Phông chữ

Trong khi cựu Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos có thể trở thành lãnh đạo đảng Xã hội PASOK (đảng lớn nhất ở Hy Lạp) tại cuộc bầu tân Chủ tịch đảng này diễn ra hôm 18/3 thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại đưa ra cảnh báo mới. Theo đó, Hy Lạp vẫn có khả năng phải rời khỏi khu vực đồng Euro (Eurozone).

Dư luận Hy Lạp từng bàn luận xôn xao ngay sau tuyên bố từ chức hôm 14/3 của Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos bởi việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận tái cấu trúc nợ với các chủ nợ tư nhân. IMF cho rằng, Hy Lạp vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, nên cần tiếp tục tái cơ cấu nợ hoặc hỗ trợ tài chính bổ sung từ các nước khu vực Eurozone.

Hy Lạp hiện là quốc gia có mức nợ công cao nhất trong số 17 nước khu vực Eurozone sau khi nền kinh tế của Athens rơi vào suy thoái từ năm 2009. IMF dự báo, kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng âm 4,8% trong năm 2012, 0% trong năm 2013 và tăng trưởng trở lại vào năm 2014 với tỷ lệ 2,4%. IMF cũng nhận định, Hy Lạp sẽ cần 164,5 tỷ Euro trong năm 2014 và từ 8 tới 21 tỷ Euro trong năm 2015 và quý I năm 2016, tùy quá trình khôi phục tiếp cận thị trường của nước này.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde (trái) và ông Evangelos Venizelos.

Nhưng những rủi ro trong quá trình thực hiện có thể đòi hỏi xóa thêm nợ do khu vực công nắm giữ và điều đó sẽ dẫn tới việc chính phủ vỡ nợ. Trong trường hợp không được hỗ trợ chính thức và tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), việc Hy Lạp phải rời bỏ khu vực Eurozone là không thể tránh khỏi. Nhận định này diễn ra cho dù hãng Fitch Ratings vừa nâng mức xếp hạng tín dụng Hy Lạp ở mức B-, tức thoát khỏi xếp hạng tín dụng vỡ nợ sau khi tái cơ cấu.

Ngày 16/3, Hội đồng quản trị IMF đã phê chuẩn gói cải tổ hạn ngạch và quản trị của thể chế tài chính quốc tế này. Nhưng để có hiệu lực, gói cải cách này cần sự phê chuẩn của 89 nước thành viên, chiếm 53,14% quyền bỏ phiếu của IMF. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde kêu gọi các nước thành viên còn lại nhanh chóng hoàn tất những biện pháp pháp lý cần thiết để thực hiện quyết định quan trọng của Hội đồng quản trị IMF trong khung thời gian đã thỏa thuận.

Ngày 12/3, bà Christine Lagarde cam kết hỗ trợ 36,7 tỷ USD để cứu nền kinh tế Hy Lạp và hỗ trợ chương trình kinh tế của nước này trong 4 năm tới. Bà Christine Lagarde cũng nhấn mạnh, để phục hồi năng lực cạnh tranh và vị thế tài chính bền vững, Hy Lạp cần thực hiện các cải cách cơ cấu sâu rộng và bền vững trong một thời gian dài. Cách đây mấy hôm, IMF đã phê duyệt gói cứu trợ trị giá 28 tỷ Euro cho Hy Lạp và đây là một phần trong kế hoạch của gói cứu trợ mới mà các nhà tài trợ quốc tế giúp nước này tránh phá sản. 1,65 tỷ Euro đầu tiên sẽ được phân bổ sau khi thỏa thuận được ký kết và quyết định này tạo điều kiện giải ngân gói giải cứu trị giá 130 tỷ Euro.

Được biết, ngày 19/3, Quỹ bình ổn tài chính châu Âu sẽ cấp 5,9 tỷ Euro cho Hy Lạp trước khi IMF giải ngân 1,65 tỷ Euro. Theo ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu lĩnh vực tài chính khu vực Eurozone, các thành viên đã chính thức phê duyệt gói cứu trợ kể trên cho Hy Lạp hôm 14/3.

Giới chuyên môn coi gói cứu trợ lần này là cơ hội duy nhất để Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính công và sớm ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, để nhận được gói cứu trợ này, Hy Lạp phải áp dụng nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng như cắt giảm lương khu vực công và tư, cắt giảm lương hưu, y tế, quốc phòng…

Mặc dù Quốc hội Đức thông qua gói cứu trợ cho Hy Lạp, nhưng Thủ tướng Angela Merkel lại vấp phải sự phản đối từ các thành viên trong liên minh. Có ít nhất hơn 10 thành viên trong Quốc hội thuộc liên minh trung hữu của Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố không bỏ phiếu cho gói cứu trợ trị giá 130 tỷ Euro. Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich từng kêu gọi Hy Lạp rời khỏi khu vực Eurozone.

Ngày 25/2, ông Hans-Peter Friedrich, lãnh đạo Liên đoàn Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) khi trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel đã cho rằng, cơ hội khôi phục tình hình tài chính của Hy Lạp sẽ lớn hơn nếu có thể được rút khỏi khu vực Eurozone. Trong khi đó nhiều người dân Hy Lạp lại coi Đức là thủ phạm gây ra mọi tai ương cho họ.

Được biết, thượng tuần tháng 3, lãnh đạo châu Âu đã thảo luận khả năng gộp quỹ cứu trợ tạm thời với quỹ cứu trợ dài hạn để tạo ra quỹ có quy mô 750 tỷ Euro (khoảng 993 tỷ USD) để sử dụng khi khu vực Eurozone cần tới sự hỗ trợ về tài chính.

Về phần mình, Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng mới kêu gọi ngân hàng và chính phủ các nước thành viên tăng khả năng hồi phục, kể cả bằng cách giữ lại thu nhập, giảm cổ tức và tiền thưởng... Bởi ECB gánh vai trò chính trong cuộc chiến chống khủng hoảng nợ công của những quốc gia thành viên.

  • Lê Trịnh-Trọng Hậu, CAND