Phông chữ

Ông Hans-Georg Maassen, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Nội địa Đức (BfV), hiện bị chính cơ quan này điều tra về âm mưu ám sát Thủ tướng Olaf Scholz.


Foto: Ông Hans-Georg Maassen vào thời điểm còn là giám đốc Cơ quan Tình báo Nội địa Đức


 

Bild hôm 16.8 đưa tin cơ quan tình báo Đức được cho đang mở cuộc điều tra đối với cựu giám đốc Hans-Georg Maassen về sự liên quan trong âm mưu của cánh hữu nhằm ám sát Thủ tướng Scholz.

BfV đề nghị Cảnh sát Liên bang Đức (BKA) cung cấp dữ liệu về ông Maassen trong quá trình BKA thực hiện cuộc điều tra của họ. Ông Maassen là lãnh đạo BfV trong giai đoạn 2012-2018.

Phía tình báo muốn làm rõ nội dung đằng sau cuộc điện thoại giữa ông Maassen và một nhân chứng trong vụ phong trào "Reichsbürgers" bị tình nghi âm mưu đảo chính.

Tháng 12.2022, cảnh sát Đức tiến hành truy bắt và giam giữ 25 nghi phạm trong các cuộc đột kích diễn ra tại nhiều khu vực của nước này.

Các nghi phạm tồn trữ vũ khí và lên kế hoạch ập vào trụ sở quốc hội ở Berlin và giết Thủ tướng Scholz. Thủ lĩnh của phong trào "Reich Citizens" được là ông Heinrich XIII, người tự xưng là hoàng tử của triều đại Reuss từng cai trị vùng đất rộng lớn ở miền đông nước Đức. Phong trào lên kế hoạch đưa ông Heinrich XIII lên nắm quyền ở Đức nếu cuộc đảo chính thành công.

"Reichsbürger" cho rằng nước Đức sau thế chiến thứ hai không phải là một quốc gia có chủ quyền và thành lập tổ chức khủng bố với âm mưu "đảo ngược trật tự nhà nước hiện có" ở nước này.

Nhân chứng trong vụ việc nói rằng đã gọi điện cho ông Maassen sau khi căn hộ mình đang ở bị lục soát.

Ông Maassen tỏ ra giận dữ khi biết về cuộc điều tra, đồng thời cáo buộc cuộc điều tra (nếu có) là bằng chứng cho thấy BfV không còn là cơ quan bảo vệ Hiến pháp mà bị chính phủ biến thành công cụ trừng trị những người chỉ trích chính phủ.

Chiến dịch đột kích được tổ chức sau 4 năm kể từ khi ông Maassen bị Bộ trưởng Nội vụ lúc đó là ông Horst Seehofer sa thải sau một bê bối lớn liên quan đến tình trạng bạo lực đối với người di dân.

Theo Thụy Miên, thanhnien