Phông chữ

Bất chấp diễn biến ngày càng khó lường của cuộc khủng hoảng nợ công đang làm nản lòng giới đầu tư và thậm chí cả các thành viên trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), lãnh đạo hai quốc gia Đức và Pháp vẫn nỗ lực miệt mài nhằm cứu vãn "niềm tự hào" của cựu lục địa.

Không hổ danh là những trụ cột trong Liên minh Châu Âu (EU), quyết tâm chính trị của "bộ đôi Merkolande" liên tục thể hiện trong những ngày qua bằng những cuộc gặp thượng đỉnh và điện đàm với mục tiêu giữ vững Eurozone trước cơn bão tài chính khủng khiếp nhất kể từ khi đồng euro ra đời.

Gần đây nhất, ngày 23-8, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande lại có cuộc gặp tại Berlin để bàn thảo về vấn đề này. Dư luận tạm được trấn an bởi những phát biểu có vẻ đồng thuận của hai nhà lãnh đạo tại cuộc họp báo kết thúc cuộc gặp với mong muốn Hy Lạp sẽ ở lại Eurozone; đồng thời kêu gọi các nước thành viên hướng tới trách nhiệm chung. Ngay sau đó, Thủ tướng A.Merkel còn khởi động chiến dịch mang tên "Tôi muốn Châu Âu" nhằm thuyết phục người dân Đức về những lợi ích của sự thống nhất Châu Âu và khẳng định điều này sẽ mang lại "hòa bình, thịnh vượng và sự cảm thông với các nước láng giềng".

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Pháp F.Hollande đang buộc phải xây dựng "lòng tin" do hầu hết các cuộc trưng cầu dân ý trong khối đều cho thấy mối hoài nghi về tương lai đồng euro và tâm lý muốn rời khỏi "ngôi nhà chung" đang gia tăng chóng mặt. Hai nhà lãnh đạo đều nhận thức rõ, nếu chia rẽ trong lúc này - về cách thức kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính - thì nguy cơ cả châu lục bị nhấn chìm sẽ là hiện thực. Có nhiều bằng chứng cho thấy, các nhà đầu tư ở Châu Âu đang rời bỏ đồng euro để đến với các kênh trú ẩn khác như vàng hoặc bất động sản. Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja thậm chí tuyên bố, nước này đã chuẩn bị kế hoạch phòng khi đồng tiền chung euro biến mất. Còn tại Anh, có tới 51% số người được hỏi không còn muốn đảo quốc sương mù ở trong EU.

Trên thực tế, danh sách bất đồng Pháp - Đức về phương thức xử lý khủng hoảng nợ lại vừa được bổ sung thêm một mục mới liên quan tới chuyến "marathon ngoại giao" của Hy Lạp để vận động hành lang các nhà lãnh đạo trong Eurozone đồng ý kéo dài thời hạn thực hiện "thắt lưng buộc bụng" do mục tiêu cắt giảm 11,5 tỷ euro trong năm nay của nước này vẫn còn thiếu khoảng 700 triệu euro. Trong khi đó, Athens cũng muốn nâng thời hạn chương trình khắc khổ lên 4 năm, tính từ năm 2013, thay vì 2 năm như hiện tại để có thêm ngân quỹ.

Theo quan điểm của nền kinh tế đứng đầu Châu Âu, Athens phải tuân thủ thời hạn đã đặt ra nếu muốn nhận được gói giải cứu thứ hai. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolgang Schube đã thẳng thừng cho biết: "Thêm thời gian nữa có nghĩa là mất thêm tiền". Trong khi đó, dù Tổng thống Pháp F. Hollande cũng phải đối mặt với không ít sức ép từ trong nước như: thất nghiệp, dự báo tăng trưởng u ám; song, nhà lãnh đạo thuộc đảng Xã hội vẫn đưa ra tín hiệu sẵn sàng "linh động" với trường hợp của Athens mà cụ thể ở đây là kéo dài thời hạn "thắt lưng buộc bụng" của Athens.

Vì vậy, có ý kiến cho rằng, dù thể hiện quyết tâm chính trị trước Eurozone, song về cơ bản cuộc gặp "Merkolande" sẽ không thu hẹp được khoảng cách Đức - Pháp về quan điểm xử lý cuộc khủng hoảng nợ công mang tên Hy Lạp.

"Số phận" gói cứu trợ tiếp theo cho Hy Lạp như vậy chưa thể được quyết định trong tuần này dù Thủ tướng Antonis Samaras có cuộc gặp với Thủ tướng Đức A.Merkel trong ngày 24-8 và Tổng thống Pháp F.Hollande trong ngày hôm nay (25-8). "Bóng" đã được chuyền sang sân nhóm chủ nợ của Hy Lạp gồm EU, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Và, thị trường Châu Âu lại thêm một phen "nín thở" từ nay tới tháng 9. Vì lúc đó, các kiểm toán viên của "bộ ba" này mới đưa ra "phán quyết" về việc Hy Lạp có đủ điều kiện hay không để rót tiếp 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ 130 tỷ euro; đúng vào thời điểm Athens không còn khả năng thanh khoản cho các món nợ đáo hạn.

  • Quỳnh Chi, HNM