Phông chữ

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer yêu cầu các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ mức khả tín của nước Anh trước nước Pháp

Cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Fitch hôm 15-12 đã hạ bậc xếp hạng 6 ngân hàng lớn trên toàn cầu. Đó là Bank of America và Goldman Sachs của Mỹ, Barclays của Anh, BNP Paribas của Pháp, Deutsche Bank của Đức và Credit Suisse của Thụy Sĩ. Theo hãng tin AFP, cơ quan Fitch cho biết việc hạ mức xếp hạng là vì những thách thức mà lĩnh vực hoạt động ngân hàng nói chung đang đối mặt hơn là những diễn biến tiêu cực cho thấy khu vực này thiếu khả năng trả nợ.

Ngược lại, Fitch đã tiếp tục khẳng định mức xếp hạng cao hiện nay của các ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), Societe Generale (Pháp) và UBS (Thụy Sĩ). Fitch nhận định rằng các ngân hàng này đặc biệt nhạy cảm trước những thách thức gia tăng đối với các thị trường tài chính. Cơ quan này ra tuyên bố nhấn mạnh: “Những thách thức đó là kết quả của những phát triển về kinh tế cũng như vô số đổi thay khác”.

Cảnh sát ngăn chặn người biểu tình Chiếm Phố Wall trước chi nhánh Bank of America ở Los Angeles hồi tháng 10. Ảnh: AP

Động thái hạ mức xếp hạng nêu trên của Fitch diễn ra nhiều tuần sau khi cơ quan Standard and Poor’s đã hạ mức khả tín của các ngân hàng lớn trên toàn cầu, trong đó có các ngân hàng Mỹ: Citigroup, Goldman Sachs, Wells Fargo, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Bank of America. Trước đó, ngày 14-12, Fitch cũng đã hạ mức xếp hạng 5 tổ chức tài chính châu Âu, gồm các ngân hàng Banque Federative du Credit Mutuel, Credit Agricole (Pháp), Danske Bank (Đan Mạch) và các tập đoàn ngân hàng OP Pohjola (Phần Lan), Rabobank (Hà Lan).

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer lên tiếng yêu cầu các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ mức khả tín của nước Anh trước Pháp bởi nền kinh tế Anh yếu kém hơn. Ông Noyer nói rằng so với Pháp, Anh bị thâm hụt ngân sách nặng nề hơn, nợ nhiều hơn, lạm phát cao hơn, mức tăng trưởng thấp hơn. Gần đây, cơ quan Standard and Poor’s đã cảnh báo Pháp có thể bị rớt bậc xếp hạng do cuộc khủng hoảng đồng euro và suy sụp kinh tế. Đài BBC cho biết Chính phủ Anh đã phản ứng lại bằng cách nói rằng Anh đã có kế hoạch đáng tin cậy để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách của mình.

Mối quan hệ giữa Pháp và Anh đã trở nên căng thẳng sau khi Anh không tham gia dự án sửa đổi Hiệp định châu Âu hồi tuần trước. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Francois Baroin nói rằng lịch sử sẽ ghi nhận Anh bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội khi một mình nước này không ủng hộ hiệp ước tài chính kể trên.

Chính phủ Ý vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Ý đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội chiều 16-12, một động thái nhằm đẩy nhanh việc thông qua gói chi tiêu thắt lưng buộc bụng 33 tỉ euro để khôi phục lòng tin của thị trường đối với nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro này. Trước đó, cựu thủ tướng Silvio Berlusconi đã thúc giục tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và nói rằng Đảng Nhân dân Tự do của ông, lớn nhất trong quốc hội, sẽ ủng hộ chính phủ.

  • LỤC SAN, NLD