Phông chữ
Trường hợp của “cậu học trò hư” Hy Lạp trong “lớp học châu Âu” đang khiến các cán sự của “lớp học” này nghĩ tới thành lập một Quỹ Tiền tệ châu Âu riêng (EMF).
Vì muốn tự mình giải quyết những vấn đề tài chính nội bộ và không hoan nghênh sự can thiệp và giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), EMF ra đời sẽ giúp EU đối mặt với những tình huống khủng hoảng và nhằm trừng trị những quốc gia thành viên “kiếm tiền thì ít mà tiêu lại nhiều”.

Hoạt động hoàn toàn dựa trên mô hình IMF, EMF là đề xuất mới nhất của Đức, quốc gia thành viên luôn dẫn đầu Liên minh châu Âu về thành tích ngân sách chỉn chu. "Để ổn định khu vực đồng euro, chúng ta cần một tổ chức có những kinh nghiệm và quyền lực tương tự như IMF" - Bộ trưởng Kinh tế Đức Wolfgang Schauble, phát biểu trên tờ nhật báo Welt am Sonntag hôm 7/3 vừa qua.

Thực tế thì đây là sự tiếp nối gợi ý của Tổng thống châu Âu, Hermann van Rompuy. Tại cuộc họp không chính thức của 27 quốc gia thành viên EU đầu tháng 2/2010, ông Rompuy đã úp mở rằng: "Để tránh tác động dây chuyền từ cuộc khủng hoảng ngân sách tại Hy Lạp lan sang các thành viên châu Âu khác, chúng ta phải thành lập một tổ chức quản lý chính sách tiền tệ chung cho cả châu Âu".

Sáng kiến trên đã nhanh chóng được lãnh đạo các quốc gia thành viên khác của khu vực đồng euro nhắc lại và ngày càng trở nên rõ ràng hơn. "Ủy ban châu Âu sẵn sàng đề xuất, có thể là vào cuối nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Tây Ban Nha (cuối tháng 6 tới), thành lập một EMF để giúp đỡ các quốc gia thành viên đối mặt với những khó khăn tài chính nghiêm trọng như trường hợp của Hy Lạp" - phát ngôn viên Olli Rehn, Ủy viên châu Âu phụ trách những vấn đề về kinh tế và tiền tệ, phát biểu trên tờ Financial Times Deutschland ra ngày 8/3 vừa qua. Ông Olli Rehn cũng cho biết một cuộc hội thảo đầu tiên về đề xuất EMF đã được tổ chức cùng ngày bên trong ủy ban này.

"Giúp đỡ những quốc gia thành viên như Hy Lạp", trong ngôn ngữ của các nhà kỹ trị Bruxelles, điều đó có nghĩa là đặt một quốc gia dưới sự bảo trợ tuyệt đối bằng một loạt các biện pháp hà khắc và buộc quốc gia đó phải từ bỏ sự tự chủ về ngân sách.

Thật là ngây thơ khi tin rằng, người dân Hy Lạp đang phải còng lưng để trả nợ cho những gì chính phủ trước đây tiêu xài. Bởi lẽ, phần lớn các thành viên khác của khối EU đều mắc nợ, có điều không rơi vào khủng hoảng như Hy Lạp. Tiếp đến, đây là một cái cớ được khôn khéo sử dụng để buộc toàn bộ các nước thuộc khu vực đồng tiền euro phải tiến hành những chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc nhằm tiết kiệm ngân sách.

Không phải là Athènes không có trách nhiệm trong việc để nợ công phình to quá mức mà cũng cần phải biết rằng, các công ty, tập đoàn tài chính (như Goldman Sachs chẳng hạn) vừa thoát chết nhờ các khoản tiền cứu trợ của Chính phủ Mỹ, nay đang làm giàu trên nỗi bất hạnh của Hy Lạp. Điều đáng lo ngại hơn cả theo các chuyên gia là nó không thể không có sự tiếp tay của những nhân vật cấp cao trong Chính phủ Hy Lạp.

Như vậy, sự ra đời của EMF đặc biệt sẽ cho phép người châu Âu tự giải quyết được những vấn đề của mình. Đức cũng như các thành viên khác của khu vực đồng euro thực tế không thể chấp nhận để cho thành viên của mình phải đi gõ cửa cầu cứu IMF, một định chế chuyên giúp đỡ các quốc gia nghèo, những nước thuộc thế giới thứ ba. Vì điều này làm tổn hại đến hình ảnh và uy tín của châu Âu. "Chấp nhận sự giúp đỡ tài chính của IMF đồng nghĩa là lời thú tội rằng các nước châu Âu đang không thể lo được cho mình" - ông Wolfgang Schauble phát biểu với tờ Welt am Sonntag.

Biểu tượng đồng euro và 12 quốc gia sử dụng đồng tiền euro.

Đồng thời, Berlin cũng nêu ra một số biện pháp để trừng phạt những nước thành viên khu vực đồng euro không nỗ lực quản lý ngân sách, như hủy bỏ trợ cấp của châu Âu hoặc đình chỉ ít nhất trong vòng một năm, quyền được bỏ phiếu trong các cuộc họp cấp bộ trưởng. Cũng xin nhắc lại rằng trước đây, Đức không tán đồng với một chính sách quản lý ngân sách chung cho cả khối vì lý do là một số thành viên Nam Âu sẽ buông lỏng quản lý ngân sách. Nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp đã làm Berlin thay đổi thái độ.

Hiện nhiều quốc gia châu Âu đã lên tiếng đồng tình với sáng kiến trên của Đức. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến thận trọng trước các biện pháp trừng phạt được đưa ra đối với những quốc gia thành viên nào "kiếm ít mà tiêu nhiều" dẫn tới nợ nần chồng chất. Về phần mình, Pháp tỏ ra dè dặt. Paris nhận định, việc thành lập EMF là một ý tưởng hay nhưng không phải là ưu tiên trước mắt.

Hơn nữa, những cơ chế vận hành, theo như đề nghị của Đức, thì rất nặng nề và đòi hỏi phải sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành của châu Âu. Nếu dự án được tiến hành thì phải sửa đổi Hiệp ước Lisbon. Đây sẽ là một quá trình lâu dài và sẽ gặp nhiều phản đối. Có hiệu lực từ ngày 1/12/2009, Hiệp ước Lisbon, quy định cơ chế vận hành của châu Âu 27 thành viên, không cho phép châu Âu hỗ trợ tài chính cho các nước dùng đồng euro, mà chỉ được quyền giúp các thành viên bên ngoài khu vực đồng tiền chung.

Theo giới chuyên gia, có thể vận dụng một điều khoản trong Hiệp ước Lisbon cho phép một nhóm thành viên hợp tác chặt chẽ với nhau hơn trên những hồ sơ đặc biệt. Nếu trường hợp này xảy ra, thì EU có nguy cơ bị chia rẽ nghiêm trọng. Các thành viên dùng đồng euro sẽ củng cố hợp tác, phối hợp chính sách với nhau, bỏ mặc các thành viên khác.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng không ủng hộ dự án này. Ông Jurgen Stark, Trưởng nhóm kinh tế của ngân hàng này cảnh báo rằng, việc các nước trong khu vực đồng euro giúp đỡ lẫn nhau không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Liên minh châu Âu và có nguy cơ dẫn đến việc chối bỏ thừa nhận đồng euro. Cuộc tranh luận về vấn đề này còn tiếp tục

 Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)