Phông chữ

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu sang EU, và là cửa ngõ trung chuyển quan trọng hàng hóa Việt Nam sang thị trường khác ở châu Âu.


Foto: Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)


Kết nối thương mại và đầu tư vào Bremen (Đức) là cửa ngõ quan trọng giúp doanh nghiệp tiến sâu vào thị trường nước Đức nói riêng và EU nói chung.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ tại “Hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư với Bremen - Trung tâm logistics cung ứng hàng hóa ở châu Âu” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 31/3.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC, cho biết trong những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp đôi, tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, đạt trên 10 tỷ USD. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, thương mại hai chiều vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.

Tính đến tháng 2/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Đức ước đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về đầu tư, Đức đang đứng thứ 18 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hơn 300 doanh nghiệp Đức với 361 dự án đang được triển khai trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo… với tổng giá trị vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có 35 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 250 triệu USD trong các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, tin học, nhà hàng, khách sạn…

Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đức hiện là bạn hàng lớn, đồng thời cũng là quốc gia có nhiều dự án đầu tư trọng điểm tại thành phố như Tuyến tàu điện ngầm (Metro) số 2, Trường Đại học Việt-Đức, Trường Quốc tế Đức…
Dau tu vao Bremen giup doanh nghiep Viet tien vao thi truong Duc, EU hinh anh 2Bà Hoàng Thị Hương, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển kinh tế bang Bremen ở Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Bà Hoàng Thị Hương, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển kinh tế bang Bremen ở Việt Nam (BremenInvest), cho biết bang Bremen có hai thành phố là Bremen và Bremerhaven. Nếu như Bremen được coi là chìa khóa vào nước Đức, Bremerhaven lại được coi là cửa ngõ ra thế giới. Thành phố Bremen tuy nhỏ nhưng có vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp hàng hải của nước Đức và châu Âu.

Cảng Bremen là đầu mối quan trọng cho thương mại xuyên lục địa và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng hải châu Âu. Đây là nơi có cảng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai nước Đức và trung tâm phân phối hàng số một ở Đức và châu Âu. Trong khi đó, thành phố Bremerhaven là cảng cá số một trên thế giới và có cầu cảng container dài nhất thế giới.

Theo bà Hoàng Thị Hương, Bremen cũng là trung tâm công nghiệp hàng đầu của nước Đức và châu Âu với các ngành công nghiệp hiện hữu bao gồm: công nghiệp xe hơi và tự động hóa; vận tải biển, logistics và khai thác kinh tế biển; công nghiệp hàng không vũ trụ; điện gió, năng lượng tái tạo; chế biến thực phẩm thủy hản sản, đông lạnh và đồ uống; số hóa và công nghiệp 4.0; giáo dục và nghiên cứu phát triển; start-ups…

Bà Nguyễn Thị Hào Hoa, Giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn Karl Gross Logistics, cho biết nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Bremen trở thành thương cảng container lớn thứ tư ở châu Âu, có khả năng tiếp nhận một khối lượng hàng hóa khổng lồ giao dịch và vận chuyển đến và đi.

“Lợi thế của Bremen là có hạ tầng kho bãi logistics rất phát triển với hơn 1 triệu m2 kinh doanh kho bãi, hơn 1.000 công ty tại Bremen đang kinh doanh trong lĩnh vực logistics, từ vận tải biển, kho bãi, chuyên chở, làm hàng, đại lý tàu biển, vận tải đường sắt, hàng không, dịch vụ logistics, thăm dò khai thác, vận tải siêu trọng, hoạch định và lắp đặt văn phòng, dịch vụ tư vấn,... Nhờ đó, các doanh nghiệp kết nối đầu tư, thương mại tại Bremen được cung cấp các giải pháp logistics chuyên biệt, phù hợp với những lĩnh vực kinh doanh riêng và tiện ích tối ưu,” bà Nguyễn Thị Hào Hoa phân tích.

Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư kinh doanh tại Bremen, ông Vũ Hoàng Nam, Giám đốc Công ty NPT International Supply GmbH, cho biết hệ thống thủ tục đầu tư kinh doanh Bremen nói riêng và Đức nói chung nhìn vào rất phức tạp nhưng thực tế thực hiện lại rất nhanh gọn, doanh nghiệp có thể đăng ký online và được các cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ nhiệt tình.

Một ưu điểm của Bremen là khi thành lập doanh nghiệp không cần số vốn đăng ký quá lớn, và có nhiều dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bremen có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt để đầu tư, kinh doanh, học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp khi lựa chọn lĩnh vực đầu tư kinh doanh cần chú ý tới hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, dịch vụ cũng như quan tâm đến yếu tố môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.

Với các doanh nghiệp mới đầu tư, kinh doanh, nên tiếp cận thị trường ngách với quy mô nhỏ trước, phát triển dần sau khi đã thành công bước đầu. Giá cả không phải là vấn đề quan trọng nhất mà chất lượng, độ tin cậy và thời gian đáp ứng mới là những yếu tố quyết định thành công khi đầu tư, kinh doanh tại Bremen./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)