Phông chữ

Trụ sở mới của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và để ghi nhớ kỷ niệm này, tôi đặt tên ngôi nhà là “Villa Hanoi”.…

Năm nay Việt Nam và Đức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược hướng tới tương lại. Cũng trong thời gian 10 năm ấy tại thủ phủ tài chính, kinh tế của Đức và châu Âu, thành phố Frankfurt/Main có sự hiện diện của một ngôi nhà mang tên “Villa Hanoi” (Biệt thự Hà Nội), trụ sở của Tổng Lãnh sự quán (TLSQ)Việt Nam tại Frankfurt/Main, cũng là TLSQ duy nhất của Việt Nam cho đến nay đặt tại EU.


Tòa biệt thự trắng mang tên Villa Hanoi – trụ sở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt/Main.

Kỷ niệm ngày ấy

Nửa đầu năm 2007, tôi được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm ký Quyết định cử sang làm Trưởng Văn phòng Bonn và sau đó là Tổng Lãnh sự đầu tiên tại Frankfurt khi TLSQ được Chính phủ hai nước quyết định thành lập vào thời gian đó.

Văn phòng Bonn thành lập ngay sau khi Đại sứ quán ta tại đó chuyển về Berlin, thủ đô của nước Đức thống nhất, vào tháng 3/2000. Vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ mới đó, tôi cũng vừa kết thúc nhiệm vụ là Trưởng Văn phòng Berlin, hoàn thành việc giải thể Văn phòng Berlin và cải tạo trụ sở mới của Đại sứ quán tại Treptow để chuyển Đại sứ quán từ Bonn về đúng thời hạn mà Chính phủ, Quốc hội và Đoàn Ngoại giao cũng chuyển về thủ đô Berlin.

Sau này nghĩ lại đúng là tôi có “duyên” với việc giải thể hai Văn phòng Berlin và Bonn. Cũng do đặc thù của nước Đức nên hầu hết các nước duy trì hai văn phòng của cơ quan đại diện tại Đức, vì 10 năm sau thống nhất (từ 1990-2000), Đức mới chính thức “dời đô” nhưng vẫn duy trì nhiều bộ ở thủ đô cũ là Bonn.

Sau khi hoàn thành các thủ tục đối ngoại để chấm dứt hoạt động của Văn phòng Bonn (hoạt động từ sau khi Đại sứ quán chuyển về Berlin năm 2000), tôi triển khai công việc để chuyển cơ quan từ Bonn về Frankfurt lập TLSQ.

Đối với một cơ quan lãnh sự mới mở, điều chúng tôi quan tâm nhất và cũng chiếm nhiều thời gian nhất là tìm nơi đặt trụ sở. Trước đó, đoàn tiền trạm do tôi dẫn đầu đã sang Frankfurt và sau khi đi xem hàng chục ngôi nhà, cũng đã tìm được ngôi nhà tương đối ưng ý và được Bộ đồng ý cho thuê làm trụ sở TLSQ. Ngôi nhà bốn tầng, kể cả tầng hầm, nằm ở một trong những phố đẹp, rợp bóng cây xanh và yên tĩnh thuộc khu Westend. Ở Frankfurt có câu “wohnen in Ostend, arbeiten in Westend” (sống ở khu Ostend, làm việc ở khu Westend) do khu Westend tập trung các ngân hàng Đức và quốc tế, tổ chức tài chính, trụ sở của các công ty, văn phòng luật, đại học tổng hợp mang tên Goethe và đặc biệt có công viên Palm Garten lớn nhất thành phố.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng bang Hessen Udo Corts cắt băng khai trương Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt/Main, ngày 7/3/2008.

Trong chuyến thăm chính thức Đức, ngày 7/3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và đoàn Chính phủ ta đã cắt băng khai trương TLSQ Việt Nam tại Frankfurt với khu vực là sáu bang phía Tây và Tây Nam Đức.

Cũng tại đây, TLSQ đã đón tiếp nhiều đoàn cấp cao của ta sang thăm chính thức Đức và quá cảnh sân bay Frankfurt. Quan hệ với bang Hessen được nâng lên tầm cao mới với việc thiết lập Quan hệ ưu tiên giữa Việt Nam và Hessen. TLSQ cũng hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động trong những ngày đầu của Đại học Việt-Đức (VGU). Cộng đồng người Việt Nam ở Tây và Tây Nam Đức tìm thấy ở TLSQ ngôi nhà chung. Doanh nghiệp Đức cũng như chính quyền các bang của Đức tìm thấy ở TLSQ một đối tác tin cậy để tìm hiểu về đầu tư, thương mại với Việt Nam...

Biểu tượng quan hệ Việt - Đức

Do thời hạn thuê trụ sở ở Westend chỉ được có ba năm nên ngay từ khi mới bắt đầu làm việc ở đó, tôi đã nghĩ đến việc tìm trụ sở mới. Trong khoảng một năm, tôi đã đi xem hàng chục ngôi nhà ở các quận nội đô Frankfurt. Thời điểm này xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á và trên thế giới, giá bất động sản giảm mạnh. Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam có được một bất động sản ở đây. Tòa nhà ở Đại lộ Kennedy vốn là trụ sở giao dịch của một ngân hàng tư nhân. Hồi đi tiền trạm tôi cũng đã đến thăm ngôi nhà này, thấy rất ưng nhưng họ chỉ bán không cho thuê nên đành chịu. Mặt khác khi đó tôi nghĩ chắc chẳng bao giờ mình mua được biệt thự này.

