Phông chữ

Tổng giám đốc điều hành (CEO) Chrysler, hãng xe Mỹ từng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản cách đây một năm, Sergio Marchionne, hi vọng công việc kinh doanh của hãng đạt mục tiêu hoà vốn trong năm nay, trước khi tính tới triển vọng có lãi.


Hôm 31/3, nói chuyện trong một diễn đàn ô tô tại triển lãm ô tô quốc tế New York 2010, ông Sergio Marchionne, kiêm CEO Fiat, đối tác hiện nay của Chrysler cho biết hiện thương hiệu sản xuất xe Mỹ này đang có trong tay khoảng năm tỷ đô la tiền mặt.

Số tiền này chỉ bằng khoảng một nửa khoản tiền mặt Chrysler có hồi năm 2007, sau khi quỹ đầu tư Cerberus Capital Management mua lại thương hiệu này từ tập đoàn Daimler AG của Đức.

Cuộc suy thoái kinh tế 2009 khiến doanh số bán xe tại Mỹ giảm thê thảm khiến Chrysler, và General Motors, hai trong số ba nhà sản xuất ô tô lớn tại thành phố công nghiệp Detroit, cái nôi của ngành công nghiệp ô tô Mỹ phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Một năm trước ngày 31/3, Chrysler lên kế hoạch xin được tự tái cơ cấu nhnưg không được chính quyền Tổng thống Obama thông qua, và bắt đầu quá trình bảo hộ phá sản theo điều luật mang tên Chapter 11 của Mỹ.

Chrysler tuyên bố phá sản vào ngày 1/5/2009, và trở lại sau khoảng sáu tuần sau đó với sự trợ giúp của chính phủ. Hãng xe Italia, Fiat, tham gia liên doanh, nắm quyền quản lý Chrysler, thương hiệu nhận được khoảng 15 tỷ đô la tiền ngân sách trợ giúp, từ cả chính quyền (cựu tổng thống) Bush và Tổng thống Obama.

Và tại cuộc họp báo trong ngày đầu tiên dành cho giới truyền thông tại triển lãm ô tô New York 2010, trong khi đọc bài phát biểu thường bị ngắt quãng bởi thành viên nghiệp đoàn nhân công ngành công nghiệp ô tô Mỹ, ông Marchionne cho biết Chrysler làm ăn không lỗ trong năm nay, và từ chối dự đoán khi nào hãng sẽ có thể kinh doanh có lãi.

Một trong những bước đi đầu tiên của hãng để lành mạnh hoá tình hình tài chính là cắt giảm biên chế. Tiếp đó, Chrysler lập dự án xây dựng nhà máy mới với đối tác Fiat trong tháng này, nhắm mục tiêu tăng trưởng ổn định, ông Marchionne cho biết thêm trong cuộc họp báo được tài trợ bởi Hiệp hội phân phối ô tô Mỹ và IHS Global Insight, công ty chuyên về phân tích kinh tế thế giới.

Doanh số bán xe tháng ba tại Mỹ được dự báo khả quan, đạt thị phần trung bình hàng năm của hãng trong tổng số 11,5 triệu chiếc được bán ra. Thị trường ô tô Mỹ khá sôi động trong tháng qua, sau khi các hãng xe tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, nhất là Toyota, vốn đang tìm cách thu hút khách hàng trở lại sau khi danh tiếng bị suy giảm từ cơn bão thu hồi xe với hơn sáu triệu chiếc tại Mỹ trong tổng số 8,5 triệu trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Chrysler đang phải gánh chịu sự chỉ trích từ nhiều đại lý cũ của hãng, vốn đang tức giận sau khi Chrysler quyết định đóng cửa 800 đại lý bán xe như một phần hồ sơ xin bảo hộ phá sản.

Theo luật liên bang Hoa Kỳ, các công ty muốn phá sản được phép chấm dứt hợp đồng với các đối tác bán hàng, điều đó cho phép Chrysler và G.M đóng cửa hàng trăm đại lý.

Ông Marchionne cho biết Chrysler đồng ý nhận lại khoảng 86 đại lý, khoảng một phần tư số đại lý từng bị hãng chấm dứt hợp đồng, và đầu tư 500 triệu đô la để nâng cấp các đại lý.

Ông Marchionne, từng là một luật sư, trở thành một nhà kinh doanh nổi tiếng tại châu Âu sau khi dẫn dắt Fiat từ một hãng làm ăn thua lỗ xoay chuyển tình thế ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.


Nam Hoài