Phông chữ
Gần 25 năm sau vụ nổ nhà máy hạt nhân Chernobyl, hàng loạt nghiên cứu khoa học cho thấy hậu quả của thảm họa này đã không được đánh giá đúng mức và có thể kéo dài hàng thế kỷ.

Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và nhiều đơn vị khác đã cùng Chính phủ Nga, Belarus và Ukraine thành lập Diễn đàn Chernobyl để tiến hành một nghiên cứu rộng lớn đánh giá những hậu quả của thảm họa này và lần đầu công bố kết quả vào năm 2006. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 56 người đã chết (trong đó có 47 công nhân và chín trẻ em chết vì ung thư tuyến giáp) và ước tính sẽ còn 4.000 người chết trong tương lai vì ảnh hưởng phóng xạ.

Nhưng bản báo cáo đã nhanh chóng bị chỉ trích nặng nề bởi nhóm người cho rằng nó đã đánh giá thấp con số tử vong và những hậu quả trong tương lai, cũng như chỉ thông báo ra những dữ liệu đã qua chọn lọc.

Những nhà khoa học quốc tế liên tục đăng tải thông tin trái ngược với những tuyên bố trước đó, rằng động vật khu vực quanh nhà máy Chernobyl cũ đang chết dần, còn độ phóng xạ thì ngày càng tăng. Theo một báo cáo của Chính phủ Đức, chi phí đền bù cho những thợ săn đã bắt được những con heo rừng bị nhiễm phóng xạ trong hai năm qua đã tăng gấp bốn lần khi ngày càng nhiều động vật được phát hiện bị nhiễm hàm lượng caesium cao.

Vài tháng trước đó, các bác sĩ ở Ukraine và Belarus cho biết họ phát hiện tỉ lệ ung thư, các bệnh đột biến và bệnh đường máu cùng với tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng nhanh. Các bác sĩ khẳng định nguyên nhân có liên quan đến vụ Chernobyl. Những nhà vận động chống lại sức mạnh hạt nhân cho biết các nghiên cứu trên chứng tỏ con người sẽ tiếp tục sống chung với những hậu quả này trong vài thập kỷ, thậm chí  có thể những thế kỷ tới.

Năm 2006, bản báo cáo Ngọc đuốc do hai nhà khoa học Anh là Ian Fairlie và David Summer chỉ ra rằng lượng phóng xạ thải ra môi trường bị đánh giá thấp ít nhất 30%. Những số liệu chính thức từ những quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất như Belarus, Ukraine và Nga cũng đưa ra những báo cáo trái ngược.

Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư của LHQ cũng cho biết có hơn 16.000 người tử vong từ vụ Chernobyl, trong khi Học viện Khoa học Nga lại thông báo tối thiểu 140.000 người ở Ukraine và Belarus đã chết, ở Nga là 60.000 người. Còn Ủy ban Phóng xạ quốc gia Ukraine lại cho biết con số thực có thể cao hơn 500.000.

Thảm họa nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl hồi tháng 4-1986 được đánh giá có sức phá hủy tương đương 200 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật hồi năm năm 1945.

Vụ nổ kéo theo hỏa hoạn làm một lượng lớn phóng xạ bị thải ra ngoài môi trường khắp châu Âu làm hơn 350.000 người khu vực xung quanh nhà máy phải di tản.

Số người bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở những quốc gia lân cận lần lượt là hơn 3 triệu người ở Ukraine, 2,6 triệu người ở Nga và 1,4 triệu người ở Belarus.