Phông chữ

Với tốc độ triển khai chủng ngừa COVID-19 tại châu Âu chậm trễ, nhiều người Mỹ đã lên kế hoạch quay về quê hương để tiêm vacicne.


Foto: Một trung tâm tiêm chủng tại sân bay Tempelhof ở Berlin bắt đầu hoạt động từ 8/3. Ảnh: Getty Images


Khi đại dịch toàn cầu bùng nổ vào tháng 3/2020, nhà văn Eric Barry đang ở Ecuador tìm ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết của mình. Trong 12 tháng sau, ông tìm một chỗ ổn định mới tại Berlin (Đức) để học bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, tại đây, ông đối mặt với vô vàn thách thức, trong đó tiếp cận hệ thống y tế khó khăn và không biết lúc nào mới được tiêm vaccine ngừa COVID-19, khiến bản thân lo ngại khi sống xa quê hương – vùng Vịnh California (Mỹ).

Nghe được một người bạn đã lên đường trở về Mỹ để tiêm vaccine, Barry cũng lên kế hoạch về Mỹ để có được mũi tiêm vaccine đầu tiên trong thời gian sớm nhất.

“Trong một hội nhóm trên Facebook, tôi bắt đầu chứng kiến làn sóng người Mỹ trở về nước, và tôi đã nghĩ, đây có lẽ là điều mình muốn làm”, Barry chia sẻ với phóng viên hãng tin CNN trước khi lên chuyến bay kéo dài hơn 30 tiếng đồng hồ đến California. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, khi tôi rời Mỹ đến Đức, với lời hứa về một cuộc sống với hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn, chưa đầy một năm sau tôi quay trở lại Mỹ để chăm sóc sức khỏe”.

Đó dường như là tâm lý ngày càng gia tăng ở những người Mỹ sống ở nước ngoài - đặc biệt là những người sống tại châu Âu cảm thấy hụt hẫng trước các chiến dịch triển khai vaccine mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá trong một báo cáo gần đây là "chậm đến mức không thể chấp nhận được” tại các quốc gia ở "Lục địa già".

Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ 10% dân số châu Âu được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Trong khi đó, nhiều quốc gia bao gồm cả Đức và Pháp vẫn đang trong tình trạng áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Ở bên kia Đại Tây Dương, các bang của Mỹ đã mở rộng việc tiêm vaccine cho tất cả người trưởng thành trên 16 tuổi. Mỹ tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số liều vaccine được tiêm trong ngày. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đến cuối tháng 5, nước này sẽ đạt được mục tiêu đủ vaccine cho bất kỳ người nào cần.

Mindy Chung cùng chồng và đứa con trai nhỏ tuổi là một trong số những người vừa từ Berlin trở về Mỹ gần đây để tiêm vaccine. Tại Đức, bác sĩ của bà cho biết bà không thể tiêm vaccine sớm mặc dù bà có có bệnh lý nền và là đối tượng được ưu tiên.

“Đó là khoảnh khắc chúng tôi nhận ra không thể ở tiếp Đức như thế này”, bà Chung chia sẻ.

Sau một vài ngày hạ cánh xuống California cách đây một tuần, hai vợ chồng bà Chung đều đã đặt được lịch tiêm vaccine.

“Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi trải qua quy trình kiểm tra và nhận được mũi tiêm đầu tiên. Chúng tôi cảm thấy có thêm một lớp bảo vệ trong người”, bà Chung nói.

Đối với một số người Mỹ ở nước ngoài có bệnh lý nền, quyết định trở về Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu vẫn hoành hành quả là điều không dễ dàng. Ali Garland – một blogger chuyên về du lịch sống tại Berlin – cho biết mặc dù cô ấy mắc bệnh tự miễn dịch khiến cô ấy được xếp vào nhóm ưu tiên cao hơn để tiêm vaccine, nhưng vẫn chưa rõ khi nào thì việc chủng ngừa của cô ấy tại Đức thực sự xảy ra. Mốc thời gian để chồng cô tiêm phòng có thể kéo dài đến năm 2022.

Tuy nhiên, những rủi ro cô phải đối mặt khi trở về Mỹ, như ra sân bay đông người, tìm một chỗ ở trong thời gian ngắn tại Mỹ đã khiến vợ chồng cô chần chừ. Cho đến giờ, họ vẫn chỉ ngán ngẩm ngồi “chờ và đợi” đến lượt tiêm ở Berlin.

Eileen Cho, một nhà văn tự do sống ở Paris quê tại bang Seattle (Mỹ), lại lo sợ không thể trở về Pháp sau khi sang Mỹ tiêm vaccine. Cô đã sống tại Paris suốt 6 năm nay và coi đây là ngôi nhà của mình. Thông tin về việc những người nước ngoài bị tịch thu thẻ cư trú khi về biên giới Pháp đã khiến Cho do dự trong quyết định quay trở về Mỹ để tiêm vaccine.

Cho nói rằng cô ấy bị hen suyễn nặng và nếu tình hình không cải thiện vào tháng 6, cô ấy có thể đáp chuyến bay về Mỹ để tiêm chủng.

 “Tất cả bạn bè của tôi đều đã được tiêm phòng hoặc được đặt lịch tiêm. Tôi rất mừng cho họ. Với tình hình đang diễn ra ở châu Âu, tôi cảm thấy như không còn hy vọng”, Cho ngậm ngùi chia sẻ.

Bảo Hà/Báo Tin tức