Phông chữ

“Đức có nguồn lực rất lớn trong nghiên cứu cơ bản và phát triển ra thực tế. Chúng ta (Mỹ) có được thế mạnh trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai khi có rất nhiều nhà khoa học của họ (Đức) tới đây, nhưng chúng ta đã không gắn kết được các nghiên cứu ở đại học với ngành này như người Đức”.

Các nhà bình luận Mỹ và Anh thường "rỉ tai" ba câu chuyện về nền kinh tế Đức trong thập kỷ qua, tất cả đều mang vẻ coi thường. Theo quan điểm "đặc" bảo thủ, Adam Posen, từ viện Kinh tế quốc tế Peterson năm 2006, đã coi những gì nền kinh tế Đức đã thể hiện là "mãi mãi nghèo nàn". Với "cảm hứng" tương tự, Jude Blanchette, viết trên blog viện Mises, dự đoán năm 2003 rằng không có gì ngoài sự "mục nát và biếng nhác" ở phía trước.

Câu chuyện thứ hai khẳng định, ngay cả khi Đức từng là cường quốc kinh tế, thì thời hoàng kim của nó cũng đã qua. Vì thế, năm 2003, Larry Elliott phóng viên của tờ The Guardian viết rằng nền kinh tế Đức thực tế đã "mệt đứt hơi", còn theo quan điểm của nhiều người thì, nó đã đóng vai trò của Anh những năm 1970 là một "kẻ ốm yếu của châu Âu".

Câu chuyện thứ 3 kể rằng, Đức có thể tồn tại được, ở mức độ nào đó, chẳng qua là vì đã từ bỏ những yếu tố riêng có trong mô hình kinh tế của mình và theo đuổi các chuẩn mực của Mỹ. Đơn cử, Edmund L. Andrews khẳng định trên tờ New York Times năm 2000 rằng, cấu trúc và đặc điểm đằng sau pháo đài Đức đã bắt đầu rạn vỡ như một ngôi nhà năm ngang đường đứt gãy ỏ California. Và rằng, người Đức đang đang bắt chước thung lũng Silicon khi chuyển sang mô hình việc làm tự do, và nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây từ bỏ những công việc đảm bảo ổn định, với một chủ doanh nghiệp đã được khẳng định để phiêu lưu cùng một doanh nghiệp mới khởi sự.

Tuy nhiên, như nhà quan sát Đức làm việc tại Chicago, Gary Herrigel, đã chỉ ra, có vẻ không điều nào trong số này là đúng. "Người Đức chắn chắn đã cải thiện hệ thống của mình để làm cho nó linh hoạt hơn", ông nói. "Nhưng họ không hề có ý định sẽ theo đuổi mô hình của Mỹ. Họ vẫn không đi theo hướng cơ chế thị trường tự do hơn hay cá nhân hoá nền kinh tế".


Đằng sau cái vẻ bề ngoài khá "cũ kỹ", nền kinh tế Đức vẫn chứng tỏ là mô hình phát triển mạnh mẽ và bền vững. (Ảnh: Economist.com)
Gần đây, tình hình kinh tế Đức còn tốt hơn so với cả Mỹ hay Anh, dù cho có những dự đoán không mấy khả quan từ các nhà quan sát kinh tế nói tiếng Anh kia. Những vấn đề gắn với mô hình kinh tế Đức kể từ khi thống nhất đã bị phóng đại quá mức, và các doanh nghiệp Đức đang ở vị trí cực kỳ thuận lợi để tận dụng sự phục hồi một khi nhu cầu thế giới tăng trưởng trở lại. Phần còn lại của thế giới có thể học được những bài học quan trọng từ thành công thông của Đức qua những giải đoạn kinh tế tốt, xấu.

Lý do chống lại mô hình Đức phần lớn dựa vào chỉ một dữ liệu: tỷ lệ tăng trưởng chính thức của Đức đã tụt lùi trong những năm gần đây. Nhưng câu chuyện tăng trưởng này mang nhiều sắc thái hơn những gì người quan sát bên ngoài vẫn tưởng. Và dựa trên mọi thước đo khác, mô hình kinh tế Đức có thể sánh ngang với Mỹ:


Thu nhập bình quân đầu người

Tính theo tỷ giá của năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Đức là 44.600 USD. Đó không phải là khoảng cách quá xa so với mức 47.500 USD của Mỹ. Nhưng con số trước ấn tượng hơn nhiều, bởi người lao động Đức điển hình chỉ phải làm 1.432 giờ năm 2008 so với 1.792 giờ của người Mỹ.


