Phông chữ

merkel-1377750182.jpgBà Angela Merkel nhận xét người tiền nhiệm của bà - ông Gerhard Schroeder đã sai lầm khi chấp thuận cho Hy Lạp gia nhập eurozone, và đồng ý nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về ngân sách vốn để củng cố đồng euro.

"Cuộc khủng hoảng đã được hình thành suốt nhiều năm qua do những sai lầm kể từ khi đồng euro xuất hiện. Ví dụ, họ lẽ ra không nên cho Hy Lạp vào eurozone. Cựu thủ tướng Schroeder đã làm việc này và còn nới lỏng các hiệp ước để duy trì ổn định khu vực. Cả hai đều là sai lầm căn bản và là nguyên nhân cho các vấn đề của chúng ta hôm nay", bà cho biết trong buổi vận động cho cuộc bầu cử tháng tới.

Sau khi Hy Lạp dùng đồng euro năm 2001, chi tiêu công và vay Chính phủ của nước này đã tăng vọt. Việc này khiến họ không thể trả nợ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Từ năm 2009, Hy Lạp đã phải nhận hai gói cứu trợ từ bộ ba Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với tổng trị giá 240 tỷ euro (320 tỷ USD).

merkel-1377750182.jpg
Bà Merkel cho rằng việc Hy Lạp gia nhập eurozone là sai lầm. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, các gói cứu trợ khẩn cấp cũng đi kèm nhiều điều kiện. Trong đó có thắt lưng buộc bụng, góp phần đáng kể khiến kinh tế Hy Lạp suy thoái suốt 6 năm qua và tỷ lệ thất nghiệp lên kỷ lục 28%.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức đã đóng góp rất lớn vào các quỹ cứu trợ trên. Tuy nhiên, bà Merkel cũng bị chỉ trích rất nhiều tại Hy Lạp và các nước khác vì đề ra các biện pháp thắt chặt quá khắc nghiệt.

Tuy nhiên, chính sách này lại có tác dụng tại Đức. Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy bà Merkel có thể đắc cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử ngày 22/9 tới, do tăng trưởng kinh tế tại Đức và dấu hiệu phục hồi tại eurozone.

Dù vậy, giới phân tích nhận định bà Merkel sẽ không thay đổi chính sách với Hy Lạp và các nước khó khăn khác như Bồ Đào Nha hay Síp. Bà cùng Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaueble vẫn quyết định giữ Hy Lạp ở lại eurozone và chuẩn bị hỗ trợ thêm tài chính cho quốc gia này. Số tiền có thể khoảng 10 tỷ euro.

Trả lời trên CNN, Schaueble cho biết, trừ Hy Lạp, những quốc gia khác tại eurozone có thể không cần cứu trợ thêm nữa. Ông cũng loại trừ khả năng các nước sẽ lại xóa nợ cho Hy Lạp như năm ngoái với số tiền lên tới 100 tỷ euro.

Giới phân tích cho rằng kể cả có thay lãnh đạo, Đức cũng sẽ không đổi phương thức xử lý cuộc khủng hoảng nợ. "70% người bầu cử tại Đức và các đảng chính từ cánh tả đến cánh hữu đều ủng hộ biện pháp hiện tại của nước này. Đó là giúp đỡ có điều kiện", Holger Schmieding - chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Berenberg cho biết.

  • Thùy  Linh, VNE