Phông chữ
Mới chỉ 9 tháng trước, tạp chí Forbes đã từng vinh danh thủ tướng Đức, Angela Merkel là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Còn giờ đây, uy tín của nhà lãnh đạo Đức đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Bà Merkel gây ấn tượng với người Đức và thế giới bằng con đường đến với quyền lực của mình - từ cô con gái của một mục sư Đông Đức, bà từng lãnh đạo một đảng bảo thủ và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại cường quốc số 1 châu Âu để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Đức vào năm 2005. Bà được ca ngợi khi chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Heiligendamm năm 2007 với phong cách đĩnh đạc và tài năng lãnh đạo. Angela Merkel còn tạo dựng uy tín nhờ khôi phục các mối quan hệ với Mỹ sau thời kỳ căng thẳng xung quanh cuộc chiến tranh Iraq. Bà cũng tự đặt mình vào vị trí  một người có ảnh hưởng chính trị lớn tại châu lục, và dường như không một quyết định kinh tế hay chính trị quan trọng nào có thể được thông qua tại châu Âu mà không có sự đồng ý của Merkel.

Nhưng chỉ trong vài tháng trở lại đây, sự điều hành của nữ thủ tướng Đức đối với cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu đã khiến sự ủng hộ dành cho bà ở trong nước sụt giảm, trong khi ở nước ngoài, cái tên Angela Merkel bị la ó ở nhiều nơi. Trên trường quốc tế, nữ chính trị gia 55 tuổi bị chỉ trích vì đã trì hoãn nhiều tháng đối với gói cứu trợ dành cho Hy Lạp. "Trong nhiều tháng, bà Merkel đã phản bác lại mọi lời khẩn cầu - của các nhà lãnh đạo châu Âu khác và Washington - rằng hãy trở thành, một nhà lãnh đạo châu Âu", tờ New York Tim es mỉa mai trong bài xã luận hôm thứ tư. Cùng ngày, chủ tịch UB châu Âu, Jose Manuel Barroso cũng chỉ trích Đức về vai trò trong cuộc khủng hoảng đồng euro và nói rằng, sẽ là "khờ dại" khi tin rằng các hiệp ước của EU có thể được thay đổi theo ý của người Đức mà không cần đến những sửa đổi theo mong muốn của các nước khác. Quan chức này ám chỉ thái độ khăng khăng của Berlin rằng, các hiệp ước EU cần được thay đổi nhằm cho phép các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với những quốc gia để nợ quá mức.


Trong khi đó, lo ngại về cuộc bầu cử tại bang quan trọng North Rhine-Westphalia hồi đầu tháng 5, bà Merkel đã tìm cách trì hoãn quyết định về cứu trợ cho Hy Lạp cho đến sau bầu cử. Nhưng cuối cùng, các đối tác châu Âu đã gây sức ép buộc bà phải ủng hộ gói cứu trợ khổng lồ này chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử, và kết quả là đảng của bà Merkel đã thất bại. Giờ đây, giống như những người đồng cấp tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Anh, Bồ Đào Nha và Italia, nữ thủ tướng Đức đang vất vả lấy lại tinh thần cho hàng triệu công chúng Đức đang lo lắng về các kế hoạch cắt giảm ngân sách.


Các nhà phân tích chính trị trong nước đã liên tục nhấn mạnh rằng, liên minh mới của bà Merkel đã hoàn thành được quá ít công việc trong 7 tháng kể từ khi nắm quyền (nhiệm kỳ 2). Sự ủng hộ của người Đức đối với bà Merkel đã giảm 10 điểm, xuống còn 48%, tỉ lệ thấp nhất kể từ cuối năm 2006. Theo thăm dò mới nhất, chỉ có 34% người được hỏi cho rằng chính phủ của bà Merkel đã đưa ra quyết định đúng đắn nhằm đối phó với khủng hoảng nợ. Các nhà lập pháp đối lập thì chỉ trích Thủ tướng thiếu tầm nhìn và năng lực lãnh đạo khi phải đối mặt với những vấn đề quan trọng như dân số già, nạn nhập cư hay sử dụng năng lượng hạt nhân. "Merkel, từ một vị thủ tướng giải quyết khủng hoảng, đã biến thành vị thủ tướng bị khủng hoảng với chính mình", nhật báo Welt bình luận trong số ra hôm thứ sáu tuần trước.