Phông chữ
GS.TSKH Nguyễn Xuân Thính vừa được chọn là một trong những gương mặt nước ngoài tiêu biểu, hội nhập thành công của tiểu bang Sachsen (Đức).

GS Nguyễn Xuân Thính, sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sang Đức du học từ năm 1978, tốt nghiệp chuyên ngành toán, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ngành Địa tin học.

Ông hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Sinh thái và phát triển vùng mang tên nhà khoa học nổi tiếng Leibniz (IOER) và Trường ĐH Tổng hợp Rostock.

Hiện nay, GS Thính đang chủ trì thực hiện dự án về biến đổi khí hậu và quy hoạch đô thị theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả tại TP.HCM “ do Bộ Khoa học và Đào tạo Đức tài trợ toàn phần trong vòng 5 năm (2008 - 2013). Dự án này có sự tham gia của 7 viện nghiên cứu và trường ĐH Đức cùng với 15 cơ quan, viện nghiên cứu và Trường ĐH  tại TP.HCM, Hà Nội.

Ngoài ra, ông rất nhiệt tình giúp đỡ các nhà khoa học Việt Nam, nhất là các tài năng trẻ sang Đức thực tập nghiên cứu khoa học.

Hiện ông đang tham gia hướng dẫn ba nghiên cứu sinh Việt Nam đang làm luận án tiến sĩ. Sắp tới, GS sẽ tiếp tục triển khai các dự án hợp tác khoa học giữa Viện IOER với các trường đại học và Viện nghiên cứu ở Hà Nội, phục vụ cho việc quy hoạch phát triển vùng và đô thị phía bắc.

Dưới đây là một phần phần bài phỏng vấn GS Nguyễn Xuân Thính do trang web của tiểu bang Sachsen thực hiện nhân dịp bình chọn này:

Phóng viên: Thưa Giáo sư, viện nghiên cứu của ông có gì đặc biệt?

GS Nguyễn Xuân Thính:
Viện nghiên cứu và phát triển vùng (IOER) là viện nghiên cứu lớn nhất ở Đức chuyên về quy hoạch, phát triển đô thị, vùng.

Chúng tôi nghiên cứu ảnh hưởng lâu dài của phát triển đô thị, phát triển vùng tới môi trường, hệ sinh thái. Đây là một Viện nghiên cứu đa ngành, và có hợp tác quốc tế rộng rãi.

Hiện nay, tôi đang thực hiện một dự án về biến đổi khí hậu và quy hoạch đô thị theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả tại TP.HCM và quản lý một dự án về quan trắc chất lượng sống và nâng cấp đô thị tại Dresden.

Ưu thế khoa học của IOER là gì?

Các tài năng trẻ là một ví dụ. Chúng tôi kết hợp với Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden để đào tạo sau đại học. Ngoài ra, chúng tôi duy trì hợp tác khoa học với hơn 20 nước châu Âu, châu Phi và các nước châu Á đặc việt là với Việt Nam, Trung Quốc và Nam Triều Tiên.

Tại sao ông muốn sống và nghiên cứu tại Dresden?

Tôi thích thành phố này ngay từ khi mới đến, những con đường bên hai bờ sông Elbe, bao quanh bởi những triền đồi xanh, những ngôi nhà mang kiến trúc ba rốc, và một nền văn hóa phong phú.

 Ngoài ra, Dresden là một trung tâm nghiên cứu lớn với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, và thư viện hiện đại và nổi tiếng của bang Sachsen.

Có nhiều sự kiện khoa học được tổ chức hàng năm ở Dresden: triển lãm, hội thảo, bảo tàng.

Tôi thích chất lượng cuộc sống ở đây, nhiều cây xanh và công viên công cộng, sông Elbe, nơi gia đình tôi đi dạo hoặc đạp xe cuối tuần.


Minh Hạnh