Phông chữ

Ngay cả tài sản trú ẩn an toàn cũng có những rủi ro nhất định. Đây là thực tế mà những trái chủ nắm giữ trái phiếu chính phủ Đức hiện phải đối mặt.


Giá trị trái phiếu chính phủ Đức – được coi là nơi trú ẩn trong cơn bão nợ của châu Âu trong suốt hai năm qua – đã bắt đầu sụt giảm khi tâm lý nhà đầu tư về các quốc gia châu Âu khác bắt đầu ổn định.

Hôm qua, lợi suất – lãi suất biến động theo thị trường – của trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm, đã lên mức 2,07%, tăng 18% so với tuần trước. Tuy nhiên, đến cuối ngày, nó đã giảm về 1,98%.

Vì lợi suất trái phiếu tăng khi giá trị trái phiếu giảm, điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nắm giữ chúng sẽ cảm thấy giá trị đầu tư của mình sụt giảm đi tương ứng so với giá trị hồi tuần trước. Trong số đó, hiện nhiều trái chủ là các ngân hàng châu Âu, vốn đã có đủ vấn đề phải đương đầu, không xét tới giá trị của các khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Đức.

Sự đi lên của lợi suất phần nào phản ánh sự chuyển hướng của các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tài sản vào trái phiếu của các quốc gia như Italy và Tây Ban Nha. Những trái phiếu này có lãi suất cao hơn nhiều so với trái phiếu chính phủ Đức nhưng lại có mức độ rủi ro được đánh giá thấp hơn so với một vài tháng trước, khi châu Âu cho dấu hiệu vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng.

Khi cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng, Đức là một nền kinh tế khá mạnh mẽ với kỷ luật tài chính giúp trái phiếu của quốc gia này trở nên an toàn, do đó lợi suất trái phiếu giảm xuống dưới mức lạm phát.

Các nhà đầu tư tìm tới trái phiếu Đức như một tài sản đầu tư an toàn, cũng như nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ trong những năm gần đây. (Những người nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ hiện cũng đang trải qua mức sụt giảm tương tự về giá trị thị trường của các khoản đầu tư).

Sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư châu Âu là tin tốt cho Italy và Tây Ban Nha vì nó đồng nghĩa với việc ít nhất đã có một số nhà đầu tư đã không còn coi trái phiếu của các quốc gia này là nguy hiểm.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy đã tăng lên mức 4,9% trong hôm thứ Tư, vẫn cao hơn lợi suất trái phiếu Đức nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức 7% hồi tháng 11.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những mặt tối của các ngân hàng châu Âu, vốn đã liên tục mua vào trái phiếu chính phủ Đức trong hai năm qua. Các nhà quản lý đánh giá lượng trái phiếu chính phủ Đức mà 90 ngân hàng lớn nhất châu Âu nắm giữ tính tới tháng 6 năm ngoái là 489 tỷ EUR (645 tỷ USD).

Một số nhà phân tích thậm chí đã nhắc đến sự kiện bùng nổ bong bóng trái phiếu chính phủ Đức.

“Trái phiếu chính phủ Đức có lẽ là tài sản phổ biến nhất được các ngân hàng châu Âu nắm giữ”, Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics nhận định. “Bất kỳ sự suy giảm nào của tài sản được nắm giữ rộng rãi như trái phiếu chính phủ Đức đều sẽ là một thông tin không vui và có thể đóng góp vào sự đi xuống của sự tín nhiệm, vấn đề tôi coi là rắc rối lớn tiếp theo của châu Âu.”

Một vấn đề nữa là nhiều ngân hàng thu lợi từ trái phiếu Đức khi họ vượt qua bài kiểm tra “stress test” mùa hè năm ngoái. Phần lợi nhuận này giúp bù đắp cho những thua lỗ và giảm bớt áp lực tăng vốn của các ngân hàng. Sẽ là vấn đề đối với một số ngân hàng nếu những lợi nhuận từ trái phiếu chính phủ Đức tỏ ra chỉ là tạm thời.

Một số nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã quan sát sự đi xuống của trái phiếu Đức với nhiều lo ngại.

Otmar Issing, nguyên kinh tế trưởng tại ngân hàng Trung ương châu Âu ECB, phát biểu trong một hội nghị tại Frankfurt hôm thứ Ba cho biết giá trái phiếu chính phủ Đức và chính phủ Mỹ đã bị “bóp mép” do niềm tin vào nơi trú ẩn an toàn.

Peter Praet, thành viên ban điều hành ECB cho biết các ngân hàng đã được hưởng lợi từ tình trạng an toàn của trái phiếu Đức, giúp họ dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu giảm thiểu rủi ro từ phía các nhà hành pháp.

Như một dấu hiệu tăng giá của trái phiếu chính phủ Đức trên thị trường mở vào năm ngoái, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã đi từ mức 3,5% trong tháng 4 xuống mức thấp 1,67% vào tháng 9. Giờ sự tăng giá đó đã chuyển thành thua lỗ.

“Nguy cơ tiềm ẩn của sự bóp méo đó là gì”, ông Praet đặt vấn đề.

