Phông chữ

Bữa tiệc sinh nhật muộn nhưng "ầm ĩ" của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm dậy sóng ở Đức.


Trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây với Nga liên quan vấn đề Ukraine thì việc chính trị gia kỳ cựu đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tới St. Petersburg tổ chức sinh nhật, với khách mời đặc biệt là người bạn Putin, đã làm dấy lên những chỉ trích, cả những tiếng nói "thông cảm" từ nước Đức.

Ông Schröder sinh ngày 7/4/1944, song mãi tới tối 28/4, ông mới tới St. Petersburg tổ chức sinh nhật muộn lần thứ 70 tại Cung điện Jussopow do Công ty Dòng chảy phương Bắc - nơi ông Schröder làm Chủ tịch Uỷ ban cổ đông, chủ trì. Tại đây, ông đã chụp ảnh chung với Tổng thống Putin và có những cử chỉ gần gũi giữa những người bạn thân.

Vụ việc này đã ngay lập tức khiến cựu lãnh đạo Đức phải hứng chịu búa rìu dư luận, đặc biệt từ phía liên đảng bảo thủ. Điều đáng nói, trong sự kiện này, ngoài Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern, ông Erwin Sellering và Đại sứ Đức tại Moskva, ông Rüdiger Freiherr von Fritsch, còn có cả người phát ngôn chính sách đối ngoại của liên đảng bảo thủ Philipp Mißfelder (CDU) cùng tham gia.

Sau những chỉ trích kịch liệt vì "ăn sinh nhật" với Tổng thống Putin, các chính trị gia SPD và đảng Cánh tả đã lên tiếng bảo vệ vị cựu Thủ tướng Đức. Ông Ralf Stegner, Phó Chủ tịch SPD bày tỏ hy vọng cuộc gặp của ông Schröder với Tổng thống Putin sẽ có tác động tới tích cực tới vấn đề giải cứu các con tin Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bị bắt ở Đông Ukraine.

Ông nói: "Tôi hy vọng, ông Schröder sẽ nhân cơ hội này đề nghị Putin quan tâm hơn nữa tới việc phóng thích các quan sát viên OSCE". Uỷ viên của Chính phủ Đức phụ trách quan hệ với Nga, ông Gernot Erler (SPD) cũng có ý kiến tương tự.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (SPD) cũng lên tiếng bảo vệ cựu Thủ tướng Schröder. Ngoại trưởng Steinmeier nói: "Ông Schröder không nắm trách nhiệm gì của chính phủ. Do vậy, ông ấy có thể tự quyết định mời ai, tổ chức sinh nhật ở đâu và khi nào". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức không bình luận về nội dung cuộc gặp mặt giữa ông Schröder và ông Putin.

Chủ tịch nhóm nghị sĩ SPD tại Quốc hội Thomas Oppermann cũng dành những lời tốt đẹp cho chính trị gia của đảng. Ông nói: "Tôi không rõ Phủ thủ tướng (Đức) nói gì về cuộc gặp cá nhân của ông Schröder với ông Putin, song tôi tin chắc ông ấy đã nói rõ với Tổng thống Nga rằng ông ấy sẽ phải cố gắng để lấy lại tự do cho các con tin".

Chủ tịch đảng Cánh tả Bernd Riexinger thậm chí cho rằng những chỉ trích đối với ông Schröder vì vụ việc trên là "ngớ ngẩn", cho rằng lẽ ra, vị cựu Thủ tướng này đã có thể đóng vai trò trung gian với Putin trong cuộc khủng hoảng Crimea (Crưm). Điều này tất nhiên không bao giờ được Thủ tướng Angela Merkel coi là ý tưởng hay. Theo các nguồn tin Chính phủ Đức, vai trò trung gian như vậy của ông Schröder là không cần thiết, bởi Thủ tướng Merkel có thể nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Putin khi cần.

Tuy nhiên, ông Schröder cũng phải đối mặt với nhiều tiếng nói chỉ trích vì vụ việc này. Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (FDP) Christian Lindner cho rằng đã là thủ tướng thì dù đã rời nhiệm sở vẫn phải "có trách nhiệm chính trị và đạo đức", đó là không phá ngang và phải hỗ trợ cho chính sách đối ngoại của Đức.

Những nhân vật hàng đầu của liên đảng bảo thủ trong Quốc hội Đức như ông Volker Kauder (CDU) và bà Gerda Hasselfeldt (CSU) cũng chỉ trích việc làm của vị cựu Thủ tướng cũng như sự có mặt của ông Mißfelder. Nữ Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Xanh Katrin Göring-Eckardt thậm chí tuyên bố ông Schröder đã phá hỏng các nỗ lực ngoại giao của Ngoại trưởng Steinmeier trong cuộc khủng hoảng Ukraine, và việc gặp Putin lúc này là không phù hợp.

Ông SchröderMột đã có một bữa tiệc sinh nhật "ầm ĩ" với những lời chỉ trích cùng những tiếng nói ủng hộ. Tuy nhiên, có thể ông Schröder có lý và có mục đích của mình khi tổ chức sinh nhật muộn vào giữa lúc "nước sôi lửa bỏng". Sau bữa tiệc tối 28/4 thì ngay tối 29/4, nhiều nguồn tin nói các con tin OSCE, trong đó có 4 người Đức, sẽ sớm được phóng thích.

Mạnh Hùng, Baotintuc