Phông chữ

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 23/1 đã kêu gọi các chính phủ ở châu Âu tăng cường quy mô các quỹ cứu trợ và cân nhắc những bước đi chia sẻ nguy cơ tài chính, như phát hành trái phiếu chung của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), coi đây là cách để xử lý cuộc khủng hoảng nợ công đang khiến "Lục địa già" chao đảo.

Trong bài phát biểu tại Hội đồng Đối ngoại Đức ở Berlin, bà Lagarde nhấn mạnh kinh tế thế giới đang đối mặt với một thời khắc quyết định, đòi hỏi các chính phủ phải hành động nhanh và đồng bộ.

Để giải quyết các thách thức, các cường quốc nên tiếp tục tăng nguồn lực cho IMF nhằm lấp đầy những lỗ hổng tài chính toàn cầu có thể lên tới 1.000 tỷ USD trong vài năm tới. Bà Lagarde cho biết IMF đang có kế hoạch tăng nguồn lực cho vay lên tới 500 tỷ USD, bao gồm cả các ngân quỹ mà châu Âu đã cam kết.

Bà Lagarde kêu gọi các lãnh đạo châu Âu thực thi "thỏa thuận tài chính" đạt được hồi tháng trước, dưới dạng chia sẻ nguy cơ tài chính, như phát hành trái phiếu Eurozone hoặc lập quỹ chuộc nợ.

Bên cạnh đó, IMF cũng khuyến khích sự hỗ trợ tích cực của các nước ngoài châu Âu, điển hình là Mỹ, nước có trách nhiệm đặc biệt vì là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nước phát triển và mới nổi, với thặng dư tài khoản vãng lai lớn, cũng nên tiến hành các biện pháp để thúc đẩy nhu cầu nội địa, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong hai năm qua, IMF đã hỗ trợ tài chính cho một loạt nước châu Âu bị rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, tuy nhiên, với trường hợp các nước lớn ở châu Âu như Italy, IMF muốn thúc đẩy khả năng cho vay, hiện vào khoảng 380 tỷ USD.

Các thành viên trong Eurozone đã nhất trí bơm gần 200 tỷ USD cho IMF, song các nước mạnh như Mỹ, Canada, Trung Quốc và Nhật Bản lại không nhiệt tình với việc tăng cường hỗ trợ cho tổ chức tài chính có trụ sở ở Washington này.

Nhiều nước cho rằng trước hết châu Âu cần tiến hành thêm các bước đi quyết định để tự giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của khu vực./.

  • (TTXVN/Vietnam+)