Phông chữ

Trong những ngày này, khi châu Âu đang lúng túng xử lý vấn đề nợ ở Hy Lạp và tìm cách duy trì sự thống nhất trong việc đối phó với Nga, mọi trông đợi lại đều được đặt lên vai một người phụ nữ - Thủ tướng Đức Angela Merkel.

 

Chỉnh đốn Hungary

Đầu tuần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Budapest, thực hiện chuyến thăm Hungary lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Viktor Orban lên nắm quyền năm năm trước.

Không phải ngẫu nhiên mà bà Merkel tới Budapest. Suốt nhiều năm qua, Thủ tướng Viktor Orban luôn đứng ở ranh giới giữa một bên là Nga, còn bên kia là Liên hiệp châu Âu, nơi Hungary là thành viên.

Trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Ukraine đang trở nên căng thẳng, EU dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong tuần này. Và đã đến lúc, EU muốn ông Orban phải bước hẳn về một bên, chứ không thể tiếp tục đứng giữa.

Bà Merkel là người được kỳ vọng sẽ đẩy ông Orban vào hàng ngũ EU. “Bà ấy đang cố gắng để duy trì sự thống nhất quan điểm trong EU đối với Nga. Điều này dường như khó khăn với những thủ tướng như ông Orban”, Csaba Toth, nhà phân tích tại Viện Cộng hòa, một tổ chức tư vấn trụ sở ở Budapest nói với hãng tin AFP.

Hungary gia nhập EU năm 2004, nhưng dưới thời ông Orban, nước này đã xa dần Brussels để dịch chuyển gần hơn về phía Moscow. Thủ tướng Orban được coi là một trong những lãnh đạo châu Âu thân thiện nhất của Tổng thống Nga V.Putin.

Năm ngoái, ông Orban đưa Nga ra làm ví dụ về loại hình dân chủ “hẹp” mà ông mong muốn sẽ áp dụng ở Hungary. Ông còn nói rằng EU đã “tự bắn vào chân mình” khi phá hỏng mối quan hệ thương mại với Nga.

“Làm thế nào để đối phó với thành viên EU như Hungary, đó là một thử nghiệm khó khăn cho cả Brussels và Berlin”, Peter Balazs, Bộ trưởng Ngoại giao cánh tả của Hungary giữa năm 2009 và 2010, nhận xét với hãng tin AFP.

Ông Balazs tỏ ra nghi ngờ một số các thỏa thuận mà Hungary đã thực hiện với Nga, trong chính sách “mở cửa về phía Đông” (Eastern Opening) do Thủ tướng Orban khởi xướng. Năm ngoái ông Orban đã ký với Kremlin một thỏa thuận cho vay trị giá 10 tỉ euro để cải tạo và mở rộng nhà máy hạt nhân duy nhất của Hungary.

Ông Orban cũng cho sửa luật để mở đường cho dự án đường ống khí đốt “dòng chảy phương Nam” từ Nga. Dự án này đưa khí từ Nga đến Hungary và bỏ qua Ukraine.

Các nhà phân tích cho rằng, trong số các nước EU, chỉ có Đức mới có thể kéo Hungary vào hàng ngũ. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hungary. Hơn nữa, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel cùng nhóm trung hữu trong Nghị viện châu Âu với đảng Fidesz của ông Orban.

Sở dĩ nền kinh tế của Hungary hoạt động tốt như hôm nay, một phần là nhờ vào 6.000 công ty Đức đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 300.000 người.

Bà Merkel đã khéo léo không công khai chỉ trích thủ tướng chủ nhà ở ngay thủ đô Budapest. Nhưng theo Daniel Hegedus, một nhà phân tích đối ngoại của Hội đồng Đức, đằng sau cánh cửa đóng kín, thông điệp của Thủ tướng Đức là rõ ràng: “Đảm bảo an ninh năng lượng là một chuyện, nhưng Hungary không nên làm suy yếu quan điểm của EU và Berlin về vấn đề Ukraine, và không nên trở thành con ngựa Trojan của Nga trong lòng EU”.

Cần lưu ý rằng, hai tuần sau khi bà Merkel về nước, đến lượt Tổng thống Nga V.Putin sang hội đàm với ông Orban. Đương nhiên, những gì ông Putin nói sẽ khó “hòa âm” với lời của bà Merkel, trong tai Thủ tướng Hungary.

Cứng rắn với Hy Lạp

Cũng từ đầu tuần này, Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bắt đầu thực hiện chuyến công du châu Âu nhằm vận động các nước xóa nợ. Ông dự kiến sẽ đến Pháp, Ý để tìm kiếm sự cảm thông, vì hai nước này từng kêu gọi nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng trong khu vực đồng tiền chung. Thủ tướng Tsipras cũng muốn gặp lãnh đạo của Đức, nước hiện đang kiên quyết yêu cầu Hy Lạp thực hiện mọi cam kết nhận cứu trợ.

Phát biểu tại Cyprus, ông Tsipras được Reuters trích lời, tuyên bố cứng rắn: “Cả châu lục đang bị khủng hoảng, chứ không phải chỉ Hy Lạp hay Cyprus. Châu Âu nên đưa ra quyết định can đảm để đưa tăng trưởng trở lại”.

Ông Tsipras cho hay, đã đến lúc chấm dứt hệ thống giám sát đối với nền kinh tế của các quốc gia là con nợ. Theo cơ chế hiện nay các nhà kinh tế của các định chế cho vay gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ xem xét sự tuân thủ quy định một cách thường xuyên của các nước vay nợ, sau đó mới thông qua giải ngân các khoản vay. “Cơ chế này không có cơ sở pháp lý ở cấp toàn châu Âu”, ông Tsipras nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis gọi việc Hy Lạp sống dựa vào các khoản cứu trợ giải ngân giống như tình trạng của “con nghiện” và chính phủ muốn chấm dứt “tình trạng nghiện ngập” này.

Tuy nhiên, đáp lại những tuyên bố đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thẳng thừng bác bỏ việc cơ cấu lại nợ cho Hy Lạp.

“Đã có một vài sự từ bỏ tự nguyện của các chủ nợ tư nhân. Hy Lạp đã được miễn nhiều tỉ của các ngân hàng. Tôi không thấy cần phải cắt giảm nợ nữa”, bà Merkel nói với tạp chí Đức Die Welt số ra tuần này.

“Châu Âu sẽ tiếp tục thể hiện sự đoàn kết với Hy Lạp, cũng như với các nước khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, nếu họ tiến hành những cải cách của riêng mình”, bà Merkel khẳng định.

Bà cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ của các nhà cho vay quốc tế, Hy Lạp sẽ lại sớm quay lại tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Thông điệp của bà Merkel đã rõ. Tất cả đều chờ đón cuộc gặp cấp cao Đức - Hy Lạp bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tuần tới. Chưa rõ bà Merkel có gặp tân Thủ tướng Tsipras hay không.

TBKT