Phông chữ

Theo dữ liệu sơ bộ mới được công bố dựa trên khoảng 85% trả lời DN của Cơ quan Thống kê Liên minh Châu Âu (Eurostat) hôm 23.8, chỉ số quản lý mua hàng PMI tổng hợp, đo lường cả sản xuất và dịch vụ của eurozone tăng nhẹ lên 46,6 từ 46,5 tháng 7.


Đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số này dưới mốc 50 phân biệt tăng trưởng và suy giảm, chỉ ra hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ giảm. Chỉ số phụ đo lường sản lượng, nhân tố đóng vai trò quan trọng giúp kinh tế eurozone hồi phục từ đợt suy thoái trước, cải thiện khi tăng lên 44,6 từ 43,4. Trong khi đó, các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động nhưng với tốc độ chậm hơn, khi chỉ số phụ đo lường lao động tăng lên 46,2 từ 44,5 tháng trước.

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là khủng hoảng có vẻ lan sang các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực, khi PMI tổng hợp của Đức giảm xuống 47, thấp nhất 3 năm và đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp ngành sản xuất, dịch vụ Đức thu hẹp lại. Trong khi đó, sản xuất và dịch vụ của Pháp giảm tháng thứ 6 liên tiếp.

Cùng với diễn biến này thì mới đây, Goldman Sachs lại đưa ra cảnh báo: Tây Ban Nha sẽ cần cứu trợ toàn diện vào giữa tháng 9. Cụ thể là trong một báo cáo công bố hôm 22.8, Goldman Sachs cho rằng, Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ xin cứu trợ toàn diện để tránh vỡ nợ sớm nhất là vào giữa tháng 9. Trước đó, quốc gia này đã được phê chuẩn gói cứu trợ 100 tỉ euro (124 tỉ USD) để tái cấp vốn cho hệ thống NH. Tuy nhiên, hiện Tây Ban Nha đối mặt với đáo hạn nợ vào tháng 10 tới, do đó NĐT và giới chuyên gia cho rằng nước này sẽ tiếp tục xin cứu trợ từ bên ngoài. Cùng với cảnh báo này, cơ quan xếp hạng Standard & Poor’s cũng khẳng định, xếp hạng tín nhiệm nợ của Tây Ban Nha sẽ không bị ảnh hưởng ngay cả khi Chính phủ nước này xin cứu trợ toàn diện. Standard & Poor’s cho rằng, gói cứu trợ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cải cách của Tây Ban Nha.

Bên cạnh lo ngại của cả khu vực, quốc gia chịu tác động sâu sắc nhất là Hy Lạp lại thêm một lần lún sâu vào khủng hoảng với khả năng tiến tới giảm ngân sách thêm 2 tỉ USD. Dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Hy Lạp, đại diện này cho biết nước này định giảm ngân sách mạnh hơn, nhằm bù đắp doanh thu thuế giảm do thắt lưng buộc bụng. Cụ thể, chính phủ Hy Lạp muốn giảm chi tiêu ngân sách 13,5 tỉ euro (16,7 tỉ USD) trong 2 năm tới, cao hơn mục tiêu thông báo trước đó khoảng 2 tỉ euro. Cắt giảm này, gồm cả giảm lương hưu và lương khu vực công, có thể ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng, làm hạ nhu cầu hàng hóa dịch vụ, có thể khiến chính phủ mất tầm 2 tỉ euro doanh thu thuế cũng như đóng góp an sinh xã hội so với không cắt giảm - theo quan chức dấu tên này.

Theo các điều khoản với thỏa thuận cứu trợ gần nhất với Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hy Lạp phải giảm ngân sách khoảng 5,5% GDP, hay khoảng 11,5 tỉ euro, nhằm thu hẹp chênh lệch ngân sách năm 2013 và 2015, tiến tới giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới giới hạn thâm hụt 3% của khu vực đồng euro (Eurozone).   

  • Theo Laodong