Phông chữ

Tại sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Đức nhỏ hơn so với các nước khác?

Câu hỏi này phần nào đã được trả lời ở bài viết Vì sao tỷ lệ tử vong vì nCoV của Đức thấp?. Ở đây, tôi chỉ xin bổ sung thêm các thông tin liên quan đến con số thống kê, mà theo đó, tỷ lệ tử vọng khác nhau bởi rất nhiều nguyên nhân.

Diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp với tốc độ lây nhiễm và tử vong tăng cao chóng mặt. Tính đến thời điểm gửi bài viết này thì số ca nhiễm và tử vong ở một số nước như bảng dưới đây:

 

Số liệu tính tới hết ngày 21.03.2020 (nguồn: interativ.morgenpost.de)

Để đánh giá khả năng phòng thủ cũng như sức chiến đấu với dịch Covid-19 của từng nước, tỷ lệ tử vong (TLTV) thường được xét đến như một chỉ số quan trọng. Về mặt định nghĩa, tỷ lệ tử vong là tỷ số giữa số người chết trên tổng số người bị nhiễm, TLTV = Số ca tử vong / Số ca nhiễm.

Nhìn vào bảng thống kê chúng ta thấy nước Ý đang có tỷ lệ tử vong cao nhất (9%), sau đó đến Indonesia (8,4%) và nối tiếp là Iran (7,6%). Việt Nam đang giữ tỷ lệ tử vong là 0 tương ứng với số người bị nhiễm ít (94). Điểm đặc biệt có lẽ cần nói đến là Đức, tỷ lệ tử vong hiện tại chỉ là 0.38% trên tổng số nhiễm đứng trong top 5 với hơn 22 nghìn ca.

Tại sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Đức nhỏ hơn so với các nước khác?

Câu hỏi này phần nào đã được trả lời ở bài viết Vì sao tỷ lệ tử vong vì nCoV của Đức thấp?. Ở đây, tôi chỉ xin bổ sung thêm các thông tin liên quan đến con số thống kê, mà theo đó, tỷ lệ tử vọng khác nhau bởi rất nhiều nguyên nhân.

1. Đầu tiên là tỷ lệ này phụ thuộc vào việc có bao nhiêu người nghi nhiễm được kiểm tra

Ở Anh từ đầu dịch cho đến ngày 18/3 có khoảng 54 nghìn người nghi nhiễm được kiểm tra. Ở thời điểm đó phát hiện 2.642 trường hợp nhiễm và đã có 72 đã chết, tương ứng với tỷ lệ tử vong là 2,7%.

Ở Đức, tính tới ngày 19/3 thì 44 người chết vì Covid-19 trên tổng số 15.320 ca nhiễm. Tỷ lệ tử vong tương ứng là 0,29%. Khi đó, Đức đã thực hiện hơn 160 nghìn xét nghiệm, rõ ràng nhiều hơn rất nhiều so với Anh. Như vậy, có thể cho rằng, có nhiều trường hợp chưa phát hiện được ở Anh khi so với Đức. Hay nói cách khác, số ca nhiễm được ghi nhận ở Đức sát với thực tế hơn. Hàn Quốc, nơi được kiểm tra rất nhiều, cũng cho thấy tỷ lệ tử vong tương đối nhỏ. Việc không thực hiện nhiều xét nghiệm ở Anh cũng là nguyên nhân cho thấy có nhiều ca xuất hiện ở Việt Nam là từ khi khách du lịch Anh và du học sinh trở về từ đó.

2. Một sự khác biệt giữa các quốc gia là độ tuổi trung bình của người bệnh

Ở Italy, nơi dịch Corona phát triển mạnh, có dân số tương đối già. Địa điểm có người bị nhiễm cũng quan trọng. Ở Mỹ, virus đã lây nhiễm cả ở nhà dưỡng lão. Trong 120 người sống ở đó thì có ít nhất 81 người bị nhiễm và 34 người đã chết.

Cũng cần nói thêm là người nhiễm ở Đức phần lớn là những người trẻ, bị lây nhiễm khi đi trượt tuyết ở Italy. Độ tuổi ca nhiễm trung bình là khoảng trên dưới 40 tuổi (tham số này thay đổi theo từng giai đoạn). Bênh cạnh đó, ngay từ đầu Đức đã chủ trương bảo vệ người già, đặc biệt ở trại dưỡng lão, bằng cách hạn chế tiếp xúc từ bên ngoài như việc thăm hỏi.

3. Khả năng đáp ứng của y tế địa phương

Khi làn sóng lây nhiễm đạt đến một mức độ nào đó thì khả năng đáp ứng của y tế địa phương bị quá tải. Khi đó tỷ lệ tử vong cao hơn. Vũ Hán và Ý có thể xem là ví dụ cho trường hợp này. Ở Italy, có nhiều trường hợp bác sỹ phải đưa ra quyết định lựa chọn người cấp cứu (sử dụng máy trợ thở) và người trẻ hơn đã được trao cơ hội sống nhiều hơn. Ở Pháp đã có hiện tượng một bệnh viện quá tải và phải dùng máy bay để chuyên chở người bệnh sang nơi khác điều trị. Ở Đức, tình trạng như vậy chưa xảy ra.

Cũng cần nói thêm là ngay từ đầu, Đức đã có chủ trương phân loại bệnh nhân dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hơn 80% là thể nhẹ và được chỉ định cách ly ở nhà và nhân viên y tế sẽ hằng ngày đến thăm khám. Do đó, bệnh viện giảm được áp lực ngay từ đầu. Chỉ khi tiến trình bệnh nặng đến mức độ nào đó thì mới được đưa đến bệnh viện.