Tuổi thọ

Người Đức trung bình sống thọ hơn người Mỹ 14 tháng. So với đầu những năm 1980, tuổi thọ của người Tây Đức trước đây thấp hơn người Mỹ đúng 17 tháng (và của Đông Đức cũng thấp hơn). Tuổi thọ của một quốc gia có ý nghĩa ở một số khía cạnh chủ chốt cho thấy sự thịnh vượng quốc gia, và nó phản ánh thực tế kinh tế hơn là chỉ chỉ dựa vào thứ hạng kinh tế tài chính. Đặc biệt, nó cho thấy khả năng cung cấp cho người dân những dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất.


Thương mại

Những gì thể hiện trong ngành thương mại của Đức về dài hạn rất ấn tượng. Kể từ năm 1998 - 2008, cán cân vãng lai của Đức dịch chuyển từ mức thâm hụt 5,9 tỷ USD lên thặng dư 267,1 tỷ USD. Còn với Mỹ: thâm hụt tài khoản vãng lai tăng từ 233,8 tỷ USD năm 1998 lên 268,8 tỷ USD năm 2008.


Đổi mới

Đức là nước dẫn đầu trong những công nghệ quan trọng mới, bao gồm năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay phong điện. Đức cũng có "thế lực" về kinh tế và chính trị đằng sau chiếc máy gia tốc hạt lớn, loại máy gia tốc hạt hiện đại nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, và đang giúp khám phá những vấn đề căn bản trong vật lý, và những đột phái sau đó chắc chắn sẽ tạo lợi thế "không lường" cho Đức.


Việc làm

Tình trạng thất nghiệp trong gần 2 thập kỷ kể từ khi thống nhất vẫn khiến các quan chức Berlin phải lo lắng. Nhưng thực tế, Đức đang làm tốt hơn nhiều quốc gia khác. Tháng 12/2009, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8,1%, thấp hơn nhiều so với mức 10% của Mỹ.

Đặc trưng của mô hình kinh tế Đức cũng rất đáng chú ý, dù theo nhiều mặt, nó có vẻ đã lỗi thời. Không nhiều người Đức có thẻ tín dụng và tiền mặt vẫn được sử dụng nhiều. Bởi vì sự kết hợp "quyền lực" giữa liên đoàn lao động và sự bảo thủ tôn giáo, hầu hết các cửa hiệu đều đóng cửa vào chủ nhật.

Ngay cả các cửa hiệu mở cửa, giá của chúng cũng không phải luôn luôn như khi nghiên cứu trong thị trường hiệu quả. Ví dụ, một ngày ở Berlin, tôi để ý thấy một hộp thuốc aspirin 100 viên có giá 12,95 euro. Với số tiền này - 23 USD - bạn có thể mua nhiều gấp 20 lần số thuốc đó tại Mỹ. Những người Mỹ xa xứ sống ở Đức thường phàn nàn cả danh sách dài những thứ hàng hoá có giá cả liên tục lạm phát như thế, từ dây đàn ghita cho tới những chiếc túi Ziploc.

Những thứ khác với mong đợi của người Mỹ như thế chỉ đơn giản là sự thể hiện bên ngoài của một văn hoá kinh tế khác biệt căn bản. Nền kinh tế Đức đã thành công vì nó còn mang chất Đức. Nó bắt đầu với mối quan hệ gần gũi - và là quá gần, trong mắt nhiều người Mỹ - giữa ngân hàng và các ngành công nghiệp Đức. Trong hệ thống ngân hàng này, hầu hết các doanh nghiệp đều có những dàn xếp lớn, lâu dài và đặc biệt với một ngân hàng chính. Ngân hàng sở hữu lượng lớn cổ phần của nhiều khách hàng doanh nghiệp và vì thế có thể phát huy ảnh hưởng lớn từ phía sau.

Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng, hệ thống ngân hàng không còn hoàn toàn như trước kia nữa. Ví dụ, trong nỗ lực hạn chế tối đa xung đột lợi ích trong hoạt động ngân hàng-đầu tư, ngân hàng Deutsche giảm bớt vai trò làm cổ đông chủ yếu của một số công ty từ vài năm trước. Nhưng nhà nghiên cứu Andreas Busch tại Göttingen đã chỉ ra rằng, ý nghĩa từ việc thay đổi chính sách của ngân hàng Deutsche đã bị phóng đại bởi báo chí các nước ngoài.

"Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân. Ngân hàng Deutsche không phải là nhân tố đủ lớn trong nền kinh tế Đức như các nhà quan sát nước ngoài tưởng tượng". Ông thêm rằng, hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò trọng tâm trong việc cung cấp tài chính hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo các số liệu của Busch, các doanh nghiệp này tạo ra khoảng 70% số việc làm và khoảng một nửa sản lượng của khu vực doanh nghiệp.

