Phông chữ

Để hiệp ước được thông qua cần ít nhất 2/3 sự đồng thuận ở cả hai viện của Quốc hội. Điều này sẽ khiến bà Merkel phải phụ thuộc vào các chính đảng đối lập.

 
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt với một thách thức bất ngờ trong việc thúc đẩy việc phê duyệt dự luật về thắt chặt ngân sách tại chính nước nhà, sau khi vào ngày 3/3, chính phủ của bà đã xác nhận rằng để hiệp ước được thông qua cần ít nhất 2/3 sự đồng thuận ở cả hai viện.
 
Điều này sẽ khiến bà Merkel phải phụ thuộc vào các chính đảng đối lập, những người mà trước đây đã ủng hộ bà về một gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp hay việc mở rộng quỹ cứu trợ tài chính châu Âu, nay có khả năng sẽ đưa ra những điều kiện ràng buộc cho sự ủng hộ đối với dự luật, ví dụ như các biện pháp mới để kích thích tăng trưởng châu Âu.
 
Việc người phát ngôn của chính phủ Đức khẳng định về yêu cầu 2/3 phiếu thuận trong việc thông qua hiệp ước đã gây ngạc nhiên lớn khi bản thân hiến pháp Đức đã bao gồm điều khoản "kìm hãm nợ", theo đó chính phủ liên bang phải cắt giảm cơ bản thâm hụt ngân sách xuống dưới 0,35% cho đến năm 2016. Chính điều luật này là khởi nguồn ý tưởng cho châu Âu về một dự luật thắt chặt ngân sách.
 
Tuy nhiên, một quốc gia có thể bị các nước còn lại trong khối kiện ra Tòa án Tư pháp châu Âu nếu không tuân thủ hiệp ước. Điều đó ảnh hưởng đến chủ quyền và hiến pháp nên đòi hỏi một tỷ lệ đồng thuận lớn hơn.
 
Phát ngôn viên cũng cho biết: “Chính phủ đã đi đến kết luận rằng luật thắt chặt tài chính sẽ phải được phê duyệt theo quy định tại Điều 23 của hiến pháp. "
 
Điều 23 bao gồm việc chuyển giao chủ quyền, quyền hạn của quốc gia lên cấp độ toàn châu Âu.
 
Ngày 27/2, Hạ viện Đức đã thông qua gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp với 496 phiếu thuận, chỉ 90 phiếu chống và 5 phiếu trắng, bất chấp việc bà Merkel phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ bên trong liên minh của mình.
 
Frank-Walter Steinmeier, người đứng đầu của nhóm nghị sỹ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cho rằng bà Merkel đang phải phụ thuộc vào phe đối lập."Thủ tướng Merkel phải tiếp cận chúng tôi ngay lập tức. Bà ấy đã không làm điều này trong quá khứ ... tỷ lệ 2/3 đồng thuận tại cả hai viện không thể coi là chuyện thường."
 
"Tôi không thể tưởng tượng rằng hiệp ước sẽ được phê duyệt mà không kèm theo các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng", ông nói thêm.
 
Cả hai đảng cầm quyền và đối lập đều kêu gọi một khoản thuế đánh vào các giao dịch tài chính tại châu Âu để có thể sử dụng nguồn thu này tài trợ cho chương trình kích thích kinh tế của toàn khối.
 
Ngày 13/3, các Bộ trưởng tài chính của EU sẽ gặp nhau tại Brussels để thảo luận về kế hoạch chi tiết của Ủy ban châu Âu về khoản thuế này trong khi vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ London.

  • Lan Hương (Theo TTVN/CNBC)