Phông chữ

Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel vừa thông qua kế hoạch ngân sách dài hạn, trong đó dự kiến số tiền nước này phải vay mượn trong năm 2014 sẽ ở mức thấp nhất trong 40 năm và cân bằng ngân sách vào năm 2015, điều khiến nền tài chính của Đức trở thành hình mẫu cho châu Âu.

Theo dự thảo ngân sách mà Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble và Bộ trưởng Kinh tế Philipp Rösler cùng công bố, Đức sẽ chỉ phải vay 6,4 tỷ euro (8,3 tỷ USD) trong tổng ngân sách liên bang 296,9 tỷ euro và hoàn toàn không thâm hụt về cơ cấu trong năm 2014, không phải vay mượn trong năm 2015 và đạt thặng dư ngân sách 5 tỷ euro trong năm 2016.

Thâm hụt ngân sách liên bang của Đức (không bao gồm chi tiêu ở cấp địa phương và khu vực) đã giảm từ 44 tỷ euro năm 2010 xuống 22,5 tỷ euro năm 2012 và dự kiến sẽ ở mức 17,1 tỷ euro năm 2013.

Ông Rösler đánh giá thành công của Đức trong vấn đề ngân sách là mang tính lịch sử trong bối cảnh khu vực đang phải đương đầu với khủng hoảng nợ. Theo ông, khủng hoảng đã cho thấy sự cần thiết của việc duy trì sự vững vàng về tài chính và "kim chỉ nam" này đã giúp Đức trở thành nước đi tiên phong ở châu Âu.

Ông cũng cho rằng sự thành công của Đức với chính sách củng cố tài chính định hướng tăng trưởng là điều cả thế giới thèm muốn. Trong khi đó, ông Schaeuble nói kế hoạch ngân sách đã cho thấy không có sự mâu thuẫn giữa việc củng cố tài chính và tăng trưởng kinh tế mà ngược lại chúng còn hỗ trợ lẫn nhau, trong đó tài chính công vững vàng là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế.

Điều đáng nói là Đức đã hạ được thâm hụt ngân sách mà vẫn duy trì mức chi ổn định tương đối ở khoảng 300 tỷ euro kể từ năm 2010, khi nguồn thu thuế tăng mạnh, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, và lãi suất vay mượn thấp nhất trong khu vực, nhờ trái phiếu có độ an toàn cao.

Những cải cách thị trường lao động được áp dụng từ một thập niên trước đã phát huy tác dụng, giúp hạ tỷ lệ thất nghiệp ở Đức xuống mức thấp nhất kể từ khi tái thống nhất năm 1990. Tuy nhiên, khủng hoảng cũng đã tác động tiêu cực đến kinh tế lớn nhất châu Âu, thể hiện ở việc tăng trưởng kinh tế của nước này giảm từ 4,2% năm 2010, xuống 3% năm 2011 và 0,7% năm 2012, và mức dự kiến cho năm 2013 này là 0,4%.

Mặt khác, triển vọng tài chính sáng sủa của Đức đã phơi bày chia rẽ sâu sắc ở châu Âu, khi nhiều nước vẫn không dễ dàng hạ mức nợ và thâm hụt ngân sách hiện quá cao. Kế hoạch ngân sách của Đức được đưa ra một ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), trong đó tập trung bàn về việc tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và các biện pháp khắc khổ gây nhiều đau đớn.

Bên ngoài nước Đức, khủng hoảng nợ đang gây những tác động nghiêm trọng, là nguyên nhân khiến 26 triệu người thất nghiệp trên toàn châu Âu.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề ngân sách và có thể cho Pháp và Tây Ban Nha thêm thời gian để đạt được các mục tiêu về thâm hụt ngân sách./.
 

  • Lê Minh (TTXVN)