Câu trả lời có thể không ai biết rõ vì hiện thiếu thông tin chi tiết về lượng tài sản trái phiếu mà các ngân hàng nắm giữ hiện nay.

Nhiều nhà đầu tư chắc chắn sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha và Italy cũng như sự ổn định trở lại của thị trường tài chính châu Âu. Nhưng bất kỳ sự chuyển hướng nào trên một thị trường quan trọng như vậy, đặc biệt khi giá đã chạm mức được coi là quá cao, sẽ gây ra rủi ro đổ vỡ. Hầu hết sẽ phụ thuộc vào việc giá trái phiếu chính phủ Đức sẽ rớt cùng với việc lợi suất trái phiếu sẽ tăng tới mức nào.

Gianluca Salford and Aditya Chordia, nhà phân tích tại J.P. Morgan, London, dự báo lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức sẽ không tăng vượt ngưỡng 2,2%. Đây sẽ là mức tương đương với lợi suất hồi tháng 12 năm ngoái.

Tuy vậy, một số nhà phân tích lại cho rằng việc lợi suất trái phiếu chính phủ Đức tịnh tiến dần sẽ tốt cho thị trường tài chính.

Các ngân hàng Đức, nắm phần lớn trái phiếu chính phủ của quốc gia mình, sẽ không thoải mái khi đón nhận thông tin này, Nicolas Véron, nhà phân tích cấp cao thuộc Bruegel, một tổ chức nghiên cứu tại Brussels nhận định. Nhưng “tôi không quá lo lắng về mức lợi suất hiện có, vốn không ở mức quá cao. Nếu chúng ta chứng kiến lợi suất tăng cao đáng kể lên 3 – 4%, sẽ là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhưng hiện chúng ta không ở ngưỡng đấy và tôi không chắc chúng ta sẽ đạt tới mức lợi suất đó.”

Cuộc đấu thầu trái phiếu Đức diễn ra hôm thứ Tư cho thấy những tài sản này vẫn giữ được sức hấp dẫn của mình. Chính phủ Đức đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lợi suất 0,31%. Trái phiếu kỳ hạn ngắn luôn có lợi suất thấp hơn các trái phiếu kỳ hạn dài hơn. Mức lợi suất này đã tăng so với mức 0,25% trong cuộc đấu thầu cuối tháng 2 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức lợi suất 0,51% hồi tháng 9 năm ngoái.

Đức cũng gia tăng uy tín của mình như một quốc gia tài khóa thận trọng khi nội các của Thủ tướng Angela Merkel đã thông qua kế hoạch ngân sách với mục tiêu cắt giảm thâm hụt của chính phủ xuống ngưỡng 0,35% GDP vào năm 2014, sớm hơn hai năm so với kế hoạch trước đó. Mức thâm hụt của năm 2011 là 1% so với mức 8,5% của Tây Ban Nha.

Tuy vậy, sự biến động giá trái phiếu chính phủ Đức vẫn là một nguy cơ. Các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tài sản – những nhà đầu tư năng động nhất, dường như đang chốt lời bằng cách đẩy trái phiếu chính phủ Đức ra khỏi danh mục và mua những trái phiếu dài hạn hơn của các quốc gia vùng rìa châu Âu như Tây Ban Nha và Italy.

Những nhà đầu tư này đang đặt cược vào khả năng giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ đã đi qua và lợi suất trái phiếu của các quốc gia vùng rìa sẽ tiếp tục giảm so với lợi suất trái phiếu Đức.

“Nếu đây đúng thời điểm, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay”, Mark T. Müller, Giám đốc điều hành tại Credit Suisse, Frankfurt nhận định. “Trái phiếu chính phủ Đức có lẽ đã bị định giá quá cao trong khi trái phiếu của một số quốc gia khác lại bị định giá thấp.”

Lý giải phổ biến nhất cho sự tăng giá của lợi suất trái phiếu Đức là chúng đang trở về ngưỡng bình thường khi những lo ngại về châu Âu lắng xuống.

Nhưng một lý do khác của biến động này có thể là các nhà đầu tư đã bắt đầu nhận thấy sự suy yếu của kinh tế Đức. Nếu cuộc khủng hoảng lại nhức nhối trở lại, theo ý kiến của nhiều nhà phân tích, Đức sẽ là quốc gia phải gánh chịu phần chi phí lớn nhất. Theo đó, khả năng thanh toán nợ của quốc gia này cũng sẽ giảm sút.

“Dù là chương trình hỗ trợ Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, Đức sẽ phải đóng góp một phần tư trong ngân sách hỗ trợ.”, ông Weinberg thuộc High Frequency Economics nhận xét.

Ông cũng tỏ ra hoài nghi với quan điểm nước Đức, với nền kinh tế mạnh khỏe, là nơi trú ẩn an toàn khỏi cuộc khủng hoàng tài chính. Ông lưu ý rằng nền kinh tế Đức đã đi xuống trong quý IV năm ngoái và những dữ liệu gần đây cho thấy sự chậm lại trong đơn hàng của các nhà sản xuất Đức.

  • Stox/NYT, vinacorp.vn