Phông chữ
Bóng đá Đức nói riêng và bóng đá thế giới nói chung mãi mãi lưu danh một người con ưu tú, một cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử. Người ta đã tôn xưng ông là “hoàng đế”, hai chữ đơn giản nhưng đủ để nói lên tầm vóc vĩ đại của ông, ông là Franz Beckenbauer.

Sự xuất hiện của Beckenbauer cũng đồng nghĩa với sự ra đời của một phong cách phòng ngự mới, vị trí đó có tên “Libero”, theo tiếng Việt Nam nó có nghĩa là “trung vệ quét”. Đó có thể coi là một vị trí khá “kỳ quặc” trên sân bóng nhưng nó đóng vai trò then chốt đến thành bại của cả một đội bóng. Một vị trí mà chỉ có những con người kiệt xuất mới có thể đảm đương nổi.

Thật khó để định nghĩa "libero" bẳng một từ cụ thể. Trung vệ? không phải, tiền vệ thủ? cũng không. Nó đơn giản là một vị trí hoàn toàn bao quát, bao gồm cả nhiệm vụ tấn công và phòng thủ, tấn công khi có bóng và là nút chặn đầu tiên khi mất bóng. Cầu thủ đảm nhiệm vị trí libero sẽ sắm vai trò trung vệ khi bị tấn công...và đôi khi đóng vai trò như một tiền đạo. Ở đội tuyển Tây Đức, Beckenbauer là trung tâm của cả đội, vị trí của ông mang vai trò của 2 thậm chí 3 trách nhiệm của vị trí khác. Nó đòi hỏi ở ông có một cái đầu cực kỳ thông minh, phán đoán chính xác, và trên hết là một tài năng thiên bẩm mới chơi được ở vị trí đấy. Sau này đã có rất nhiều đội bóng học tập và phát triển theo mô hình libero của “hoàng đế” và có rất nhiều huyền thoại khác đã được sinh ra từ vị trí này. Đó là Scirea, Baresi của Italia hay Lothar Matthaus của Đức, nhưng tất cả không thể sánh được với Beckenbauer, bởi đơn giản ông là số 1!

Tên tuổi của Beckenbauer gắn liền với những chiến công vang dội nhất của Bayern Munich và đội tuyển Tây Đức. Và trong bất cứ đội hình nào, từ cấp CLB cho đến đội tuyển quốc gia, ông đều là đầu tàu và là thủ lĩnh tinh thần quan trọng nhất. Ông chính là “linh hồn” của đội hình Bayern Munich huyền thoại  đoạt 4 chức vô địch Bundesliga, 4 Cup Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), một Cúp C2 và đáng kể nhất là 3 chiếc Cúp C1 liên tiếp từ 1973 đến 1976.

Beckenbauer còn là một trong số ít những huyền thoại đạt được những chiến tích lẫy lừng cả ở CLB lẫn đấu trường quốc tế, thậm chí vinh quang cùng đội tuyển quốc gia còn “rực rỡ” hơn. Beckenbauer là đội trưởng Tây Đức vô địch EURO 1972 và  World Cup 1974. Đặc biệt, trận chung kết năm 1974 được coi là màn trình diễn đỉnh cao nhất, xuất sắc nhất sự nghiệp của ông. Đội tuyển Đức khi đó đã chạm trán với đội tuyển cơn lốc màu da cam với sự dẫn dắt của huyền thoại bóng đá tấn công nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là Johan Cruyff. Với khả năng phòng thủ xuất sắc đã đạt tới trình độ thượng thừa của mình, “hoàng đế” Beckenbauer đã “bắt chết” được “Thánh” Johan và phá tan “cơn lốc da cam” bằng sự quả cảm và can trường của mình.

Nhắc đến Beckenbauer, người ta còn nhắc đến một tinh thần Đức điền hình: lỳ lợm, tỉnh táo và không bao giờ đầu hàng nếu như trận đấu chưa kết thúc. Chắc hẳn những ai theo dõi trận bán kết giữa đội tuyển Italia và Tây Đức tại Mexico 1970 đều không thể quên người đội trưởng đội tuyển Tây Đức thi đấu lăn xả đầy nhiệt huyết với chiếc băng trắng trên vai. Trận đấu kinh điển năm đó đã phải kéo dài đến tận hiệp phụ và trong một pha va chạm, Beckenbauer đã bị trật khớp vai phải. Thông thường, trong những trường hợp như thế thì việc cầu thủ phải rời sân thi đấu là điều khó tránh khỏi để tránh những tác hại sau này tuy nhiên lúc đó Tây Đức đã hết quyền thay người và trận đấu có một ý nghĩa quá quan trọng nên Beckenbauer đã cương quyết không chịu rời sân. Ông đã yêu cầu các bác sĩ bó chặt bên tay phải bị thương của mình ép sát vào thân người, vừa để tránh gây nguy hiểm cho các cầu thủ đối phương khi tranh bóng, vừa để chạy cho dễ dàng.

ậy là hơn 70.000 khán giả có mặt trên sân vận động Azteca hôm ấy cùng hàng triệu người ngồi trước màn ảnh truyền hình đã lặng người chứng kiến một Beckenbauer đầy quả cảm, một bên tay bó sát vào người, vẫn di chuyển hầu như không biết mệt mỏi, lăn xả vào chặn đứng những đường bóng tiến công của các chân sút Ý nổi danh như Mazzola (sau đó Rivera vào thay), Riva, Boninsegna, đồng thời tích cực phát động tấn công từ hàng thủ của đội tuyển Tây Đức. Trận đấu đó đã mãi đi vào lịch sử như một trong những trận đấu kinh điển nhất, giàu kịch tính nhất và nó cũng là nơi để tôn vinh một huyền thoại bất tử Beckenbauer.

Beckenbauer và vị trí “libero” huyền thoại đã khắc sâu dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Ngôi đền của những huyền thoại đã dành vị trí trang trọng nhất cho Beckenbauer, bên cạnh “Vua” Pele, bóng đá thế giới đã có một vị “hoàng đế” xứng đáng với “ngai vàng” của mình.
 
 
 
Đôi nét về thành tích của FRANZ BECKENBAUER

Cấp đội tuyển quốc gia
 
103 trận đấu (50 trận làm đội trưởng), 14 bàn thắng
Giải nhì World Cup 1966
Giải ba World Cup 1970
Vô địch World Cup 1974
Vô địch EURO 1972
 
Cấp câu lạc bộ
 
1954 - 1958 SC Muchen 06
1958 - 1977 FC Bayern Munich
1977 - 1980, 1983 New YorkCosmos
980 - 1982 Hamburg SV
 
Thành tích

1969, 1972, 1973, 1974, 1982 Vô địch Bundesliga
1966, 1967, 1969, 1971 Vô địch cup Quốc gia Đức
1974, 1975, 1976 Vô địch Cup Châu Âu
1967 Vô địch Winners Cup
1977, 1978, 1980 Vô địch NASL (USA)
424 trận thi đấu ở Bundesliga, 44 bàn thắng
78 trận thi đấu ở các Cup Châu Âu, 6 bàn thắng