Đức có một hệ thống tạo công ăn việc làm khá thân thiện với người lao động. Mặc dù một số quy định đã giảm xuống trong những năm gần đây, nhưng công nhân Đức vẫn được đảm bảo an sinh việc làm tốt hơn nhiều so với đối tác Mỹ. Như Herrigel nói thì, ngay cả giữa lúc kinh tế đi xuống, và hiện đang "tàn phá" nhiều doanh nghiệp sản xuất, vẫn không có quá nhiều người Đức phải nghỉ việc. Thay vào đó, người Đức đã đi theo hướng chia sẻ việc làm thông qua hệ thống việc làm ngắn hạn.

Người lao động cũng có tiếng nói lớn hơn trong ban lãnh đạo công ty ở Đức. Trong trường hợp những doanh nghiệp lớn nhất, một nửa trong tổng số ghế tại ban kiểm soát dành cho các đại diện người lao động. Thông thường, một trong số những người lao động này được bầu vào ban quản lý, nhưng cũng đôi khi, đó là những đại diện người lao động theo đúng nghĩa. Lao động có quyền phủ quyết đáng kể.

Hệ thống cùng tham gia quyết định chính sách trong quản lý doanh nghiệp này tỏ ra khá an toàn. Các doanh nghiệp Đức liên tục tăng thị phần quốc tế trong những năm qua. Đơn cử là ngành sản xuất ôtô, Đức đã chiếm 17% thị phần thế giới, con số không hề tồi với một nước chỉ có dân số bằng 1,2% dân số thế giới.

Chắc chắn, không phải mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió đối với nền kinh tế Đức. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng Đức không thể tránh khỏi bị tổn thương sau cơn chấn động tài chính toàn cầu vừa diễn ra.  Đức hiện đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc trong nhóm các quốc gia xuất khẩu vốn của thế giới. Với khả năng đó, Đức đã tái đầu tư lớn vào những quốc gia nhập khẩu vốn, bao gồm cả hai nền kinh tế lớn nhất và hoang phí nhất là Mỹ và Anh.Vì hai nước này đang phải oằn mình trong những khó khăn tài chính, nên chắc chắn, Đức sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng. Nhưng hoạt động ở trong nước của hệ thống ngân hàng Đức vẫn diễn ra tương đối tốt. Hai ngân hàng sụp đổ là Bayerische Landesbank và Landesbank Baden-Württemberg - đều phần lớn do những vấn đề ở nước ngoài gây nên, tại thị trường cho vay dưới chuẩn và thị trường phái sinh Mỹ.

Nước Đức đã tụt sau về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Giai đoạn 1998-2008, GDP tăng trưởng thực tế trung bình chỉ khoảng 1,5%/năm. So với Mỹ, con số này là 2,6%.  Nhưng những con số này không có ý nghĩa lắm nếu không xem xét những điều chỉnh quan trọng. Phần lớn lượng tăng ở Mỹ trong giai đoạn 1998-2008 là từ dân số tăng dân số 13%. Còn với Đức, dân số chỉ tăng gần 0,3%.

Bí mật thành công của "hệ thống" Đức phần lớn là do cam kết của nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ ngành chế tạo. Theo con số gần đây nhất, ngành này vẫn chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm của Đức, so với mức hơn 11% của Mỹ.

Pat Choate, nhà kinh tế học làm việc tại Washington và từ lâu vẫn ủng hộ xây dựng cơ sở chế tạo vững mạnh cho Mỹ, chỉ ra rằng, ngành chế tạo có thể - và thường là - tốn nhiều vốn và cần nhiều bí quyết công nghệ hơn so với các ngành dịch vụ tiên tiến như phần mềm và kỹ thuật tài chính mà nước Mỹ hiện đang đánh cuộc tương lai của mình. Ông nói: "Đức, giống như Nhật, đang có lợi thế về cơ cấu. Họ quan tâm tới cơ cấu nền kinh tế, trong khi chúng ta thì thờ ơ".

Choate thêm rằng, các doanh nghiệp chế tạo Đức đượng hưởng lợi thế quan trọng trong nghiên cứu và phát triển nhờ có mối liên hệ gần gũi với các trường đại học. "Đức có nguồn lực rất lớn trong nghiên cứu cơ bản và phát triển ra thực tế. Chúng ta (Mỹ) có được thế mạnh trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai khi có rất nhiều nhà khoa học của họ (Đức) tới đây, nhưng chúng ta đã không gắn kết được các nghiên cứu ở đại học với ngành này như người Đức".

