Phông chữ

Nhìn rộng ra, tiền mặt "lên ngôi" có thể được xem như tín hiệu cho thấy người dân Đức nghi ngại về tương lai, Tạp chí Quartz nhận xét.

 

Trong khi ngân hàng, doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển hứng khởi với những hình thức thanh toán của tương lai, thì người Đức có vẻ không mấy quan tâm.

Họ cảm thấy hài lòng với phương thức trao đổi truyền thống bằng tiền mặt. Đây là lý do khiến Đức có tên trong danh sách các nền kinh tế phát triển sử dụng tiền mặt nhiều nhất thế giới.

Ví dày

Trung bình, người Đức để tiền trong ví nhiều gấp đôi người Úc, Mỹ, Pháp và Hà Lan tại 123USD/người.

Khoảng 80% giao dịch tại Đức được thanh toán bằng tiền mặt, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 50% tại Mỹ. Thậm chí với những giao dịch lớn, tiền mặt vẫn là loại hình được ưa chuộng.

 
Không ai lý giải được chính xác xu hướng này, mặc dù số liệu có đưa ra các gợi ý.

Theo khảo sát, người Đức cho biết việc dùng tiền mặt giúp họ dễ kiểm soát chi tiêu hơn.

"Nhìn vào lượng tiền trong ví, người Đức biết mình chi tiêu ra sao, còn bao nhiêu tiền, đó là lý do vì sao họ thích tiền mặt", báo cáo của Ngân hàng Trung ương châu Âu viết.

Một số người trả lời khảo sát khác cho biết họ thích dùng tiền vì khó lần dấu vết giao dịch, từ đó bảo đảm tính riêng tư.

Siêu lạm phát Weimar
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cội rễ sâu xa của xu hướng là do lịch sử tiền tệ nhiều thăng trầm tại Đức. Đặc biệt là đợt siêu lạm phát diễn ra ở Weimar vào năm 1923. Đây là lúc Đức chật vật trả bồi thường chiến tranh bằng đồng mark mất giá.

 
Từ tháng 1/1922 đến tháng 11/1923, chỉ số giá tăng từ 1 lên 10.000.000.000. Nếu một người sở hữu trái phiếu Đức trị giá 300 triệu mark vào đầu năm 1922, thì hai năm sau, số tiền này không mua nổi một cái kẹo.

Khi đó, một ổ bánh mỳ có giá 428 tỷ mark, bạn phải trả gần 6 nghìn tỷ mark để mua một cân bơ.

Giữa buổi sáng, chủ doanh nghiệp thường phải ngừng hoạt động để trả lương cho nhân viên bằng những chồng tiền cao ngất. Các công nhân phải mang giỏ quần áo đi đựng tiền.

Sau khi lĩnh lương, họ lại vội vàng mang tiền đi mua nhu yếu phẩm, vì nếu để chậm 1 hoặc 2 tiếng sau, khoản lương của họ sẽ trở thành vô giá trị.

Đồng mark sa sút tới nỗi người lớn dùng tiền để dán tường, nhóm bếp, còn trẻ em dùng tiền để làm diều.

 Chính sách thương đau


Một người Đức đang đang dán tường bằng đồng mark.


Mặc dù nổi tiếng, nhưng đây không phải là đợt mark mất giá đầu tiên trong thế kỷ 20.
Sau Thế chiến II, đồng "reichsmark" lại tiếp tục sa lầy. Hitler chủ yếu duy trì chiến tranh bằng cách in thêm tiền. Ông ta kiểm soát lạm phát bằng những biện pháp quân phiệt như ghìm thấp giá, liên tục đe dọa bạo lực.
Thời hậu chiến, quân Đồng minh giữ mức lương và giá ở mức hợp lý. Tuy nhiên ngày càng nhiều hoạt động kinh tế được chuyển vào chợ đen. Khi ấy, kẹo Camels, tất giấy và bút Parker trở thành "tiền tệ" để đổi hàng.

Tháng 6/1948, Đức cải cách tiền tệ bằng cách chuyển sang dùng loại tiền tệ mới có tên "deutsche marks" (D-mark) với tỷ giá 10 reichsmarks đổi một D-mark. Tuy nhiên đây là một chính sách đau thương, khi nó thổi bốc hơi 90% giá trị tiền gửi tiết kiệm của người dân.

Tuy nhiên đồng tiền mới giúp xoa dịu tình trạng hoành hành của chợ đen. Mọi người mang hàng trở lại cửa hiệu, người dân quay lại chợ mua đồ. Đây được coi là một bước đi đau đớn nhưng cần thiết để vực dậy nền kinh tế Đức sau chiến tranh.

Ăn sâu tiềm thức

Vậy lịch sử tác động thế nào tới thói quen tiêu dùng hiện tại của người Đức? Các nhà nghiên cứu phát hiện ký ức về đợt siêu lạm phát vẫn còn "vương vấn" trong đầu người dân nước này.

Người dân tại các quốc gia từng trải qua khủng hoảng ngân hàng thường thích tiết kiệm tiền mặt bằng ngoại tệ (như USD), thay vì gửi tiền vào ngân hàng. (Các nhà kinh tế tại Ngân hàng dự trữ New York ghi nhận nhu cầu USD tăng ít nhất trong vòng 1 thế hệ tại các quốc gia vừa trải qua siêu lạm phát.)

Một cụ già Đức dùng tiền để hút thuốc.


Giống Đức, một số quốc gia khác như Bulgaria và Romania cũng vừa bước ra từ các đợt bất ổn tiền tệ và khủng hoảng tài chính. Người dân hai nước này đặc biệt thích xài tiền mặt.
Vấn đề mấu chốt không phải do người Đức yêu tiền, mà là họ ghét nợ. Trong tiếng Đức, từ "schulde" có nghĩa là "nợ" xuất phát từ từ "schuld", có nghĩa "tội lỗi".
Tỷ lệ nợ tiêu dùng trong dân Đức đạt mức cực kỳ thấp. Năm 2011, chỉ 33% người dân Đức cho biết họ có thẻ tín dụng ghi nợ, số người dùng thẻ trên thực tế còn ít hơn.

Năm 2013, chỉ 18% giao dịch thanh toán tại Đức được thực hiện qua thẻ, bằng 1 phần nhỏ so với 50% tại Pháp và 59% tại Anh.

Nhìn rộng ra, tiền mặt "lên ngôi" có thể được xem như tín hiệu cho thấy người dân Đức nghi ngại về tương lai.

Nó xuất phát từ thực tế trong một thế kỷ qua, chưa bao giờ người Đức thoát hẳn khỏi bóng đen của khủng hoảng kinh tế.


LỀ PHƯƠNG, BIZLive