Phông chữ

Vừa qua nhân về nước nghỉ phép Tiến sĩ Wolfgang Manig, Phó Đại sứ Đức tại Hà Nội đã có buổi nói chuyện tại Hội Đức-Việt (DVG) ở Berlin. Có lẽ đề tài khá „thời sự“ về „quan hệ Đức với Việt Nam“ nên chưa bao giờ mà một hoạt động của DVG lại đông thế. Ngoài một số hội viên tích cực còn có cả một số vị khách từ nơi khác. Xa nhất có lẽ là từ tận Düsseldorf sang.


Foto: Ông Wolfang Manig (giữa), Phó đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, trả lời câu hỏi của báo chí ngày 28/9/2016. Ảnh: Minh Tuấn/BIZlive


Dù mới sang nhận nhiệm vụ tại Hà Nội từ tháng 8/2016 nhưng do là nhà ngoại giao chuyên nghiệp (đã từng là Đại sứ Đức tại CHDCND Công-gô), năng động và yêu quý đất nước và con người Việt Nam nên ông đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Qua đó ông có cái nhìn tương đối toàn diện về tình hình sở tại và đánh giá khách quan về quan hệ hai nước trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Về sự cố đáng tiếc năm ngoái và phiên tòa đang diễn ra tại Berlin, ông cho biết hai bên đã nhiều lần trao đổi trực tiếp, thẳng thắn với mong muốn sớm khôi phục lòng tin và quan hệ đối tác chiến lược vì đó là lợi ích lớn nhất của chính phủ và nhân dân hai nước. Từ cuối năm ngoái hai bên thống nhất một „Lộ trình“ cho việc này; cả Việt Nam và Đức luôn tuân thủ những thỏa thuận trong Lộ trình đó. Đương nhiên không phải việc gì dư luận cũng có thể biết. Đáng tiếc là nhiều báo chí, mạng xã hội ở Đức trong đó có cả mạng xã hội của người Việt, do không có thông tin chính xác và nhiều khi thiếu khách quan nên suy diễn và đưa ra dư luận những thông tin sai lệch. Ông Manig lấy hai thí dụ:
 
1. Chính phủ Đức chưa bao giờ có ý định ngăn cản ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) như dư luận nói và

2. Đại sứ quán Đức tại Hà Nội được tạo điều kiện tham dự phiên tòa ở Hà Nội và có cử người đến dự, trong khi dư luận bên này lại nói là không được phép. Vì thế ông mong mọi người hãy thận trọng khi tiếp nhận những thông tin trên báo chí hay mạng xã hội, nó chỉ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã khá phức tạp, không giúp gì cho việc giải quyết của cả hai bên.

Cuối cùng ông cũng hy vọng là quan hệ hai nước sớm trở lại bình thường như xưa để các đoàn cấp cao của Đức có thể sang Việt Nam cũng như đón các đoàn cấp cao Việt Nam sang Đức. Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của Đức ở Châu Á- TBD và quan hệ hai nước có truyền thống từ lâu đời.
Là người ngồi nghe 2 tiếng đồng hồ nói chuyện và trao đổi giữa đại diện chính thức của Đức tại Việt Nam với những người tham dự chiều tối hôm đó tại Berlin tôi cảm nhận sâu sắc thiện chí của cả hai bên.

Có lẽ cũng từ suy nghĩ như thế nên tôi muốn nói thêm về phiên tòa đang diễn ra tại Berlin mà báo chí Đức và nhất là mấy „FB'ers“ (những người sử dụng Facebook) người Việt ở Đức hàng ngày tung ra cộng đồng những thông tin thất thiện.

Theo thông tin từ những người này thì có vẻ phiên tòa tại Berlin đang xử không phải nghi phạm NHL (người Việt đang sinh sống ở Séc) mà là CHXHCN Việt Nam. Có lẽ họ cũng chỉ đọc qua loa, hoặc đọc nhưng không hiểu hết những thông tin do Cơ quan công tố và Tòa nêu ra nên phần lớn tin của họ đều chủ quan, nặng tính suy diễn. Mục đích của họ là gì chắc họ biết và bà con ta cũng biết. Tôi chỉ muốn nêu một vấn đề có tính nguyên tắc. Tòa án của quốc gia này hoàn toàn không có thẩm quyền để xét xử một nhà nước khác. Làm như vậy là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế (nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia của nước khác được nêu ngay tại Lời nói đầu và điều 1 Hiến chương Liên Hợp quốc). Ấy thế nhưng họ nói như thể tòa án Đức không chỉ xét xử Việt Nam mà còn xử luôn cả Slovakia, một thành viên EU (?).

Nếu ai theo dõi buổi họp báo của Thủ tướng Merkel và Thủ tướng Slovakia ngày 02/5 vừa qua tại Berlin thì thấy quan điểm rất rõ ràng của Chính phủ Đức (đường link). Trả lời câu hỏi không được „ngoại giao“  cho lắm „Sự việc xẩy ra với một doanh nghiệp Việt Nam đã được nói đến từ mấy tháng nay. Theo bà Thủ tướng, Đức có nhận thấy sai lầm của phía Séc?“, bà Merkel nói „Không, tất nhiên chúng tôi đã đề nghị giải thích và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để xử lý vụ việc này. Ở Đức việc này cũng được chúng tôi quan tâm vì nó dẫn đến những khó khăn trong quan hệ Đức-Việt. Tất cả những sự việc liên quan đều phải được đặt lên bàn. Thủ tướng (Việt Nam) đã hứa với tôi là sẽ xem xét toàn diện. Ở Đức cũng đang diễn ra một phiên tòa và chúng tôi hy vọng tất cả những thông tin mà phía Slovakia có chúng tôi cũng sẽ nhận được“. Còn Thủ tướng Pellegrini nói „Ông nhà báo, tôi bảo đảm với ông là những cuộc nói chuyện tích cực của tôi với bà Thủ tướng không chỉ liên quan đến người doanh nhân bị bắt cóc mà hàng loạt những vấn đề liên quan đến Liên hiệp Châu Âu“.

Như vậy quá đúng mực. Đáng lưu ý là sau đó „nhà báo“ này lại tung tin là bà Thủ tướng Đức cho biết Đức sẽ truy nã ông A, ông B là quan chức cao cấp của Việt Nam bị nghi là liên quan đến vụ bắt cóc, kể cả một bộ trưởng (?!). Đọc tin này tôi thấy „nhà báo“ này thật đáng thương do thiếu hiểu biết.

Những ai đã tự nhận mình là „nhà báo“ thì có lẽ cũng nên tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, đó là chỉ nói sự thật và chỉ sự thật mà thôi. Quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền với nhau không phải chuyện „tào lao“ để có thể đưa văng mạng lên các trang xã hội hay fb cá nhân. Hậu quả có thể hôm nay họ chưa lường hết được nhưng điều chắc chắn là bà con ta cũng thấy được „thiện tâm“ của họ như thế nào để không tin vào những điều mà họ vô tình hay cố ý reo rắc.

Cảm ơn Tiến sĩ Manig đã cho tôi cơ hội để nói về một điều mà thực sự cũng không muốn nhắc đến vì nó không chỉ liên quan đến Đất nước tôi mà đến cả những người bà con của tôi đang sinh sống ở bên này./.

Trần Nguyễn