Phông chữ

Đó là phát biểu của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel trước báo giới hôm 14/1 sau khi có tin hãng đánh giá tín dụng toàn cầu Standard & Poor's hạ bậc tín dụng Pháp và một loạt nước châu Âu khác. Động thái này đang đẩy châu Âu vào tình thế khó khăn hơn trong cuộc khủng hoảng nợ công.

Ngày 13/1/2012 quả thực là một "ngày thứ sáu đen tối" đối với nước Pháp và châu Âu. Vào ngày này, hãng đánh giá tín dụng hàng đầu thế giới Standard & Poor's của Mỹ đã thông báo hạ bậc tín dụng đối với 9 quốc gia châu Âu, bao gồm cả nước Pháp. Đáng chú ý nhất là việc nước Pháp bị hạ bậc tín dụng từ AAA xuống còn AA+; Áo cũng không còn được đánh giá AAA.

Ngoài ra, một loạt quốc gia khác như Italia, Tây Ban Nha, Síp, Slovenia, Bồ Đào Nha, Malta và Slovakia cũng bị hạ từ 1 đến 2 bậc. Như vậy, với thông báo hạ bậc tín dụng lần này của Standard & Poor's, châu Âu chỉ còn lại duy nhất mỗi nước Đức được đánh giá tín dụng AAA. Lãnh đạo nhiều nước đã đưa ra lời hứa "cải cách hơn nữa" nhằm cải thiện chỉ số đánh giá tín dụng.

Việc hạ bậc tín dụng dường như đã gây ra một tác động đáng kể về mặt tâm lý. Các thị trường chứng khoán đã phản ứng bằng việc mất điểm hàng loạt do các nhà đầu tư lo ngại tình hình khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, chính phủ các quốc gia bị hạ bậc tín dụng có những phản ứng khác nhau. Thủ tướng Pháp có phần gay gắt khi đưa ra nhận xét cho rằng, không nên "chính trị hóa" vấn đề đánh giá tín dụng, và rằng "các hãng đánh giá tín dụng không thể quyết định" được chính sách của nước Pháp. Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp Francois Baroin tỏ ra mềm mỏng hơn khi phát biểu trên Kênh truyền hình France-2 rằng không nên làm cho dân Pháp lo sợ vì "tin xấu" hạ bậc tín dụng.

Việc hạ bậc tín dụng này không hoàn toàn bất ngờ mà là hành động đã được báo trước. Tháng 12/2011, Standard & Poor's đã đưa ra lời cảnh báo khi thông báo sẽ đưa 15 nước châu Âu vào diện "theo dõi tín dụng" - một động thái được cho là chuẩn bị để hạ bậc tín dụng. Thế nhưng tình hình tại nhiều nước không cải thiện được bao nhiêu.

Vậy liệu việc hạ bậc tín dụng của Standard & Poor's đối với một loạt quốc gia có làm cho cuộc khủng hoảng ở châu Âu tồi tệ hơn không? Câu trả lời là không. Cho đến nay cũng mới chỉ có Standard & Poor's đưa ra thông báo hạ bậc tín dụng. Các hãng đánh giá tín dụng uy tín khác như Moody's và Fitch Ratings thì vẫn chưa có động thái tương tự. Nhưng nếu tình hình cải cách kinh tế không được cải thiện, tác động sẽ rất lớn khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu nợ của các quốc gia.

Vấn đề có vẻ nghiêm trọng từ thông báo hạ bậc tín dụng của Standard & Poor's chính là ở chỗ Pháp là nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu và là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Hơn nữa, Pháp cũng là một trong những quốc gia bảo trợ chính cho Quỹ hỗ trợ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Việc hạ bậc tín dụng Pháp là lời cảnh báo về tình trạng sức khỏe nền kinh tế nước này không được tốt, trong khả năng kiểm soát tình hình tài chính, nợ công cần phải được xem xét cải thiện sớm nếu không muốn sa vào vết xe đổ của Hy Lạp, Italia. Từ đó, nhiều người lo ngại rằng việc bị hạ bậc tín dụng là dấu hiệu cho thấy nước Pháp cũng đang sắp rơi vào khủng hoảng.

Hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor's.

Thực ra, theo đánh giá của Thủ tướng Đức Merkel, việc hạ bậc tín dụng của Standard &  Poor's không chỉ là một cảnh báo tiêu cực đối với tình trạng khủng hoảng nợ ở châu Âu, mà nó còn là hồi chuông cảnh báo đối với việc tiến hành các cải cách cần thiết ở Pháp cũng như hầu hết các quốc gia châu Âu khác.

Bà Merkel cho rằng, để giải quyết tình trạng khủng hoảng nợ công, không nhất thiết một quốc gia phải duy trì chỉ số tín dụng là AAA hay AA, hay mấy chữ A. Chủ yếu đây là lời "cảnh cáo" của Standard & Poor's đối với tiến trình cải cách kinh tế của các quốc gia đang lâm vào khủng hoảng. Tình hình ở châu Âu cho thấy khủng hoảng nợ công vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và đang tiếp tục đe dọa tương lai của đồng euro. Vì vậy nếu cải cách không được các quốc gia chú trọng đẩy mạnh, tình hình sẽ ngày càng khó khăn hơn. Và khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục kéo dài sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, những nỗ lực cứu vãn khủng hoảng tại Hy Lạp vẫn chưa mang lại kết quả khả quan nào. Các nỗ lực đàm phán tại Roma về việc hoán chuyển nợ công của Hy Lạp vẫn đang bế tắc (sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 18/1). Thủ tướng Đức Merkel hôm 15/1 đã thúc giục IIF (Viện Tài chính Quốc tế) thực hiện việc cắt giảm 50% nợ cho Hy Lạp như đã cam kết. Đồng thời bà cũng hối thúc lãnh đạo Hy Lạp thực hiện cam kết cắt giảm nợ công. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại âm thầm thực hiện phần việc của mình là hạ lãi suất, hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn và tăng cường mua trái phiếu quốc tế để giúp các nước giải tỏa áp lực khủng hoảng.

Mấu chốt của tình trạng chậm cải cách kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu hiện nay chính là một hệ thống chính trị trì trệ, bảo thủ và thiếu sự thống nhất. Vấn đề không mới, nhưng việc quyết định cải cách kinh tế như thế nào lại là điều mà các đảng phái chính trị tại các nước không thể thống nhất được với nhau.

Như ở Italia, gói giải pháp cải cách kinh tế nhằm giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng được Thủ tướng lâm thời Mario Monti trình ra nhưng phải rất trầy trật nó mới được Quốc hội thông qua do còn phải vượt qua sự tín nhiệm của đảng chính trị của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Hay như tại Hy Lạp, đã hơn 2 tháng từ khi ông Lucas Papademos lên làm Thủ tướng để "giải cứu" đất nước, tiến trình thực thi các giải pháp cải cách cũng ì ạch và gần như giẫm chân tại chỗ.

Chỉ có một phương án được triển khai là "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu mọi thứ nhằm giảm thâm hụt ngân sách là chính, mà ngay cả giải pháp này hiện cũng đang gây nên mối lo ngại là nó đang đe dọa làm tê liệt nền kinh tế Hy Lạp, vì vậy đặt ra nguy cơ "hại nhiều hơn lợi". 

  •   An Châu (CAND, tổng hợp)