội Tưởng Giới Thạch tháo chạy, trước đà tiến cuả quân đội Mao Trạch Đông, ông Lưu Nghiêm Sinh bỏ Thượng Hải chạy sang Đài Loan. Ông để lại ở đằng sau người vợ và cũng là mối tình đầu đời cuả mình.

Một thời gian dài sau đó, ông trở lại Hoa Lục để tìm lại người vợ, mà ông đã phải xa cách hàng chục năm trời. Ông đến Thượng Hải với ý định đưa vợ trở về Đài Loan theo diện đoàn tụ gia đình. Nhưng kế hoạch này bị cản trở khi ông phát hiện ra bà đã lập gia đình với một người đàn ông khác. Bà cụ tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn bị giằng xé trong nội tâm giữa một bên là người chồng cũ và bên kia là cuộc sống gia đình hiện tại cuả mình.

Dưới dạng phim tình cảm tâm lý, Đoàn Viên không chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình, vơí nhiều tình tiết éo le gay cấn, mà còn là một bộ phim lịch sử. Chủ đề thời gian làm phai nhoà ký ức cuả con người cũng quan trọng không kém, cảnh vật sinh động có thể vẫn còn đó nhưng không thể nào giống như những kỷ niệm tồn đọng trong ký ức. Trong phim này, ít có cảnh hồi tưởng nhưng vẫn phác họa được cái bối cảnh lịch sử Trung Hoa và lồng vào đó là thân phận con người lạc loài thời chinh chiến : gia đình ly tán, vợ chồng xa nhau, con cái lạc bầy.

Về điểm này, đạo diễn Vương Toàn An tiết lộ là ông đã xem nhiều bộ phim tài liệu truyền hình nói về các cựu chiến binh. Các đoạn phim mà qua đó những người lính nhắc lại kỷ niệm gia đình trường lớp thời niên thiếu, hay những mối tình đầu đời cuả họ khiến cho đạo diễn Vương Toàn An vô cùng cảm động, và gợi hứng cho ông bắt tay thực hiện bộ phim Đoàn Viên’’.

Tại liên hoan Berlin, có thể nói là bộ phim Đoàn Viên của Vương Toàn An đã gây tiếng vang lớn, khán giả ở Đức có thể tự bắt gặp mình khi xem nội dung cốt truyện. Thử hỏi, có bao nhiêu gia đình ở Đức cũng lâm vào cảnh ngăn cách khi thành phố này bị phân chia ra làm đôi. Đoàn Viên là câu chuyện cuả những con người bị lôi cuốn dù không muốn vào giòng lịch sử để rồi số phận của họ khi thì bị nghiền nát, lúc thì kết thúc có hậu hơn.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu (DR)
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu (DR)

Liên hoan Berlin 2010 cũng đánh đánh dấu ngày trở lại của đạo diễn Trương Nghệ Mưu sau 4 năm vắng bóng. Tác phẩm mới của ông có tựa đề A simple noodle story (tựa tiếng Việt từng được dịch thành Tam thương phách án kinh kỳ) xen kẽ hai thể loại phim hài và kinh dị được chuyển thể từ bộ phim nguyên gốc của hai anh em đạo diễn Joel và Ethan Coen Blood Simple.

Bộ phim kể lại câu chuyện của một ông điền chủ tình nghi vợ mình ngoại tình nên mới thuê người đi theo dõi. Người này nhận được lệnh là nếu bắt gặp quả tang, thì có quyền giết vợ của ông điền chủ với tình nhân của bà. Tên giết mướn tuy không phải là dân chuyên nghiệp nhưng lại có lòng tham nên mới lập mưu kế để tước đoạt luôn tài sản của ông điền chủ và giết đi những nhân chứng có thể gây bất lợi cho hắn.

Bộ phim của Trương Nghệ Mưu đã làm cho nhiều khán giả tại liên hoan Berlin hơi thất vọng, trước hết vì tác phẩm này không có gì trội hơn nguyên tác của nhà đạo diễn Mỹ Coen, tác phẩm của họ đầy tính châm biếm trào lộng với những nụ cười mỉa mai cay độc. Phim của Trương Nghệ Mưu hơi bị lệch về phim hài, tuy cũng có những màn ghê rợn nhưng lại gần giống với  phim được khai thác trong mùa Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc.

Vào tối mai (20/2), liên hoan Berlin sẽ trao các giải thưởng qaun trọng nhất trong buổi lễ bế mạc. Liên hoan năm nay không chỉ quan tâm đến điện ảnh châu Á mà còn giành vị trí quan trọng cho các đạo diễn kỳ cựu như Martin Scorsese (phim Shutter Island với Leonardo Di Capprio trong vai chính) và đạo diễn Roman Polanski (với phim The Ghost Writer), và một số gương mặt khác đã từng có mặt trên bảng vàng như đạo diễn Michael Winterbottom hay Rob Epstein. Theo các dự đoán, cho tới giờ phim của Vương Toàn An hy vọng có mặt trên bảng vàng, nhưng ở các hạng mục khác chứ không phải là giải Gấu vàng.

Theo các thông tín viên tại chỗ, sau ba ngày đầu trình chiếu các tác phẩm tranh giải Gấu vàng đầy ấn tượng, liên hoan Berlin lần thứ 60 nhìn chung không hẳn là một mùa bội thu với những tác phẩm điện ảnh hàng đầu. Rất nhiều tác phẩm năm nay tập trung khai thác chủ đề quan hệ trong gia đình, nhưng nổi bật hơn cả là khi những câu chuyện đó lại phác hoạ được toàn cảnh xã hội.

Về điểm này, hai tác phẩm được xem là đậm nét chính trị là Sherkarchi (tạm dịch Người Thợ Săn) của đạo diễn người Iran lưu vong Rafi Pitts, nói về lớp trẻ ở thành thị Iran không còn tin tưởng vào chế độ các giáo chủ, cho dù từ nhỏ đến lớn, họ chỉ nghe nhắc đi nhắc lại các khẩu hiệu tuyên truyền về cuộc Cách mạng Hồi giáo. Tác phẩm thứ nhì là Bal (tạm dịch là Trẻ thơ) của đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Semih Kaplanoglu, nói về quan hệ trong gia đình và xa hơn nữa là quan hệ trong xã hội trogn ánh mắt của một đứa bé 6 tuổi.   

Trong những năm gần đây, giải Gấu vàng thường gây khá nhiều bất ngờ vì thường về tay các nhà đạo diễn ít nổi tiếng nếu không nói là chẳng ai biết mặt. Có nhiều tác phẩm mà khi được trình chiếu tại liên hoan đã không gây nhiều tiếng vang nơi giới phê bình lẫn khán giả, nhưng chính các tác phẩm ‘‘ít có triển vọng’’ này lại được ban giám khảo chuộng hơn cả, điển hình như trường hợp của bộ phim The Milk of Sorrow của đạo diễn người Peru Claudia Llosa, đoạt giải Gấu Vàng năm trước.