Phông chữ

Đức ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao thứ năm thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong chỉ là 0,3%, thấp hơn Italy khoảng 26 lần.


Foto: Nhân viên y tế khử trùng cáng cứu thương tại một bệnh viện ở Köln. Ảnh: Reuters.


Giới khoa học đang cố gắng tìm hiểu lý do tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Đức lại thấp hơn rất nhiều các quốc gia châu Âu khác, dù có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, văn hóa, chính trị. Quốc gia này chỉ ghi nhận 68 ca tử vong, dù đã phát hiện gần 20.000 người nhiễm nCoV, mức nhiễm cao thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Italy và Tây Ban Nha.

Với tỷ lệ tử vong chỉ là 0,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức 8% của Italy hay mức trung bình 4% của thế giới, Đức đang gieo hy vọng cho nhiều quốc gia về chiến lược kiểm soát Covid-19 đúng hướng.

Tỷ lệ tử vong giữa Đức với các nước láng giềng cũng đang phải vật lộn với Covid-19 chênh lệch đến mức phe cựu hữu của Italy cáo buộc Berlin đang "giấu dịch". Tuy nhiên, các chuyên gia y tế chỉ ra một số yếu tố khác có thể đang giúp Đức 'kìm chân" tỷ lệ tử vong trong đại dịch.

"Đức đã tiến hành xét nghiệm rất quyết liệt, do đó có thể phát hiện được nhiều ca nhiễm nhẹ để kịp thời điều trị", tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã kêu gọi các bác sĩ xét nghiệm cho những người nghi nhiễm một cách có hệ thống. Chúng tôi cung cấp xét nghiệm ở quy mô lớn nên có thể dễ dàng đánh giá được dịch ngay từ giai đoạn đầu", giáo sư Lothar Wieler thuộc Viện Robert Koch của Đức, giải thích.

Xét nghiệm đã trở thành "câu thần chú" của WHO trong cuộc chiến chống Covid-19. Giới chuyên gia nhận định, ngoài giữ tỷ lệ tử vong thấp, chương trình xét nghiệm quyết liệt của Đức còn làm được nhiều hơn khi phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới.

"Italy có dân số già hơn nhiều và được xem là quốc gia có tuổi thọ cao. Nhưng thật không may trong hoàn cảnh này, dân số già hơn đồng nghĩa tỷ lệ tử vong cao hơn", Ryan nói.

Số liệu do chính phủ Đức cung cấp cho thấy tỷ lệ nhiễm nCoV trong nhóm người trên 60 tuổi, độ tuổi có nguy cơ cao nhất, ở nước này thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác. Điều này có thể do may mắn, nhưng cũng có thể là nhờ việc xác định sớm các ca nhiễm. Nhờ đó, Đức có thể theo dõi đường lây nhiễm và kịp thời ngăn chặn nCoV tấn công những nhóm có nguy cơ cao.

"Có sự khác biệt lớn giữa hệ thống y tế Đức và các quốc gia khác. Quy định về xét nghiệm bệnh mới của chúng tôi rất thoải mái. Ở những nước khác, tất cả việc xét nghiệm cho loại bệnh mới đều quy về một cơ quan trung ương", Christian Drosten, nhà nghiên cứu virus hàng đầu tại Bệnh viện Charite ở Berlin, cho hay. Ông giải thích thêm ở Đức, bất kỳ bác sĩ nào cũng có thể làm xét nghiệm nCoV và bảo hiểm y tế công sẽ trả khoản chi phí này.

Không chỉ có Đức, Hàn Quốc cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung. "Ở Hàn Quốc, kết quả này dường như là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Những ca đầu tiên được xác nhận thuộc nhóm người trẻ và tập trung chủ yếu vào một giáo phái nên giới chức có thể kiểm soát dễ dàng hơn. Nhưng xét nghiệm cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng", chuyên gia Suerie Moon thuộc viện đào tạo sau đại học The Graduate Institute ở Geneva, Thụy Sĩ, cho biết.

Những điểm khác biệt trong hệ thống y tế Đức cũng là yếu tố quan trọng giúp kéo giảm tỷ lệ tử vong. Quốc gia này có nhiều giường chăm sóc đặc biệt (ICU) hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Giường ICU có thể là ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với những ca nhiễm nCoV trong tình trạng nguy kịch. Tại miền bắc Italy, bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là lựa chọn những bệnh nhân có cơ hội sống cao hơn để chuyển họ tới giường chăm sóc đặc biệt.

Anh chỉ có 4.000 giường ICU, nhưng Đức có tới 28.000 giường, trong đó 25.000 giường được trang bị sẵn máy thở cho bệnh nhân. Khi dịch bùng phát, Đức có trung bình 29,2 giường cho mỗi 100.000 người, trong khi tỷ lệ này của Italy là 12,5 và Anh là 6,6.

Một yếu tố nữa tạo ra sự khác biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Đức được nhà nước chi trả. Bảo hiểm y tế công là bắt buộc ở Đức và được thu cùng với thuế thu nhập, nhưng sau đó sẽ được chuyển thẳng tới quỹ bảo hiểm mà không qua kho bạc nhà nước, giúp quỹ y tế không phải phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách.

Philipp Hoffmann đang nghiên cứu vaccine chống Covid-19 tại phòng thí nghiệm của công ty CureVac ở Tuebingen, hôm 12/3. Ảnh: Reuters.

Đức có lẽ đã chuẩn bị đối phó với Covid-19 tốt hơn bất kỳ quốc gia láng giềng nào, nhưng có thể vẫn phải dùng hết số giường bệnh sẵn có. Giới chức nước này cũng cảnh báo người dân không được chủ quan khi thấy tỷ lệ tử vong thấp.

Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng Đức có thể đang ở giai đoạn đầu của đại dịch và số người chết vì Covid-19 có thể sớm tăng mạnh, thậm chí giống các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).

"Đây có thể chỉ là giai đoạn đầu với Đức. Nếu đại dịch này diễn tiến theo một đường cong, các quốc gia khác đơn giản là đi trước Đức trên đường cong đó", giáo sư Wieler thuộc Viện Robert Koch, nhận định.

Thanh Tâm, VNE (Theo Telegraph)