Trong khi đó, nhiều "vấn đề" của nền kinh tế Đức hoá ra lại chính là điểm mạnh "nguỵ trang". Lấy ví dụ là việc gần như hoàn toàn "vắng bóng" thẻ tín dụng. Các nhà quan sát Mỹ coi đây đơn giản là sự phản ánh văn hoá kinh tế lạc hậu của Đức. Nhưng Luigi Guiso, chuyên gia văn hoá kinh tế tại Florence, chỉ rõ, mọi sự không đơn giản như vậy. Về mặt chính sách, hệ thống ngân hàng Đức hạn chế phát triển thẻ tín dụng và thay vào đó khuyến khích thẻ ghi nợ. Thẻ tín dụng làm giảm tỷ lệ tiết kiệm, trong khi thẻ ghi nợ lại làm nó gia tăng, tạo cho các ngân hàng Đức nguồn vốn dồi dào để hỗ trợ cho phía đối tác doanh nghiệp.

Ngay cả những công ty có năng lực quản lý tốt nhất đôi khi cũng cần hỗ trợ tài chính đủ lớn để vượt ra khỏi suy thoái. Đây chính là lúc tỷ lệ tiết kiệm cao liên tục của Đức phát huy được tác dụng. Lượng tiết kiệm này được chuyển - thông qua hệ thống vốn trung hạn và dài hạn do ngân hàng Đức là chủ yếu - tới hộ trợ các nhà chế tạo hiện đại. Những doanh nghiệp này sau đó lại trở lại mạnh mẽ hơn ở chu kỳ tiếp theo. Ngược lại, những đối thủ cạnh tranh ở các quốc gia như Mỹ và Anh thường phải tự lo cho chính mình.

Trong nửa thế kỷ nay, mỗi cuộc suy thoái kế tiếp nhau càng phơi bầy rõ hơn các nhà sản xuất Anh và Mỹ về mặt tài chính. Kết quả là, Đức liên tục tăng được thị phần trong ngành chế tạo hiện đại. Không ít các sản phẩm mà các nhà sản xuất tương đối nhỏ của Đức đang chiếm lĩnh thị trường thế giới. Rất nhiều điển hình có thể được đưa ra. Windmoeller & Hoelscher chiếm 90% thị trường cung cấp máy sản xuất túi giấy thuế trên thế giới. Achenbach Buschhütten cũng có thị phần tương tự trong thị trường máy sản xuất nhôm cuộn. Herbert Kannegiesser độc chiếm thị trường thiết bị giặt là cho khách sạn.

Mặc dù đa số các nhà kinh tế Mỹ coi những quy định nhằm bảo vệ việc làm của Đức là một bất lợi cạnh tranh lớn, nhưng đó lại là một cách làm hay, trong đó, mô hình Đức tập trung vào tổng thể nền kinh tế. Từ quan điểm của một cổ đông chỉ quan tâm tới lợi nhuận ngắn hạn, thì có thể sẽ không thoải mái nếu doanh nghiệp không được cho công nhân nghỉ việc trong giai đoạn suy thoái, nhưng đối với toàn bộ nền kinh tế, kết quả của một chính sách như vậy rõ ràng làm giảm được ảnh hưởng tiêu cực của chu kỳ kinh tế.

Quan trọng hơn, vì người lao động được đảm bảo an sinh xã hội khá tốt, nên doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa vào những công nghệ sản xuất mới, hiệu quả hơn. Người lao động có xu hướng nắm bắt công nghệ mới như cách tốt nhất để đảm bảo công việc dài hạn của mình. Hơn thế nữa, tỷ lệ công nhân "nhảy việc" thấp hơn tại các công ty Đức cũng là lý do tại sao doanh nghiệp Đức sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo công nhân. Herrigel  cho biết, ở Mỹ, việc người lao động đem kỹ năng của mình sang phục vụ cho công ty cạnh tranh khá phổ biến.

Hệ thống cùng tham gia vào việc ra quyết sách cũng khá hiệu quả. Mặc dù, trên lý thuyết, công nhân có thể bị cám dỗ sử dụng quyền lực trong ban lãnh đạo để làm lợi cho chính mình để đòi tăng lương một cách không hợp lý, nhưng trên thực  tế, điều này lại hiếm khi diễn ra. Thay vào đó, công nhân có cách tiếp cận ôn hoà để đảm bảo sự vững mạnh dài hạn của chủ lao động. Kết quả là, giám đốc điều hành doanh nghiệp Đức nhìn chung thường coi việc cùng tham gia quyết định là có ích hơn là cản trợ, như giúp đảm bảo sự linh hoạt của người lao động khi quy trình công việc cần thay đổi hay được giao nhiệm vụ mới.

Năm 2010 còn chứng tỏ hơn nữa sức mạnh Đức. David Marsh, nhà tư vấn và tác giả bài viết về Bundesbank: Ngân hàng thống trị châu Âu, kết luận: "Sau những cuộc cải cách thế kỷ trước - và cũng sau những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng và suy thoái kinh tế - mô hình Đức đang nổi lên vững chãi hơn bao giờ hết, để đương đầu với sự cạnh tranh toàn cầu".

Đình Ngân (dịch)