Phông chữ

Nếu cuối cùng các hình thức đảm bảo buộc phải được thực thi, nó có thể biến Đức thành một trong những con nợ lớn nhất của châu Âu.


Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế châu Âu, chính phủ Đức đã yêu cầu các nước láng giềng thực hiện các chính sách tài khóa thắt chặt, buộc nhà đầu tư tư nhân nắm giữ trái phiếu chính phủ Hy Lạp phải chịu thiệt hại và đồng thời đẩy một số chính trị gia thiếu hợp tác phải từ chức.

Khi yêu cầu các nước khác uống “liều thuốc đắng”, chính Đức cũng phải trả giá: khoảng 600 tỷ USD các khoản vay, đảm bảo và tiền chi trả để giúp duy trì được khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trong nhóm 17 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, Đức là động lực kinh tế và chính trị. Nếu không có tiền từ Đức, thử nghiệm đồng tiền chung hẳn thất bại thế nhưng chắc chắn một điều Đức cũng không muốn điều đó xảy ra.

Đồng tiền chung đã giúp nước Đức có một thị trường xuất khẩu thuận lợi, không phải chuyển đổi tỷ giá và chịu nhiều rủi ro khác. Cho đến nay, những gì mà chính phủ Đức đưa ra chủ yếu là hình thức đảm bảo về các khoản vay có thể sẽ chẳng bao giờ khiến Đức mất đồng tiền nào và đến nay chẳng ảnh hưởng gì đến ngân sách hay xếp hạng tín dụng của Đức.

Nếu cuối cùng các hình thức đảm bảo buộc phải được thực thi, nó có thể biến Đức thành một trong những con nợ lớn nhất của châu Âu, sức khỏe kinh tế của khu vực không khỏi chịu tác động. Mức thiệt hại có thể lên đến khoảng 20% tổng sản phẩm kinh tế hàng năm của nước này.

Kết quả từ cam kết của Đức đã trở nên rõ ràng trong những ngày qua khi Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khu vực đồng tiền chung nhóm họp để bàn về việc mở rộng quy mô quỹ giải cứu cho khu vực. Phần lớn các nước thuộc khu vực đồng tiền chung đều góp tiền cho quỹ. Thế nhưng gánh nặng lớn nhất đè lên vai nước Đức, nước có tổng GDP đạt 3 nghìn tỷ USD, tương đương 25% tổng GDP của toàn khu vực đồng tiền chung.

Trong suốt cuộc khủng hoảng vừa qua, chính phủ Đức luôn ngần ngại với các gói giải cứu và trợ cấp. Việc chính phủ Đức không ngừng phản đối đã đẩy khu vực đến bên bờ vực thảm họa. Tháng 5/2010, Hy Lạp đã gần vỡ nợ trước khi chính phủ Đức chấp nhận gói giải cứu đầu tiên.

Ông Carlo Bastasin, giáo sư tại viện Brookings Institution, khẳng định: “Để nhận được sự ủng hộ của chính phủ Đức, cái giá phải trả thật không rẻ tý nào.” Ông chỉ ra cái giá phải trả ở đây bao gồm không ít lãnh đạo của Hy Lạp và Italy mất chức khi không đưa ra biện pháp đủ mạnh để giảm nợ và áp dụng các biện pháp thắt chặt ngân sách và giảm chi tiêu công tại nhiều nước.

Trong các cuộc tranh luận về quy mô của gói giải cứu, chính phủ Đức khẳng định rằng không cần phải tăng thêm và rằng mọi thứ sẽ có thể phản tác dụng nếu giảm bớt áp lực buộc chính phủ các nước cải thiện tình hình tài chính.

Nước Đức gần như cô độc trong sự phản đối về việc nâng quy mô quỹ cứu trợ. Chính phủ Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác, trong đó bao gồm cả châu Âu, đã không ngừng khẳng định cần quỹ lớn hơn để nhà đầu tư tự tin rằng có đủ tiền để cứu bất kỳ nước nào gặp khó khăn.

Quyết định tăng quy mô giải cứu cuối cùng thực ra là sự nhượng bộ của chính phủ Đức. Đến tháng 3/2010, Thủ tướng Đức vẫn khẳng định không cần thiết phải có thêm tiền cứu trọ cho Hy Lạp, Hy Lạp cần phải tự giải quyết được các vấn đề của mình. Thế nhưng chỉ sau đó 2 tháng, bà đã cam kết hỗ trợ 27 tỷ USD cho Hy Lạp và đồng ý đảm bảo 27% tiền cho quỹ giải cứu khu vực.

  • Minh Thủy (TTVN/WashingtonPost,AP)