Phông chữ

Hôm nay (18-5, giờ Mỹ), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8 - gồm: Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga và Mỹ) sẽ diễn ra trong hai ngày tại trại David, bang Maryland (Mỹ).

Là diễn đàn quy tụ các nhà lãnh đạo lớn nhất thế giới, chương trình nghị sự của cuộc gặp G8 năm nay không nằm ngoài các vấn đề nóng trên toàn cầu như: tình trạng bạo lực leo thang tại Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên, tiến trình chuyển giao sứ mệnh bảo đảm an ninh tại Afghanistan, công cuộc cải cách của Myanmar, nguy cơ mất an ninh lương thực tại Châu Phi… Nhưng, trọng tâm cuộc gặp mặt của những "ông lớn" trong thế giới phát triển sẽ vẫn là tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành dữ dội tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
 
Trước các con mắt trên toàn thế giới đang hướng vào cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone và đe dọa cuốn thế giới vào một vòng xoáy khủng hoảng mới, rõ ràng "căn bệnh" nợ công đang đè nặng lên tâm trạng của các nhà lãnh đạo G8. Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G8 mới đây nhất - hồi năm ngoái tại Deauville (Pháp) - đến nay, hai nhà lãnh đạo Nicolas Sarkozy của Pháp và Silvio Berlusconi của Italia đều đã phải trả giá bằng chiếc ghế Tổng thống. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng vừa hứng chịu một thất bại mà người phụ nữ quyền lực nhất Châu Âu thừa nhận là "cay đắng và đau đớn" trong các cuộc bầu cử khu vực. Nên cơ sự này có nguyên nhân bởi người đứng đầu nội các Đức luôn một mực cho rằng khắc khổ vẫn là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại Eurozone. Thậm chí, cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp và Tây Ban Nha càng làm tăng thêm những đồn đoán rằng cuộc khủng hoảng tại Châu Âu có thể vượt sang bên kia bờ Đại Tây Dương, làm đình trệ nền kinh tế Mỹ vốn đang bị chao đảo và tác động trực tiếp tới cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Thực tế, tình trạng kinh tế lụn bại đang lan khắp Châu Âu đã làm dấy lên lời kêu gọi về một thay đổi chú trọng đến các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thay vì chính sách khắc khổ. Nói cách khác, chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà Châu Âu đang theo đuổi dường như đã không phát huy tác dụng. Theo Uri Dadush, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment, Hội nghị G8 lần này sẽ là cơ hội để Mỹ, Pháp, Italia và có thể là cả Anh kêu gọi Đức "linh hoạt" hơn với cuộc phục hồi kinh tế tại Châu Âu và "gật đầu" để cho các nước này tăng lương. Tuy nhiên, vào thời điểm này, rất ít người tin rằng các nhà lãnh đạo G8 sẽ ủng hộ cho một thay đổi quan trọng mang tính đột phá mới trong cách ứng phó của Châu Âu với cuộc khủng hoảng hiện nay. Dẫu vậy, vì Hy Lạp đang có nguy cơ bị loại khỏi Eurozone, nên khối G8 cần phải tìm cho ra giải pháp với một tầm nhìn rộng lớn hơn. Nhà nghiên cứu Simon Johnson của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Washington, Mỹ) hy vọng vấn đề này sẽ được thảo luận và Mỹ và những nước khác sẽ thúc giục Châu Âu xem xét lại cấu trúc của Eurozone và thay thế nó bằng một thứ gì đó mang tính bền vững nhiều hơn "chẳng hạn như một thực thể tài chính thống nhất hơn". Cũng theo ông S.Johnson, nếu Châu Âu không tránh được một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, thì đương kim Tổng tống B.Obama có thể sẽ gặp thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm nay sẽ là diễn đàn quốc tế quan trọng đầu tiên có sự góp mặt của tân Tổng thống Pháp Francois Hollande và sự xuất hiện lần đầu tiên của Thủ tướng Italia Mario Monti cùng Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Tuy nhiên, tân Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhân vật rất được trông đợi lại không tham dự.

Như vậy, "căn bệnh" nợ công đang làm chao đảo cả Eurozone nói riêng và Châu Âu nói chung đã phủ bóng lên cuộc gặp G8. Hy vọng về một Châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ sẽ càng trở nên mong manh nếu các nhà lãnh đạo G8 năm nay chỉ dừng lại ở các cam kết ngoại giao mà không đưa ra được những giải pháp cụ thể.

  • Thùy Dương, HNM