4. Hiệu quả trong chữa bệnh

Do điều kiện y tế tốt bậc nhất ở châu Âu (có thể cả trên thế giới nếu xét về tổng thể) và chưa bị áp lực lớn với nhiều ca nghiêm trọng như ở những vùng dịch khác trên thế giới nên bệnh nhân có nhiều cơ hội sống hơn. Những trường hợp tử vong có độ tuổi từ 67 đến 94 và đều có bệnh nền. Hai phần ba là các cụ ông, nghĩa là gấp hai lần so với các cụ bà.

Chúng ta có thể tính được hiệu quả chữa bệnh ở những ca nặng thông qua một vài con số thống kê. Theo đó thì hiện nay ở Đức khoảng 5% số ca bị nhiễm là ca nặng cần điều trị ở bệnh viện. Trong đó khoảng một phần tư là cần điều trị tích cực (trợ thở...). Tỷ lệ tử vong tính tới thời điểm hiện nay là 0,38% (xem bảng thống kê trên). Do đó, tỷ lệ tử vong chỉ tính đối với những ca đang điều trị tích cực là khoảng 30%. Theo thống kê trên các ca ở Trung Quốc và nhiều nước, tỷ lệ tử vong ở những ca nặng như vậy là khoảng 50%. Do đó, hiện nay con số ở Đức đang cho thấy có phần tích cực hơn. Tuy nhiên, một lần nữa cần lưu ý là con số này sẽ thay đổi tùy theo thời gian và điều kiện y tế và nhân lực. Người bình thường làm việc liên tục không nghỉ thường chỉ chịu được một vài tuần. Đức mong muốn giảm tải cho cả bác sỹ và đội ngũ y tá, điều dưỡng bằng việc cố gắng giảm tốc độ lây nhiễm là bởi vậy.

5. Vẫn còn quá sớm khi đánh giá tỷ lệ tử vong ở Đức vì con số này sẽ liên tục thay đổi. Đức đang trong giai đoạn đầu của sự lây nhiễm. Ý có con số tử vong cao bởi ở đó bệnh đã phát nhiều (nhanh hơn Đức khoảng 10 ngày).

Giờ xin nói về Việt Nam. Việt Nam hiện nay chưa có trường hợp tử vong nào

Điều đó cho phép chúng ta tự hào về đội ngũ y bác sỹ, cũng như công tác phòng và chống dịch. Dù vậy, chúng ta luôn cần giữ cái đầu lạnh, tỉnh táo và không chủ quan, không vội mừng với những kết quả hiện có.

Trong bài Dịch nCoV - nên để bà hay cháu đi chợ?, tôi đã trình xác suất tử vong theo độ tuổi với số liệu thống kê từ Vũ Hán. Nếu giả định số liệu này có thể dùng cho người Việt thì xác suất để Việt Nam có 19 trường hợp khỏi bệnh cho đến nay là 84%. Con số này khá lớn nên chưa thể nói được rằng phương pháp chữa trị của ta tốt hơn các nơi khác mà chỉ có thể nói rằng, chúng ta đã làm tốt cho những người trường hợp này.

Tính tới ngày 21/3 Việt Nam có tổng 94 ca nhiễm và hiện còn 65 người đang được điều trị. Xác suất để tất cả những người này đều khỏi bệnh giờ là khoảng 44% (gần 50%). Nghĩa là giống như chơi trò xấp ngửa với đồng xu. Điều này cho thấy nếu không may có một (hoặc vài) trường hợp tử vong thì chúng ta cũng không nên mất tinh thần. Cá nhân tôi thì tin rằng xác suất thực tế để tất cả những người đang được điều trị đều khỏi bệnh sẽ cao hơn. Bởi một mặt nào đó, khi có nhiều bệnh nhân, các bác sỹ của chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc lựa chọn phác đồ điều trị hiệu quả.

Từ phân tích trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

1. Có kế hoạch bảo vệ người có tuổi và có bệnh nền, đặc biệt những người ở độ tuổi 60 trở lên. Việc thăm hỏi người thân, quen đang ốm chỉ nên qua điện thoại. Không vào bệnh viện hay đến nhà để thực hiện việc thăm hỏi.

2. Chuẩn bị thêm phương án và kế hoạch xét nghiệm số đông, đại trà để sớm lọc ra các trường hợp nhiễm bệnh khi cần thiết, đặc biệt khi không thể truy được hành trình lây nhiễm. Tuy nhiên, cần tính toán tối ưu về việc xét nghiệm để không lãng phí tài nguyên và có dự trữ cho những thời điểm cấp bách.

3. Cần có chiến lược dài hơi và nên có kế hoạch về nhân lực y tế để sức khỏe của các thầy thuốc luôn được đảm bảo, không bị quá tải. Cũng vậy với các đội ngũ hậu cần trong việc phòng dịch, cách ly. Cuộc chiến chống dịch còn dài và phụ thuộc vào cả tình hình trên thế giới.

Với tình hình dịch phát triển nhanh và hết sức phức tạp, đợt dịch có thể kéo dài đến một vài năm chứ không phải chỉ vài ba tháng. Lưu ý là dịch có thể kết thúc ở phía bán cầu Bắc vào mùa hè thì mùa đông lại đến ở bán cầu Nam và dịch có thể lại phát triển tiếp tục ở đó, rồi sau đó sẽ còn quay lại với chúng ta.

Trần Thu Thuỷ, VNE