Phông chữ

Bữa trưa 22/1, một công nhân công ty phụ tùng ô tô Đức quay sang mượn đồng nghiệp lọ muối. Ngoài việc cùng chia sẻ lọ muối, ở thời điểm đó họ cũng chia sẻ cả virus Corona chủng mới.


Foto: Mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện ở Berlin (Đức). Ảnh: Reuters


Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết sự kiện này được lưu lại bởi sự kiểm soát nghiêm ngặt của Đức trong xử lý virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19.

Hai công nhân này làm việc tại công ty phụ tùng ô tô Webasto ở Stockdorf. Webasto trở thành cái tên đáng chú ý khi một phụ nữ Trung Quốc dương tính với virus SARS-CoV-2 đến trụ sở của công ty này. Từ đây, nhiều nhân viên khác của Webasto cũng mắc COVID-19.

Ngay lập tức, một cuộc lần dấu, xét nghiệm và cách ly các nhân viên Webasto mắc COVID-19 được tiến hành.

Ngày 27/1, CEO của Webasto là Holger Engelmann báo cáo với cơ quan chức năng rằng nhân viên của ông dương tính với virus SARS-CoV-2. Cha mẹ của nữ nhân viên này đã từ Vũ Hán (Trung Quốc) tới thăm cô ở Thượng Hải. Sau đó, ngày 19/1, cô này tới Stockdorf, khi ở Đức cô bắt đầu thấy khó chịu ở ngực, mệt mỏi và đau lưng. Nhưng cô cho rằng đó là do lệch múi giờ.

Khi lên chuyến bay trở về Trung Quốc, cô đã sốt và kết quả xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy cô dương tính với virus SARS-CoV-2. Cô này sau đó đã thông báo cho cấp trên tại Webasto.

Cô gái người Trung Quốc này đã trở thành ca số 0 tại Đức. Và ca số 1 đã ngồi cạnh ca số 0 trong một phòng họp nhỏ ngày 20/1.

Các nhà khoa học sau đó phân tích khác biệt trong mã di truyền của virus từ các bệnh nhân khác nhau và hình thành bản đồ lây lan của COVID-19.

Từ việc lần dấu, các nhà khoa học phát hiện ca số 4 tiếp xúc một vài lần với ca số 0. Sau đó ca số 4 ngồi với đồng nghiệp ở nhà ăn, khi cho mượn lọ muối, người đồng nghiệp trở thành ca số 5.

Webasto ngày 28/1 đã đóng cửa cơ sở tại Stockdorf. Trong khoảng thời gian từ 27/1-11/2, có tổng cộng 16 trường hợp mắc COVID-19 tại công ty này.

Diễn biến này giúp Đức có thời gian cần thiết xây dựng hệ phòng vệ COVID-19 và cứu được thêm nhiều mạng sống. Đức ghi nhận trường lợp lây truyền COVID-19 trong nước sớm hơn cả Italy nhưng hiện nay tình hình tại 2 quốc gia lại khác biệt. Tính đến 10/4, Đức có 2.607 trường hợp tử vong vì COVID-19, trong khi Italy có dân số nhỏ hơn nhưng ghi nhận 18.279 trường hợp tử vong.

Đức đã ban hành quy định đóng cửa trường học, cửa hàng, cơ sở thể thao… Đức còn khởi động chiến dịch thông tin của Bộ Y tế và đưa ra chiến lược xét nghiệm diện rộng. Theo Viện về bệnh truyền nhiễm Robert Koch, Đức đã tiến hành 1,3 triệu xét nghiệm. Sau vụ việc tại công ty Webasto, Đức cũng gia tăng gấp đôi số giường bệnh chăm sóc đặc biệt. Đức vốn là quốc gia châu Âu có số giường bệnh đặc biệt cao nhất trên bình quân đầu người.

Trưởng văn phòng y tế Anh - ông Chris Whitty trong tháng 4 nhận định trên truyền hình rằng Đức đã đi trước với năng lực xét nghiệm và đây là điều cần học hỏi.

Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Đức đã đánh bại COVID-19. Reuters cho biết tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Đức là 1,9%. Nhưng chủ tịch Viện về bệnh truyền nhiễm Robert Koch (Đức) là ông Lothar Wieler đánh giá “tỷ lệ tử vong sẽ tăng”.

Chính phủ Đức cũng lên kế hoạch bao gồm tăng cường lần dấu, đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tụ tập để tạo điều kiện quay trở lại với cuộc sống thường nhật sau phong tỏa. Chính phủ Đức cũng ủng hộ phát triển ứng dụng điện thoại thông minh để lần dấu những trường hợp mắc COVID-19.

Đến nay, cả 16 trường hợp mắc COVID-19 tại Webasto đều đã bình phục.

Hà Linh/Báo Tin tức