Thế rồi như một cơ duyên. Bên môi giới cho biết Tổng Lãnh sự Thái Lan chuẩn bị ký hợp đồng thì xảy ra khủng hoảng 2007/08 nên chính phủ Thái quyết định không mua nữa. Hồi đó, Thái Lan đã đàm phán giá hợp đồng là 3 triệu euro, nhưng nay giá bán chỉ còn 2,5 triệu euro. Tôi thấy đây là cơ hội của mình và đã thuyết phục Bộ Ngoại giao đồng ý cho mua. Rất may khi đó các đồng chí phụ trách lĩnh vực này của Bộ đã rất linh hoạt và quyết tâm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến khi được Nhà bật đèn xanh, tôi đã đàm phán để giảm thêm được số tiền kha khá.


"Tấm biển chủ quyền".

Vậy là từ tháng 4/2009, tòa biệt thự trắng ở Đại lộ Kennedy số 49 đã thuộc quyền sở hữu của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, như “tấm biển chủ quyền” tôi đặt gắn ở tường bên ngoài tòa nhà.

Từ tháng 4/2009 đến tháng 9/2010 là thời gian cải tạo toàn diện ngôi nhà theo những tiêu chuẩn cao nhất của Đức thời gian đó, bảo đảm yêu cầu đối ngoại và an ninh của trụ sở cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Đức.

Điều tôi quan tâm là đặt tên gì cho ngôi nhà, vì tập quán ở Đức thường hay đặt tên cho những ngôi biệt thự có tính tiêu biểu và có ý nghĩa đặc biệt. Ở Frankfurt có rất nhiều biệt thự mang tên danh nhân, địa danh hay dòng họ. Nổi tiếng nhất ở ngay đại lộ Kennedy là Villa Kennedy, cách trụ sở TLSQ Việt Nam có mấy dãy nhà. Ngay tên phố và tên biệt thự (mà sau này là một khách sạn 6 sao) đều gắn với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Kennedy. Khi đó ông đã ở trong biệt thự này và thường đi qua con phố rợp bóng cây khi đó còn mang tên Forststraße.

Sau này có nhiều câu chuyện được “thêu dệt” lên xung quanh cái tên “Villa Hanoi”. Tiến sĩ Ghawami, Chủ tịch Tổ chức hỗ trợ đại học Đức (WUS) nói trong buổi chiêu đãi chia tay tôi ngày 25/6/2011. “Nói về Villa Hanoi, người ta nghĩ ngay đến sự hóm hỉnh của ông Tổng Lãnh sự. Cùng trên đại lộ Kennedy này, ngay chếch phía đối diện là Villa Kennedy. Qua việc đặt cái tên khá đặc biệt này, ông Tổng Lãnh sự muốn chúng ta hiểu thêm điều gì? Các nhà sử học có mặt ở đây hiểu quá rõ sự liên kết giữa cái tên Kennedy và tên thành phố Hà Nội. Đây không còn là sự đối kháng mà là quá trình hòa giải một cách hoàn hảo”.

Có một thực tế là khi thuê trụ sở đầu tiên ở Westend, nhiều bạn Đức cũng nói với tôi nửa đùa nửa thật: TLSQ Việt Nam dọn đến thì người Mỹ ra đi, vì TLSQ Mỹ cũng vừa mới rời khu vực này trước đó một thời gian.



Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier, Tổng Lãnh sự Nguyễn Hữu Tráng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trong ngày khai trương chính thức Villa Hanoi, 13/9/2010.

Trên thực tế, trụ sở mới của TLSQ Việt Nam tại Frankfurt hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và để ghi nhớ kỷ niệm này, tôi đã đặt tên ngôi nhà là “Villa Hanoi”. Dòng chữ chạm chìm vào tường đá và dãy đèn lồng Hội An làm sáng cả một quãng phố. Điều lý thú là nhiều người bạn Đức khi hỏi trụ sở TLSQ Việt Nam ở đâu thì họ nói không biết, nhưng nói đến Villa Hanoi thì họ ồ lên nói “biết biết”, đó là ngôi biệt thự màu trắng sang trọng và dãy đèn lồng đặc trưng Việt Nam.

Ngày 13/9/2010, Villa Hanoi đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cắt băng khai trương chính thức. Như Phó Thủ tướng nói trong dịp khai trương, việc này đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước và một ngôi nhà Việt Nam mang tên “Villa Hanoi” giữa thành phố Frankfurt minh chứng cho sự hiện diện và gắn bó dài lâu của Việt Nam ngay tại trung tâm tài chính, kinh tế lớn nhất của Đức và châu Âu.


“… Các nhà sử học có mặt ở đây hiểu quá rõ sự liên kết giữa cái tên Kennedy và tên thành phố Hà Nội. Đây không còn là sự đối kháng mà là quá trình hòa giải một cách hoàn hảo”. Tiến sĩ Ghawami, Chủ tịch WUS


Nguyễn Hữu Tráng
Tổng Lãnh sự Việt Nam đầu tiên tại Frankfurt/Main, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao