Phông chữ

Bạo lực tại Ukraine vẫn chưa có hồi kếtVì sao thỏa thuận 6 điểm dễ dàng thông qua? Liên minh châu Âu đang thật lòng với Mỹ hay họ tự lựa chọn cho mình những quyết định khôn ngoan hơn?

Thỏa thuận phi thực tế

Những diễn biến nhiều ngày nay trên miền đông và đông nam Ukraine cho thấy những thỏa thuận đạt được trên bàn đàm phán đã trở thành vô nghĩa, khi các bên vẫn giữ thái độ dền dứ, chờ đợi lẫn nhau và chưa có một sự chủ động nào thúc đẩy hiện thực hóa đàm phán này.

Trong cuộc gặp mặt tại Geneva, Nga, Mỹ, EU, Ukraine đã thống nhất về một thỏa thuận bao gồm sáu điểm, với tinh thần chung là "giảm căng thẳng và đảm bảo an ninh cho tất cả các công dân Ukraine". Nhưng ngay bản thân thỏa thuận này đã có những điểm khiến nó khó đi vào thực tế, nếu không muốn nói đến khả năng thành công có tỉ lệ gần như bằng 0.

Như điểm các bên cần kiềm chế các hành động bạo lực, khiêu khích. Thực tế, không phải bạo lực hay khiêu khích, mà mỗi bên ở miền đông hay Kiev đều đang cố bảo vệ quyền lợi của mình. Người biểu tình xuống đường vì lợi ích của họ, tương lai của họ cảm thấy không được đáp ứng. Kiev dùng vũ lực vì chính an nguy của thể chế.

Nhìn nhận một cách khách quan, đây là sự đấu tranh tất yếu giữa các phe phái, sắc tộc trong nội bộ Ukraine. Bạo lực chỉ chấm dứt, khi người biểu tình cảm thấy mình được đảm bảo quyền lợi, và chẳng ai có thể giải quyết vấn đề này thay chính phủ lâm thời Kiev.

Những tay súng giấu mặt tại Donetsk trên một chiếc xe thiết giáp được cho là chiếm được của quân đội Ukraine
Những tay súng giấu mặt tại Donetsk trên một chiếc xe thiết giáp được cho là chiếm được của quân đội Ukraine

Hoăc trong điểm giải giáp vũ khí của lực lượng tự vệ Donetsk. Một điều buồn cười, ai sẽ là người giải giáp lực lượng này? Kiev không thể đưa quân đội mình vào giải giáp họ. Nga, Mỹ, EU không thể buộc họ bỏ súng, bởi các thế lực này đều phủ nhận những người bịt mặt là người của mình.

Hay như vấn đề quan trọng nhất, thỏa thuận này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ổn định nền kinh tế, tài chính của Ukraine. Nhưng xuyên suốt vấn đề này, người thường xuyên gây sức ép cho nền kinh tế vốn suy nhược này lại chính là Nga.

Để giải quyết vấn đề kinh tế Ukraine, đồng nghĩa với việc quốc gia này nhanh chóng trả nợ để không phải chịu thêm sức ép. Và nếu đã thỏa thuận với nhau về việc giúp đỡ Ukraine, có lẽ đã đến lúc Mỹ, EU phải móc hầu bao. Thực tế, Nga thông qua đàm phán để đòi nợ từ chính đối thủ của mình.

Rất có thể, đây cũng là một trong những dự trù của Nga, như một đường lùi để bảo vệ lợi ích của mình suốt nhiều năm trợ giá cho Ukraine. Trong bối cảnh quốc gia này trước chính biến năm 2014, luôn giằng xé giữa sự ảnh hưởng của phương Tây và Nga, và trợ giá khí đốt là một trong những điều kiện để ràng buộc lòng trung của Kiev.

Nhưng đến khi không còn gì để níu kéo, từng bước từng bước, Nga đòi lại những khoản tiền đã mất, cụ thể là khoản triết khấu giá bán năng lượng được tính rõ ràng thành khối nợ hàng tỉ USD.

Thực tế thỏa thuận 6 điểm không đạt được tiến triển đã cho thấy, đây chỉ như một cái bắt tay xã giao, còn những toan tính của các bên vẫn theo kiểu đường ai nấy đi.

Bạo lực tại Ukraine vẫn chưa có hồi kết
Bạo lực tại Ukraine vẫn chưa có hồi kết

Lựa chọn của liên minh châu Âu

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, một lần nữa Mỹ được dịp kiểm chứng đồng minh của mình. Khi liên tiếp kêu gọi đồng minh châu Âu sát cánh tăng mức trừng phạt đối với Nga, hãy xem những ai đáp trả Mỹ?

Anh là cường quốc hưởng ứng nhiệt tình nhất với những lệnh trừng phạt này, bởi kinh tế Anh không bị ràng buộc nhiều với Nga, và bản thân quốc gia này đã sớm tìm sự chủ động về nguồn cung năng lượng. Ngoài ra, nước Anh không phải là thành viên của liên minh châu Âu (EU), họ có thể tự quyết định nước đi của mình mà không phải nhìn trước ngó sau.

Còn EU, một liên minh cồng kềnh với hàng chục quốc gia thành viên, mỗi người một ý, để đạt đến sự thống nhất trong thỏa thuận là một điều khó khăn, bởi bản thân những thành viên này không đồng nhất quan điểm và lợi ích với nhau.

Cụ thể, Tây Âu và Đông Âu đã bất nhất khi nền kinh tế các quốc gia Đông Âu, đặc biệt những nước sát biên giới Nga chịu sự ràng buộc vào kinh tế cũng như năng lượng của Nga. Khi Nga chịu trừng phạt, cô lập, đồng nghĩa với việc các nước thành viên ở Đông Âu cũng hứng chịu những tác động không nhỏ.

Tiêu biểu trong vấn đề khí đốt, EU cũng đang lấp lửng và không thể tự quyết được. Như phát ngôn của Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách năng lượng Guenther Oettinger cho biết ông phản đối việc cắt các mối quan hệ khí đốt với Nga trong vài năm tới nhưng cho rằng EU cần phải đa dạng hóa nguồn cung.

Ngay từ phát ngôn này cho thấy, trước mắt nếu thiếu khí đốt của Nga, EU có thể thiệt hại nặng nề. Và EU đồng tình với việc giảm phụ thuộc vào Nga, nhưng đấy là của thì tương lai, khi vấn đề Ukraine lắng dịu.

Cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU về vấn đề trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine
Cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU về vấn đề trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine

Đến lúc này, EU buộc phải tìm ra minh chủ, và nền kinh tế Đức ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt của mình. Bởi Đức hội tụ đầy đủ các yếu tố: kinh tế nắm vai trò đầu tàu của liên minh, quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga nhưng luôn giữ thế chủ động, vị thế cường quốc của Đức đủ để đặt đối sánh với Nga trên bất kỳ đàm phán nào.

Tuy nhiên, bản thân các nghị sĩ Đức cũng đã phản đối hành động mà EU và NATO thể hiện với Nga trong thời gian qua.

Có thể thấy rằng, EU buộc phải lựa chọn giữa việc nhất nhất theo ý chí Mỹ hoặc tìm cho mình lối đi riêng cho cục diện Ukraine. Mỹ có thể là đồng minh lớn, nhưng người anh em ở xa này không chịu tác động nếu trừng phạt Nga, nhưng EU sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn nếu người láng giềng này nổi giận.

Cách tốt nhất cho EU thời điểm này là đáp ứng một cách cầm chừng yêu cầu của Mỹ, đủ để cảnh cáo Nga, nhưng không đủ để sự việc đi quá xa và khiến hàng xóm láng giềng không nhìn được mặt nhau.

Và thực tế, những thỏa thuận chung chung, mơ hồ mà tại Geneva đạt được đã phần nào thể hiện quan điểm của EU. Theo chuyên gia phân tích thế giới của New York Times nhận định, EU sẽ chỉ mạnh tay với Nga nếu Moscow can thiệp quân sự vào Ukraine.

Lòng dân Ukraine muốn gì?

Gần đây, một kết quả thăm dò dân ý của Viện Xã hội học quốc tế Kiev đăng tải trên tờ báo tiếng Nga Weekly Mirror cho thấy 52,2% người dân trong khu vực này được hỏi cho biết họ không đồng ý gia nhập Nga, so với con số 27,5% người đồng ý.

Vẫn xảy ra xung đột giữa người biểu tình và lực lượng chống khủng bố dù đã có kết quả đàm phán
Vẫn xảy ra xung đột giữa người biểu tình và lực lượng chống khủng bố dù đã có kết quả đàm phán

Cuộc thăm dò được tiến hành trên 3.200 người sống trên khu vực Đông Nam nói tiếng Nga của Ukraine và số người phản đối việc Moskva kiểm soát khu vực này là 69,7%.

Tại vùng Donetsk, 38,4% người được hỏi ủng hộ đề nghị liên bang hóa Ukraine của Moscow và 41% cho biết họ muốn phi tập trung hóa quyền lực. Những người dân ở miền Đông Ukraine vẫn tỏ ra rất hoài nghi về giới chức tạm quyền tại Kiev và 74% coi Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov là bất hợp pháp.

Kết quả thăm dò vừa được công bố khiến người ta nhớ đến một thăm dò xã hội mà Kiev đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Theo đó, đại đa số người dân Crimea được hỏi phản đối quyết định sáp nhập Nga. Ngoài ra, kết quả hôm trưng cầu 16/3 cũng bị phương Tây chỉ trích là dàn dựng.

Thực tế, những kết quả này cũng như một chiêu trò của các thế lực chống đối nhau. Còn còn thực tế, tại miền đông và đông nam Ukraine, những người biểu tình không tỏ ý nhượng bộ khi tiếp tục các hoạt động biểu tình và chiếm đóng các tòa nhà công quyền.

Đông Phong, Datviet