Phông chữ

Vì những diễn biến bất lợi trong quá trình đàm phán về khả năng cũng như mức độ tham góp của khu vực tư nhân đối với gói cứu trợ thứ hai (phối hợp giữa Liên minh châu Âu - EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) dành cho Hy Lạp đang gặp trở ngại nên dư luận nói chung, đặc biệt là những quốc gia khu vực đồng Euro (khu vực Eurozone) nói riêng không những có thể phải gia tăng phần đóng góp, mà còn cảnh báo nhiều tiềm ẩn khác.

Giới chuyên môn cho rằng, nếu thỏa thuận với khu vực tư nhân không giúp giảm nhẹ gánh nợ cho Hy Lạp, hoặc IMF không sẵn sàng cam kết bơm thêm tiền thì chính phủ các nước EU sẽ phải tăng phần đóng góp của mình trong nỗ lực giải cứu Athens thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

Giới truyền thông đưa tin, mấy tháng qua, một số ngân hàng và quỹ đầu tư đã đàm phán với Athens về kế hoạch hoán đổi nợ (trái phiếu chính phủ) nhằm giảm bớt mức nợ công của Hy Lạp từ 160% GDP xuống mức có thể kiểm soát được (120% GDP vào năm 2020). Bởi giảm nợ công là yêu cầu trọng tâm mà Hy Lạp phải thực hiện để nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ Euro (khoảng 165 tỷ USD) từ EU và IMF. Việc này diễn ra sau khi xuất hiện những thông tin không mấy khả quan về những mâu thuẫn giữa các quỹ đầu cơ với IMF trong kế hoạch giảm nợ cho Hy Lạp khi thời gian cho đàm phán đã hết.

Những cảnh báo kể trên diễn ra khi lãnh đạo EU và IMF đang tiếp tục thảo luận về tương lai của khu vực Eurozone. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết (11/1), ưu tiên hàng đầu của khu vực Eurozone trong năm 2012 là đảm bảo gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp - phải được quyết định trước khi châu Âu có thể bắt đầu bàn tới việc làm cách nào để thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm mới.

Theo đó, Đức có thể cung cấp thêm tiền cho Quỹ ổn định châu Âu và Quỹ cứu trợ thường trực của khu vực Eurozone. Cũng trong ngày 11/1, ba viện kinh tế hàng đầu châu Âu là Insee (Pháp), Ifo (Đức) và Istat (Italia) cùng dự báo khu vực Eurozone sẽ rơi vào cuộc suy thoái ngắn, theo đó GDP của khu vực Eurozone sẽ giảm 0,3% trong quý 4/2011 và giảm 0,2% trong quý 1/2012.

Trước đó (9/1), Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề nghị các trái chủ khu vực tư nhân phải chia sẻ vấn đề giảm nợ cho Hy Lạp, nhưng các quỹ đầu cơ đã phản đối điều này. Giới chuyên môn cho biết, các quỹ đầu cơ đã tăng cường nắm giữ trái phiếu Hy Lạp (206 tỷ Euro) nhằm chia sẻ gánh nặng trong việc xóa một phần nợ cho Athens trên cơ sở tự nguyện, nhưng cũng có nhiều quỹ đầu cơ không muốn thực hiện kế hoạch này. Bởi họ vừa muốn Hy Lạp vỡ nợ (để nhận các khoản bảo hiểm tín dụng), vừa hy vọng được hoàn trả đầy đủ nếu đủ số đăng ký. Chính điều này đã khiến cho mâu thuẫn giữa họ với IMF ngày càng gia tăng.

Và nếu không đạt được thỏa thuận mới thì IMF, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không thanh toán gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp. Nếu không nhận được gói cứu trợ tiếp theo, Hy Lạp có thể rơi vào thảm cảnh vỡ nợ công (20/3) bởi khi đó 14,5 tỷ Euro trái phiếu đáo hạn.

Người phát ngôn chính phủ Hy Lạp Pantelis Kapsis từng cho rằng, các cuộc đàm phán với IMF, ECB và một số nước khu vực Eurozone trong những tuần tới sẽ quyết định tất cả. Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos tiếp tục kêu gọi người dân chấp nhận những biện pháp cắt giảm thu nhập sâu hơn để có thể ở lại khu vực Eurozone. Được biết, tập đoàn Hàng không Apollo của Mỹ đã chi 31 triệu Euro để sở hữu 4 chiếc Airbus 340 sau khi Athens tuyên bố (31/12/2011) bán 4 máy bay này để trang trải thâm hụt ngân sách.

Cách đây không lâu, Thống đốc Ngân hàng trung ương Czech Miroslav Singer từng cho rằng, Athens nên rời khỏi khu vực Eurozone và châu Âu nên tập trung vào việc giúp các ngân hàng có thể cần tái cấp vốn cùng những vấn đề có thể giải quyết bởi Hy Lạp chỉ đại diện cho 2% kinh tế châu Âu.

Ngoài Hy Lạp, khu vực Eurozone cũng đang "sốt vó" với Italia bởi quốc gia này có nguy cơ bị hạ tín nhiệm vào cuối tháng này. Được biết, Italia sẽ bán 440 tỷ Euro (khoảng 561,67 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và trái phiếu kho bạc trong năm 2012, nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn bởi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italia hiện là 7,13%, trong khi tăng trưởng GDP thực tế là 0%.

Giới truyền thông đưa tin, Thủ tướng Italia Mario Monti đang chuẩn bị một số cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới trị giá 33 tỷ Euro với mục đích hỗ trợ khu vực tài chính công. Người dân Italia đang thực sự lo ngại về triển vọng kinh tế của nước này bởi theo thống kê, với khoản nợ công hiện đang ở mức 1.900 tỷ Euro, chiếm khoảng 120% GDP, cùng với chi phí vay mượn và tỷ lệ thất nghiệp cao, Italia là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Trước "vấn nạn Hy Lạp và Italia", Chủ tịch thường trực EU Herman Van Rompuy cho rằng (9/1), EU phải thúc đẩy tăng trưởng khi tiến hành những biện pháp thắt lưng buộc bụng, không nên cắt giảm chi tiêu ngân sách đối với những ngành là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Nhưng ổn định tài chính vẫn là mối lo ngại chung đối với các nước thành viên EU, do đó, EU cần duy trì kỷ luật tài chính đối với tất cả các nước thành viên và tăng cường kỷ luật tài chính ở những quốc gia đang phải thực hiện các biện pháp khắc khổ hoặc chịu sức ép từ thị trường.

Giới chuyên môn đang quan tâm tới tuyên bố của ông Bill Gross, người sáng lập quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới - các ngân hàng trung ương đang in tiền vô tội vạ bởi cách bơm tiền vào lưu thông hiện nay có thể tạo ra lạm phát và đó là lý do tại sao chúng ta đang thấy bong bóng dầu, vàng và các hàng hóa khác.

  • Lê Trịnh - Trọng Hậu, CAND